Việc đào tạo này sẽ tập trung vào hai nhóm đối tượng là đào tạo mới lực lượng lao động dệt may giai đoạn 2008 - 2020 gồm đào tạo nhân lực cho các dự án mới và nhân lực bổ sung thay thế cho lực lượng lao động nghỉ hưu, nghỉ việc tự nhiên và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ đương nhiệm.

Theo Bộ Công Thương, giải pháp cơ bản là mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật, cán bộ pháp chế, cán bộ bán hàng chuyên ngành dệt may, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề của các dự án dệt, nhuộm trọng điểm; thiết kế và phân tích vải, kỹ năng quản lý sản xuất, kỹ năng bán hàng; liên kết với các tổ chức quốc tế để cử cán bộ, học sinh tham gia các khoá đào tạo cán bộ quản lý, pháp chế, kỹ thuật, bán hàng, đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao tại các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài nước...Hơn nữa, Bộ yêu cầu các đơn vị chức năng nên kết hợp việc đào tạo dài hạn với ngắn hạn, chính quy với tại chỗ; hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt đối với thực hành, thực tập để thích ứng yêu cầu thực tế của cơ sở sản xuất. Ngoài ra, cần duy trì thường xuyên các lớp đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, dạy nghề dài hạn và ngắn hạn thông qua hệ thống các trường chuyên nghiệp của ngành Dệt May và các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp của cả nước nhằm cung cấp đủ nguồn nhân lực cho ngành. Đặc biệt, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho các viện nghiên cứu, các trường đào tạo trong ngành Dệt May để tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

Nguồn: Vinanet