Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 4,19 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá cả nguyên vật liệu tăng cao, biến động lao động ở một số doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng của lãi suất vay thương mại rất cao, đã làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp, chỉ đạt khoảng 8%/vốn/năm, so với mức 15,6% của năm 2007. Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng cũng gặp nhiều thách thức; trong đó, tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và USD trong nhiều tháng không có lợi cho các nhà xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng dệt may nói riêng. Tới nay, sau nhiều tháng xem xét, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khẳng định, không có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra bán phá giá đối với mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam, đây là tín hiệu tốt đối với ngành dệt may trong hoạt động xuất khẩu thời gian tới. Song Ấn Độ lại vừa thông báo về việc Cơ quan này đã nhận được đơn yêu cầu đầy đủ của ngành công nghiệp Ấn Độ cáo buộc mặt hàng sợi vải có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam bán phá giá tại thị trường Ấn Độ.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương yêu cầu Vinatex tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu để cùng toàn ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu cả năm trên 9 tỷ USD; đồng thời chuyển hướng xuất khẩu sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và hợp đồng thanh tóan bằng các ngoại tệ chuyển đổi khác USD.
Vinatex đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành sớm đưa vào sản xuất, giảm lượng nhập khẩu. Mặt khác, Vinatex chú trọng phát triển thị trường Trung Đông, châu Phi để bù đắp khó khăn cho các thị trường truyền thống. Việc kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ toàn ngành chống các rào cản phí thuế quan như giám sát, chống phá giá, rào cản kỹ thuật; hỗ trợ quy hoạch vùng đất trồng bông, vùng khu công nghiệp dệt nhuộm có xử lý nước thải… sẽ là động thái tích cực giúp ngành dệt may hoàn thành được mục tiêu đề ra.
 

Nguồn: Vinanet