Vinatex tiếp tục đầu tư mở rộng cho các dự án chiến lược, chủ yếu tập trung vào đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam. Trong đó , đặc biệt là dự án đầu tư nhà máy sản xuất xơ PE đầu tiên của Việt Nam, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Để từng bước chủ động nguồn nguyên liệu và ổn định sản xuất, trong năm 2008 và những năm tiếp theo Vinatex tập trung thực hiện 3 chương trình chiến lược: sản xuất vải, trồng bông và đào tạo nguồn nhân lực.

Vinatex tiếp tục xúc tiến mạnh chương trình trồng bông để tự chủ một phần nguồn nguyên liệu xơ phục vụ sản xuất; triển khai chương trình “thời trang hóa ngành dệt may Việt Nam” với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như tổ chức các tuần lễ thời trang, hội chợ thời trang, cuộc thi nhà thiết kế thời trang...Về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may, Vinatex lấy năm 2008 là năm đột phá, với 3 hình thức đào tạo chính: đào tạo lại; đào tạo bổ sung, nâng cao và đào tạo dài hạn tạo nguồn.

Năm 2008, Vinatex tiếp tục đẩy mạnh chiến lược xây dựng thương hiệu chủ lực cho các doanh nghiệp; xúc tiến các hoạt động truyền thông, biểu diễn, thông qua các festival áo dài Huế, các ngày văn hóa Nhật- Việt; Pháp – Việt. Xây dựng và đưa vào hoạt động Công ty truyền thông và kinh doanh qua mạng, kinh doanh nguyên liệu, kinh doanh phụ liệu. Trong năm 2008, Vinatex sẽ phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa tập đoàn, cũng như xây dựng mô hình tổ chức cho tập đoàn sau khi cổ phần hóa. Vinatex cũng sẽ mở rộng kinh doanh trên 3 lĩnh vực hỗ trợ: kinh doanh tài chính; khu công nghiệp, bất động sản và kinh doanh bán lẻ để có thêm nguồn đầu tư cho những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của ngành dệt may.
Năm 2007, ngành dệt may Việt Nam đạt mức tăng trưởng 34,5% so với năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,78 tỷ USD, tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam cùng với dầu thô. Trong đó Tập đoàn Dệt-May Việt Nam đã có bước chuyển quan trọng, đó là từ tăng về lượng sang tăng về chất (hiệu quả kinh tế). Tổng doanh thu trong năm đạt 22.348 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,452 tỷ USD; lợi nhuận đạt 556 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 15,6%, so với mức trung bình từ 10 – 12% trong nhiều năm trước. Đây là thành quả bước đầu của quá trình chuyển đổi mô hình quản lý doanh nghiệp, từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần.

Nguồn: Vinanet