Mục tiêu của Ấn Độ là đạt kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD trong lĩnh vực phần mềm và các dịch vụ liên quan tài khoá 2009, còn thu nhập trong nước từ ngành này đạt 13 tỷ USD. Phần lớn - khoảng 70% - thu nhập của lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) sẽ đến từ những dự án đang vận hành, và khoảng 30% sẽ đến từ những dự án mới. Theo ông Som Mittal, chủ tịch Hiệp hội Quốc gia các Công ty Phần mềm và Dịch vụ Ấn Độ
(NASSCOM), việc chậm phê duyệt các dự án sẽ ảnh hưởng tới tiến độ phát triển của ngành. Ngoài ra, kinh tế Mỹ suy giảm cũng là một nỗ lo lớn, và hy vọng vào sự khôi phục chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ trong 6 tháng cuối năm 2008, với tốc độ tăng dự kiến sẽ tương tự như năm 2007. Ông dự báo các dịch vụ ngân hàng và tài chính sẽ tiếp tục suy yếu, song khách hàng ở các lĩnh vực khác như chế tạo hay chăm sóc sức khoẻ sẽ tăng trưởng mạnh.
Theo NASSCOM, trong tài khoá 2008 (kết thúc ngày 31/3/08), tốc độ tăng của ngành phần mềm và các dịch vụ liên quan của Ấn Độ đã tăng  28%, trong đó xuất khẩu phần mềm và các dịch vụ liên quan tăng 29%, vượt ngưỡng 40 tỷ USD, bất chấp khả năng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ, biến động mạnh về tỷ giá tiền tệ và đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu IT của Ấn Độ tài khoá vừa qua vẫn thấp  hơn 4% so với tài khoá trước đó, do đồng Rupi tăng giá 12% so với đồng USD, làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ Ấn Độ.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đa dạng hoá thị trường, kỹ thuật cao và hiệu quả hoạt động đã giúp xuất khẩu các dịch vụ IT của Ấn Độ tăng 28% đạt 23,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu BPO (quy trình gia công doanh nghiệp - Bussiness Process Outsourcing) tăng 30% đạt 10,9 tỷ USD. Xuất khẩu các dịch vụ khoa học công nghệ đạt 6,4 tỷ USD, tăng gần 29% so với tài khoá 2007.
Thị trường IT nội địa của Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 26% đạt 11,6 tỷ USD trong tài khoá 2008. Tổng thu nhập của ngành - xuất khẩu và tiêu thụ nội địa – tài khoá vừa qua đạt 52 tỷ USD, tăng 28% so với tài khoá trước đó, và tạo công ăn việc làm cho 2 triệu người.
Chủ tịch NASSCOM Som Mittal cho biết, sau khi bị tác động mạnh trong năm ngoái, ngành IT hiện rất nhạy cảm trước những biến động tiền tệ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho các sản phẩm phần mềm và dịch vụ liên quan của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Mittal cho hay ngành dịch vụ phần mềm có thể khắc phục ảnh hưởng của kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại bằng cách tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa của Ấn Độ, đa dạng hóa sang các lĩnh vực mới, cải thiện năng suất và hiệu quả, và hướng tới những thị trường mới như châu Âu và Nhật Bản.
 Ông Mittal cho rằng ngành IT Ấn Độ cần phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn bằng cách áp dụng tự động hóa và mở rộng dịch vụ sang những tiếng khác nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, ông Mittal cũng bày tỏ nỗi lo ngại về tình trạng thiếu hụt nhân tài và cho biết ngành sẽ phải tăng cường khâu đào tạo. Theo đánh giá của công ty Dun and Bradstreet có trụ sở tại Mỹ, ngành IT Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ thiếu nửa triệu lao động vào năm 2009.
Xuất khẩu phần mềm và các dịch vụ liên quan của Ấn Độ tăng trung bình 33,7% trong 8 năm qua, và sẽ cần phải tiếp tục tăng với tốc độo 21,9% mỗi năm để đạt mục tiêu 50 tỷ USD vào tài khoá 2009 và 60 tỷ USD vào tài khoá 2010.

Nguồn: Vinanet