Đầu năm 2008 kinh tế thế giới chuyển biến phức tạp, giá cả nhiều mặt hàng liên tục tăng cao như dầu mỏ, vàng, sắt thép, phân bón. Trong đó, phân bón là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp nhất đến họat động sản xuất của người nông dân. Bắt từ đầu năm 2007, giá một số loại phân bón đã đồng loạt tăng với mức cao nhất trong vòng gần 35 năm qua (1973-2008) như ure hạt trong, ure hạt đục, phân DAP, kali, SA và sulphur...

Trong đó, nhu cầu phân ure trên thế giới giai đoạn 2007-2008 đã tăng lên 17-20%. Các nguồn nguyên liệu sản xuất ở những nước có nền công nghiệp này ngày càng bị cạn kiệt. Ngay ở Mỹ - nơi mà ngành công nghiệp sản xuất mặt hàng này  trước đây thường cung cấp 80% nhu cầu trong nước, một nước có truyền thống xuất khẩu nay phải dựa vào nhập khẩu đến gần 45% nguồn cung cấp.

Tại Trung Quốc, tháng 4/2008 đã quyết định tăng thuế xuất khẩu phân bón từ 35% lên 135% - mức thuế cao nhất hiện nay.

Chính những yếu tố này đã góp phần làm cho giá ure trên thị trường thế giới tăng bình quân  từ 245-255 USD/tấn lên 725-738 USD/tấn = 196-198%, tính đến tháng 15/7/2008. Các loại phân khác như DAP, kali giá đều tăng từ 326,1 đến 397,5% so với những năm trước đây.

Ngoài ra, từ năm 2007 và đầu năm 2008, sự mất giá của đồng USD so với những đồng ngoại tệ mạnh khác là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao.

Chính những diễn biến phức tạp này đã đẩy thị trường phân bón trong nước biến động không ngừng theo chiều hướng tăng lên. Phân ure Hà Bắc có năm thay đổi giá lên xuống đến 35-40 lần, ure Phú Mỹ cũng thay đổi giá lên xuống 25-30 lần. Các phân super lân, phân lân nung chảy, NPK và phân hữu cơ cũng tăng từ 7-15 lần. Phân bón đến tay nông dân với giá tăng: Super lân tăng lên 99,6%, NPK tăng 184%, phân ure tăng 76% và phân hữu cơ tăng 30,8%...

Một số mặt hàng như than đá, dầu thô, ure, sulphur, DAP, đặc biệt potas (kali) vẫn đang có xu hướng tăng cao, (thậm chí có thể đột biến). Vì thế, các tập đoàn Coromandel và Godavari của Ấn Độ đã chọn phương pháp ký hợp đồng mua bán sớm (từ quý III/2008) cho nhu cầu phân bón vụ mùa năm 2009. 

8 Nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát trên thị trường phân bón mà TW Hội phân bón Việt Nam đề xuất:

* Lên kế hoạch nhập khẩu phân ure hạt trong đến năm 2010 vì mặt hàng này hiện đang phải nhập đến 50% = 820-830.000 tấn, chủ yếu chỉ có con đường nhập khẩu tiểu ngạch (nếu con đường này bị trục trặc thì bị bế tắc). Mặt hàng nhạy cảm này cần được quan tâm sớm để tránh rủi ro, trước mắt là vụ Đông Xuân năm 2008-2009.

* Chỉ đạo các bộ, các tỉnh thành, phát động thực hiện chỉ thị số 644/TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý sản xuất phân bón hữu cơ và phân đặc chủng cho từng loại cây, phân chuyên dùng cho mùa rét, phân chuyên cho đất khô hạn và thích hợp cho từng vùng đất.

* Ban hành qui chế tiêu chuẩn  đơn vị sản xuất phân bón NPK, phân hữu cơ, phân vi sinh về công nghệ, cán bộ, nhà xưởng cũng là một chế tài để kiểm soát các loại phân bón, phân giả, phân kém chất lượng và chất lượng cao.

* Đề nghị bỏ qui định nhãn mác bao bì các loại phân bón nhập khẩu in tiếng Việt trên bao bì theo nghị định số 98/2006-NĐ ngày 30/8/2006 về nhãn mác (vì phân bón con người không trực tiếp ăn uống như thuốc tây, hay thực phẩm), chỉ cần ghi trên bao bì theo thông lệ quốc tế bằng tiếng Anh là đủ. Nếu để quy định bao bì phân bón nhập khẩu phải có tiếng Việt sẽ gây khó khăn trong việc phân phối các nguồn hàng

* Ưu tiên đầu tư liên doanh, hoặc tư nhân hoá phát triển phân lân nung chảy. Mỗi năm nhu cầu về phân lân nung chảy ở nước ta lên đến 1.200.000 -1.500.000 tấn nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 550.000 tấn. Việc sản xuất phân lân nung chảy hầu hết là nguyên liệu nội địa như than đá, quặng, apatis, serpentin.

Song song với việc tăng cường sản xuất phân lân nung chảy, cần đẩy mạnh sản xuất NPK chất lượng cao. Loại phân bón này nếu tăng cường cải tiến, đổi mới công nghệ thì có thể thay thế được một phần DAP nhập khẩu.

Nếu sản xuất nội địa đảm bảo được hai mặt hàng này sẽ hạn chế đáng kể tình trạng nhập siêu, thậm chí, Việt Nam còn có thể trở thành quốc gia xuất khẩu mặt hàng phân lân nung chảy ra các thị trường khác trên thế giới.

* Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan chính sách tổ chức đoàn nghiên cứu tình hình sản xuất phân ure ở Tổng Công ty Phân đạm và Hoá chất dầu khí. Khi định hướng xây dựng nhà máy ure Phú Mỹ này, Đảng và Chính phủ rất quan tâm làm sao cho nông dân được mua phân ure giá rẻ nhằm góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống nông dân. Do đó, Ure Phú Mỹ được hưởng ưu đãi giá khí 2,2 USD / 1 triệu BTU trong khi giá khí quốc tế từ 4-5,5 USD/ 1 triệu BTU. Giá thành đầu vào để sản xuất phân ure tại nhà máy Phú Mỹ năm 2006, 2007-2008 bình quân từ 3700-3800đ/kg. Những năm qua đạm ure Phú Mỹ lãi thấp nhất năm đầu 800 tỷ VND. Năm 2006 lãi 1.000 tỷ và năm 2007 lãi gần 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đạm Phú Mỹ còn được ưu tiên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 28%.

* Đề nghị ure đạm Phú Mỹ kiểm tra lại các khâu phân phối. Vừa qua các thông tin báo chí đưa tin là ure Phú Mỹ bán giá rẻ hơn 10-15% so với giá thế giới. Nhưng thực tế ure Phú Mỹ cũng phải qua các nhà phân phối nên khi đến tay người nông dân thì giá họ được hưởng giá rẻ.

* Dùng số tiền siêu lãi bán ure của đạm Phú Mỹ cộng với số tiền được ưu tiên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 28% gộp lại lập quỹ hỗ trợ giúp đỡ nông dân, cho từng thời kỳ giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp