*Từ 15/1: Giảm 30% cước viễn thông

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành các Thông tư số 29-35/2009/TT-BTTTT, trong đó có quy định về giá cước viễn thông. Theo đó, giá cước viễn thông sẽ giảm khoảng 30% so với giá cũ kể từ ngày 15/1/2010. Mức giá 550 đồng/phút được áp dụng với cước kết nối trực tiếp giữa mạng quốc tế và mạng nội hạt hoặc mạng quốc tế và mạng di động. Hai mạng di động kết nối trực tiếp với nhau có giá cước 500 đồng/phút; còn mạng nội hạt và mạng di động kết nối trực tiếp với nhau sẽ có giá 415 đồng/phút.

*Từ 14/2/2010: Mở rộng đối tượng thực hiện hợp đồng dầu khí

Đó là một trong những điểm mới quan trọng tại Nghị định 115/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí và Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ban hành kèm theo Nghị định 34/2001/NĐ-CP.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động dầu khí bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài.  Việc tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thực hiện thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở ký kết hợp đồng dầu khí.

*Chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản từ 1/6/2010

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 01/2010 yêu cầu tất cả các DN và tổ chức kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài từ 1/6/2010, trừ các giao dịch để tất toán, đóng tài khoản.  

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ trong Thông tư, tất cả các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản đã cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ hết hiệu lực từ 30/3/2010. Các DN và tổ chức kinh doanh vàng trên tài khoản phải thực hiện đóng mọi tài khoản ở nước ngoài và chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.

Đây là một trong những động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về đóng cửa các sàn giao dịch vàng

*Quy chuẩn quốc gia về sản xuất thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư số 82/2009/TT-BNN&PTNT quy định về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản.

Kèm theo thông tư là hai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi trồng thủy sản và cơ sở sản xuất giống thủy sản.

Theo quy chuẩn về cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi trồng thủy sản, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường, các cơ sở phải được xây dựng nằm trong quy hoạch, có vị trí đảm bảo không bị ngập, đọng nước, cách biệt với khu dân cư và nguồn gây nhiễm. Nguyên liệu sản xuất thức ăn phải đảm bảo chất lượng, không lẫn tạp chất lạ, không nhiễm bẩn…đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng, vi sinh và độc tố. Nguyên liệu nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn nhập khẩu.

*Năm 2010: Mục tiêu thu hút vốn FDI tăng 10%

Đây là mục tiêu mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra trong báo cáo về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2009, định hướng và giải pháp năm 2010. Theo đó, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7% năm 2010, huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 39,6% GDP, Cục Đầu tư nước ngoài đã đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI năm 2010 tăng 10% so với ước thực hiện 2009, đạt từ 22-25 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới dự kiến khoảng 19 tỷ USD; vốn tăng thêm khoảng 3 tỷ USD. Dự kiến vốn FDI thực hiện năm 2010 cũng sẽ tăng 10% so với ước thực hiện năm 2009, đạt ở mức 10-11 tỷ USD. Trong đó, vốn của phía nước ngoài dự kiến là 8-9 tỷ USD, tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2009.

*Thị trường chứng khoán ngày 11/1/2010: Áp lực bán ra mạnh, hai sàn đồng loạt giảm điểm

Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến sự giằng co khá mạnh giữa bên mua và bên bán. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index duy trì sắc xanh trong 45 phút đầu phiên giao dịch, nhưng sau đó đã phải lùi bước trước áp lực bán ra khá mạnh. Thanh khoản thị trường giảm so với các phiên trước, nhưng vẫn đạt gần 3,000 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 515.06 điểm, giảm 5.84 điểm, tương đương với 1.12%. Tính thanh khoản thị trường có phần giảm, khi khối lượng giao dịch chỉ đạt 44.77 triệu đơn vị và giá trị giao dịch tương ứng đạt 2,032 tỷ đồng. Thống kê thị trường cho thấy có 125 mã giảm giá, 52 mã tăng giá và 26 mã đứng giá.

Bên sàn Hà Nội, kết thúc phiên giao dịch chỉ số HNX-Index giảm 2.73 điểm, tương đương 1.51%. Thanh khoản của thị trường khá thấp khi chỉ có 24.08 triệu đơn vị được khớp lệnh và giá trị giao dịch đạt 894.23 tỷ đồng. Thống kê thị trường cho thấy chỉ có 53 mã tăng giá, 185 mã giảm giá và 22 mã đứng giá.

 

 

Nguồn: Vinanet