Uỷ ban Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC) dự báo các nhà máy bông thế giới sẽ tiêu thụ tổng cộng 26,2 triệu tấn bông trong năm 2008/09, giảm 1% so với năm trước, do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và giá bông cao hơn so với giá sợi polyester – nguyên liệu phổ biến dùng trong ngành dệt may.
               Các nhà sản xuất vải sợi ngày càng ưa chuộng các loại sợi nhân tạo, bởi công nghệ tiên tiến giúp cho những loại sợi này ngày càng có nhiều ưu điểm về chất lượng, không thua kém so với bông thiên nhiên. Ngoài ra, sợi tổng hợp còn cho phép tiết kiệm được năng lượng vì nó cần ít thời gian hơn trong quá trình làm khô, và không nhanh bị bẩn nên tiết kiệm được cả nước. Không chỉ người tiêu dùng, các nhà máy dệt cũng càng ngày càng ưa chuộng sợi tổng hợp hơn. Do vậy, bông đang mất dần thị phần về tay sợi tổng hợp.
               Giá sợi tổng hợp có quan hệ chặt chẽ với giá dầu mỏ. Tuy nhiên, với các công nghệ sản xuất tiên tiến, những ảnh hưởng trực tiếp của giá dầu thô đối với sản lượng và giá sợi tổng hợp ngày càng giảm xuống. Mặt khác, giá dầu đã liên tục giảm trong 6 tuần qua, đem lại hy vọng giảm giá sợi tổng hợp hơn nữa trong những tháng tới. Dầu thô đã giảm giá từ mức đỉnh cao 150 USD/thùng hồi tháng 7 xuống chỉ 98,53 USD/thùng vào đầu tháng 10.
               Do diện tích đất trồng bông phải cạnh tranh với các cây trồng khác, đồng thời chi phí sản xuất bông, nhất là phân bón tăng cao, không chỉ các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển cũng ngày càng giảm sử dụng bông trong ngành dệt may.
               Tính chung trong vòng một năm qua, giá bông thế giới tăng xấp xỉ 7%, trong khi giá sợi polyester chỉ tăng khoảng 3%. Chỉ số Cotlook Far East Index, thước đo giá bông toàn cầu, trong tháng 8/2008 trung bình là 77 US cent/lb, trong khi chỉ số giá polyester chỉ là 65 US cent/lb. Tháng 8/2007. chỉ số giá bông là 65 US cent, trong khi sợi pholyester là 59 US cent. Dự báo xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2009.
               Các nước đang phát triển chiếm tới 60% tiêu thụ sản phẩm dệt may toàn cầu. Kinh tế thế giới suy yếu, với tổng sản phẩm quốc nội ở các nước đang phát triển dự kiến giảm xuống 6,7% trong năm nay, so với mức 7,8% năm 2007 sẽ làm giảm tốc độ tăng tiêu thụ sản phẩm dệt may của nhóm quốc gia này từ 4% xuống 2%. Trong khi đó, ngành xuất khẩu sản phẩm dệt may thế giới cũng đang chịu tác động mạnh từ sự suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường hàng đầu là Mỹ, EU và Nhật Bản.
Năm 2008 được coi là năm khá thành công của ngành dệt may Việt Nam, bởi trong khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu của hầu hết các nước trong khu vực đều bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thì ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng ấn tượng với hai con số. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước ta trong 9 tháng đầu năm nay đạt 6,8 tỷ, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến đạt 9,5 tỷ USD trong cả năm nay, đưa Việt Nam lọt vào hàng ngũ một trong 10 quốc gia có ngành dệt may phát triển nhất thế giới.  Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 57% thị phần xuất khẩu, thị trường EU chiếm 18%, Nhật Bản là 9%. Xuất khẩu sang Nhật Bản và Đài Loan đang hồi phục. Hoạt động mở rộng thị trường sang khu vực Châu Phi và các nước Châu á khác cũng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường này đều có mức tăng trưởng cao.
Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của ngành dệt may nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (bông, sợi và vải) phải nhập khẩu tới 90%.
Dự báo sợi tổng hợp sẽ ngày càng được ưa chuộng trên thị trường dệt may thế giới. Mặc dù vậy, tiêu thụ cả sợi bông và sợi tổng hợp sẽ đều tăng chậm lại trong những năm tới, chừng nào kinh tế thế giới chưa khởi sắc trở lại. Mức tăng tiêu thụ bông thế giới dự báo sẽ giảm 0,33% trong năm 2008, so với mức tăng 1,47% năm ngoái. Thị phần của bông trên thị trường nguyên liệu dệt may thế giới dự kiến sẽ giảm xuống 37,7% trong năm 2009, so với 39% năm 2008.

Nguồn: Vinanet