Dù nhu cầu phân bón thời gian tới dự kiến tăng cao nhưng do chủ động được nguồn cung nên giá mặt hàng này trong nước dự báo sẽ chỉ biến động tăng nhẹ.
Cầu phân bón tăng – cung đảm bảo
Từ cuối tháng 7, nhu cầu phân bón tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu tăng, nhưng do nguồn cung vẫn dồi dào nên giá ít biến động. Giá bán lẻ phân bón tại các địa phương hiện phổ biến ở mức: Ure 8.000-8.200 đồng/kg (giảm 300 đồng/kg so với tháng trước), kali 10.000-11.100 đồng/kg; DAP 14.000 - 15.200 đồng/kg; NPK từ 10.800-12.000 đồng/kg.
Thời gian tới, nhu cầu phân bón cả nước sẽ tăng do các tỉnh phía Nam vào chính vụ bón thu đông, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nhu cầu bón cây công nghiệp tăng, các tỉnh phía Bắc vẫn đang trong giai đoạn bón vụ mùa. Dù vậy, nguồn cung sẽ không lo bị thiếu hụt. 7 tháng đầu năm, cả nước đã sản xuất được 1.239,6 nghìn tấn phân ure, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2013; NPK khoảng 1.451,2 nghìn tấn tăng 1,4% so cùng kỳ năm 2013.
Cuối tháng 6, 2 nhà máy sản xuất ure công suất lớn là Đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm) và Đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm) đã ngừng sản xuất để bảo dưỡng. Tuy nhiên, hiện các nhà máy vẫn còn một khối lượng hàng tồn kho đáng kể. Do vậy, nguồn cung phân bón cho sản xuất nông nghiệp vẫn được bảo đảm.
Ngoài ra, giá phân bón nhập khẩu cũng ổn định. Nhu cầu nhập khẩu phân bón từ các nước sản xuất nông nghiệp như: Mỹ, Ấn Độ, Bzazil đang trong giai đoạn cao, nhiều phiên đấu thầu được mở, giá một số loại phân bón trên thị trường châu Âu và Trung Đông có xu hướng tăng như DAP, kali. Tại Trung Quốc, nhu cầu mua thấp, tồn kho cao nên giá phân bón đã giảm vào đầu tháng 7 sau đó tăng nhẹ trở lại. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2014, Trung Quốc bắt đầu giảm thuế xuất khẩu phân bón ure (từ mức 40NDT/tấn + 15% xuống còn 40NDT/tấn) để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm tồn kho nên lượng ure nhập khẩu tăng.
Đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu
Thời gian gần đây, vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng với các vụ vi phạm lớn trên nhiều địa bàn, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. Tại một số tỉnh duyên hải miền Trung như Bình Định, Phú Yên còn có tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý, song đến nay, hiện tượng này vẫn còn tồn tại.
Để chủ động cho sản xuất trong nước cũng như tăng cường quản lý nhập khẩu phân bón biên mậu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ xem xét hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu biên mậu đối với các loại phân bón mà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu (như ure, NPK) qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo từng thời điểm, phụ thuộc vào tình hình sản xuất và nhu cầu trong nước. Đối với các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, tiếp tục cho phép nhập khẩu theo từng lô hàng và có thời gian xác định để có thể kiểm soát được, bảo đảm không ảnh hưởng tới cung - cầu trong nước.
Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan giải quyết kiến nghị tăng thuế nhập khẩu phân ure, DAP, NPK của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu phân ure, DAP từ 3% lên 6%.
Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã có ý kiến đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu phân ure, DAP từ 3% lên 6% nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu (nhất là từ Trung Quốc), tăng khả năng tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước.