Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi tiêu tiêu dùng - chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ - chỉ tăng 0,2% trong tháng 7/08, mức thấp nhất kể từ tháng 2/08, khi người tiêu dùng nước này đã ngừng mua các loại hàng hóa lâu bền và giá trị lớn như ô tô.
Con số trên cho thấy người tiêu dùng Mỹ bắt đầu thắt chặt chi tiêu do tác động tích cực của chương trình hoàn thuế nhằm kích thích tiêu dùng "đang cạn dần" và lạm phát tiếp tục tăng cao trong tháng 7/08. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã phân phối các khoản hoàn thuế có giá trị tổng cộng lên tới 93,39 tỷ USD và đang tiếp tục thực hiện kế hoạch này.
Thu nhập cá nhân của Mỹ đã giảm 0,7% trong tháng 7/08, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/05 trong khi thu nhập khả dụng (sau thuế) giảm 1,1% trong tháng 7/08, sau khi giảm 1,9% trong tháng 6/08. Tình hình chi tiêu của người dân Mỹ trong tháng 7/08 diễn ra đúng như dự đoán của hầu hết nhà phân tích song sự sụt giảm về thu nhập mạnh hơn nhiều so với mức dự kiến 0,2%.
Nhà kinh tế Ian Shepherdson của Hing Frequency Economics cho rằng báo cáo chi tiêu và thu nhập trong tháng 7/08 cho thấy một sự khởi động "rất mềm" của kinh tế Mỹ trong quý IV/08. Theo ông, tình huống xấu nhất vẫn còn chưa diễn ra và sự sụt giảm hoàn toàn về chi tiêu tiêu dùng của Mỹ thực sự dự kiến sẽ diễn ra trong quý III/08.
Số liệu thống kê cho thấy nửa cuối năm 2008 của nền kinh tế Mỹ đã khởi đầu đặc biệt chậm trong một số lĩnh vực. Doanh số bán ô tô của Mỹ chỉ ở mức thấp nhất trong 16 năm qua trong tháng 7/08, trong khi các nhà chế biến lương thực tiếp tục vật lộn với lạm phát. Công ty thực phẩm Hormel Foods hồi tháng 8/08 phải hạ thấp triển vọng kinh doanh tài khóa 2008 trong khi nhà chế biến thịt lợn Smithfield Foods Inc. lớn nhất nước Mỹ đã thua lỗ 12,6 triệu USD trong quý I/08, sau khi thu lợi nhuận 54,6 triệu năm 2007.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, giá năng lượng và lương thực leo thang đã đẩy lạm phát của Mỹ tăng tới 4,5% trong tháng 7/08, mức tăng mạnh nhất trong 17 năm qua, càng làm tăng sức ép đối với người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phải chịu tác động bất lợi do cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà ở, tình trạng tín dụng thắt chặt và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Trong khi đó, Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ cho biết chỉ số chế tạo của nước này đã giảm xuống 49,9 điểm trong tháng 8/08, so với mức 50 điểm trong tháng 7/08. Chỉ số này ở dưới mức 50 điểm có nghĩa là hoạt động của ngành chế tạo đang giảm sút và ngược lại.
Trước tình hình trên, hầu hết nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2008, sau khi tăng mạnh 3,3% trong quý II/08. Tuy vậy, hiện vẫn có một điểm sáng nhỏ là chỉ số lòng tin tiêu dùng ở Mỹ trong cuộc nghiên cứu do hãng tin Reuter (Anh) và Đại học Michigan (Mỹ) cùng thực hiện đã tăng lên 63 điểm trong tháng 8/08, mức cao nhất trong 5 tháng qua.
Về phần mình, một số nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong một vài tháng gần đây đã tỏ ý lo ngại về sức ép lạm phát đang gia tăng cho dù FED lại đang tập trung khắc phục tình trạng kinh tế tăng trưởng ì ạch. FED dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp 2% hiện nay cho tới năm 2009.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam