Theo thống kê của Bộ Công Thương, dệt may là một trong những ngành có đóng góp lớn và ổn định vào mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Dự kiến năm 2008 xuất khẩu hàng dệt may sẽ đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 23,4% so với năm 2007 và đây sẽ là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất, giải quyết tới khoảng 3 triệu lao động. Bộ Công Thương dự kiến kế hoạch xuất khẩu năm 2008 cho các thị trường chính như Hoa Kỳ ước đạt 5,5 tỉ USD, thị trường EU khoảng 1,6-1,8 tỉ USD, thị trường Nhật Bản khoảng 800 triệu USD…
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra, trong năm 2008 Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp sau:
Về thị trường: tiếp tục khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện chủ trương đa dạng hoá thị trường, giữ vững và duy trì các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản. Tập trung nhận những đơn hàng có phẩm cấp cao, giá trị lớn… Mặt khác đẩy nhanh hơn nữa việc thâm nhập mở rộng xuất khẩu sang những thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Australia…
Đối với thị trường Hoa Kỳ: tiếp tục duy trì cập nhật tin tức, số liệu của phía Hoa Kỳ, kịp thời khuyến cáo định hướng cho doanh nghiệp khi cần thiết. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần làm việc với Bộ Thương mại Hoa Kỳ theo hướng giảm bớt tác động, ảnh hưởng của cơ chế giám sát (giảm bớt diện mặt hàng có khả năng sản xuất ra khỏi danh sách bị giám sát) và minh bạch hoá các tiêu chí điều kiện tự khởi động điều tra chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam của Hoa Kỳ để các nhà nhập khẩu nước ngoài và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống nối mạng và điều hành hai chiều giữa Bộ Công Thương và Hải quan, đồng thời triển khai hoạt động của Tổ kiểm tra cơ động. Tổ chức làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn (đặc biệt là xuất khẩu những mặt hàng trọng điểm giám sát) để nắm rõ khả năng sản xuất, xuất khẩu và đưa ra kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu phù hợp.
Đối với thị trường Nhật Bản: Tổ chức, liên kết với Nhật Bản hỗ trợ xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may và Trung tâm đào tạo chất lượng cao và hợp tác quốc tế cho ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên phụl iệu và đào tạo cán bộ kỹ thuật tay nghề cao và cán bộ thiết kế, thời trang cho ngành. Tổ chức xúc tiến thương mại tại Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với thị trường EU: Nghiên cứu tác động của thị trường EU khi Trung Quốc được bãi bỏ hạn ngạch dệt may để giúp các doanh nghiệp định hướng mặt hàng và nước xuất khẩu mà hàng dệt may có khả năng cạnh tranh cao.
Bên cạnh việc phát triển thị trường, ngành dệt may cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư chuyển tiếp, các dự án di dời, dự án đầu tư mới để tăng năng lực sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các dự án sản xuất vải, các dự án sản xuất nguyên phụ liệu. Năm 2008, tập trung xây dựng hai trung tâm nguyên phụ liệu tại huyện Đông Anh (Hà Nội) và Thủ Đức (TPHCM).
Đẩy mạnh  hoạt động của Hiệp hội Dệt may để Hiệp hội thực sự là chỗ dựa cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu và thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Có những giải pháp chiến lược tổng thể giúp doanh nghiệp chống lại những vụ kiện bán phá giá phi lý.

Nguồn: Vinanet