Sản xuất bông đang đứng trước "búa rìu dư luận" với những cáo buộc liên quan đến vấn đề nhiễm thuốc trừ sâu, lao động trẻ em, suy thoái môi trường và hàng nghìn người tử vong mỗi năm.
Tổ chức phi chính phủ Envirronmental Justice Foundation, có trụ sở tại Anh, đã tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà thiết kế và những siêu mẫu hàng đầu thế giới để bảo vệ mục tiêu sản xuất và tiêu thụ "bông sạch" trên toàn cầu. Thông qua một chiến dịch bán áo T-shirt sản xuất từ bông hữu cơ và được buôn bán công bằng, tổ chức này hy vọng cấm tiêu thụ bông do trẻ em bị cưỡng bức lao động làm ra và vạch trần việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại trong trồng bông ở Trung Á và Tây Phi.
Một trong những đối tượng chính của Envirronmental Justice Foundation là Udơbêkixtan, quốc gia xuất khẩu bông lớn thứ 3 thế giới. Tổ chức này cho rằng Chính phủ Udơbêkixtan đã buộc các trẻ em (chỉ mới 7 tuổi) phải tham gia thu hoạch bông. Một quan chức (giấu tên) Đại sứ quán Udơbêkixtan ở Luân Đôn đã bác bỏ cáo buộc nói trên và cho biết quốc gia Liên Xô cũ này là nạn nhân của chiến dịch "chụp mũ nhằm bôi bẩn" của các nước đối thủ.
Một số công ty Anh đã hưởng ứng lời kêu gọi của Envirronmental Justice Foundation, như tập đoàn bán lẻ khổng lồ Tesco và Marks & Spencer, đã cấm sử dụng bông do lao động trẻ em sản xuất.
Tuy vậy, ông Terry Towsend, Giám đốc điều hành Ủy ban Tư vấn Bông Quốc tế, có chức năng khuyến khích ngành sản xuất bông phát triển, nói rằng các công ty trên đã cung cấp thông tin sai lệch.
Ngành trồng bông thế giới thu hút 350 triệu lao động trên toàn cầu và sản xuất 26 triệu tấn bông/năm, trị giá tời 32 tỷ USD năm 2006, trong đó chỉ có 53.000 tấn bông được sản xuất từ các nguồn thương mại công bằng và hữu cơ.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam