Năm 2008, các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến thực hiện khoảng 12 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thực hiện mới  đạt khoảng 2.932 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch (KH) dự kiến cả năm. Trong điều kiện lạm phát và khó khăn chung của nền kinh tế, kết quả đạt được nêu trên tuy thấp so với dự kiến song cũng minh chứng khá rõ cho sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn của các chủ dự án.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn  20 dự án mới đang tiến hành nghiên cứu, đăng ký đầu tư (sản xuất xút, phân đạm, xi-măng...). Có 2 dự án đã hoàn thành đi vào sản xuất là: Nhà máy Thủy điện Sông Mực và Nhà máy Bia Thanh Hóa - Nghi Sơn. 3 dự án đang gặp khó khăn phát sinh làm chậm tiến độ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm phải chuyển sang 6 tháng cuối năm là Nhà máy Xi - măng Công Thanh (Tĩnh Gia); Nhà máy Ôtô VEAM (Bỉm Sơn), Nhà máy Giấy vàng mã Duyệt Cường (Quan Hóa), trong đó Nhà máy Xi - măng Công Thanh đã đi vào hoạt động và chính thức cho ra sản phẩm từ tháng 7- 2008.

Các dự án đang triển khai thi công xây dựng đã có khối lượng lớn theo kế hoạch đề ra là Xi - măng Bỉm Sơn II, Xi - măng Nghi Sơn II, Thủy điện Cửa Đạt, Thủy điện Dốc Cáy, Ván sàn Thanh Hóa... Dự án Nhà máy Giấy Châu Lộc trước đây thuộc diện rất khó khăn, nay đã khởi động lại, bắt đầu triển khai thi công san nền và thực hiện các gói thầu chuẩn bị khác. Các dự án khác đang tập trung chủ yếu cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở (TKCS) và chuẩn bị thi công.

Đối với một số dự án đang triển khai dở từ những năm trước, hoặc dự kiến hoàn thành trong năm 2008, nhìn chung ít gặp khó khăn mang tính cản trở kể cả tác động về vốn đầu tư, nếu có thì chỉ làm chậm tiến độ đầu tư hoàn thành trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, còn lại hầu hết các dự án đều đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến cản trở và làm chậm tiến độ đầu tư. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều biện pháp khắc phục và có cơ chế quản lý mềm dẻo, linh hoạt nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Những khó khăn chính của các dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư đó là việc chấp nhận chủ trương đầu tư, thỏa thuận địa điểm đầu tư và giải quyết quy hoạch các mỏ khoáng sản cho dự án vẫn còn lúng túng, chồng chéo, chưa thống nhất đầu mối. Một số trường hợp phải làm nhiều lần, kéo dài, không dứt điểm, nhiều ngành cùng thực hiện một dự án nên trong một số trường hợp gây bức xúc cho dự án. Nhiều dự án sau khi đăng ký, được chấp thuận đầu tư, tiến hành công tác lập dự án đầu tư, TKCS và thẩm định TKCS chậm. Nguyên nhân được nhận định chủ yếu là do các chủ dự án ỷ lại vào sự nhân nhượng của tỉnh về thủ tục bàn giao đất thi công. Công tác bồi thường GPMB cho nhà đầu tư đã bộc lộ nhiều điểm yếu và đang là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án.

Năm 2008, có khoảng 21 dự án có nhu cầu bàn giao GPMB để thi công với tổng diện tích khoảng 2.029 ha. Đến hết tháng 6-2008 mới bàn giao 327 ha (đạt 16,1%). Có 7 dự án đã hoàn tất GPMB đạt 100% diện tích, 10 dự án có tỷ lệ GPMB từ 0 đến 10%.  

Để hoàn thành kế hoạch các dự án công nghiệp năm 2008, công việc còn lại của 6 tháng cuối năm còn rất lớn. Sở Công thương dự kiến trong quý III các dự án sẽ phải đương đầu với khó khăn mới là tình hình thời tiết mùa mưa bão, tuy vậy cần tập trung phấn đấu thực hiện khoảng 1.700 tỷ  đồng, còn lại dồn vào quý IV khoảng 7.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đánh giá khả năng thực hiện cả năm 2008, nếu phấn đấu tốt cũng chỉ có thể đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, dự kiến có khoảng 7 đến 8 dự án hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như Nhà máy Ô tô VEAM, Nhà máy Xi - măng Công Thanh, Nhà máy Nước Nghi Sơn giai đoạn I, Nhà máy Luyện gang Thanh Hà, Nhà máy Sản xuất vàng mã Duyệt Cường, Nhà máy Sản xuất bột nhẹ Bỉm Sơn... Do đó, để cải thiện kết quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cần tiếp tục cải thiện quy trình, tiến độ thủ tục đầu tư liên quan về chấp thuận chủ trương đầu tư và thỏa thuận địa điểm đầu tư; tiếp tục đổi mới quy trình và chấp nhận thỏa thuận theo hướng thống nhất giao một đầu mối cho ngành quản lý Nhà nước về dự án sản xuất công nghiệp, giải quyết đúng thời hạn quy định của thủ tục hành chính, không để dây dưa, kéo dài, trường hợp không giải quyết được phải trả lời sớm cho dự án; tập trung giải quyết đủ mặt bằng tối thiểu cho dự án thi công theo một phần kế hoạch 2008, diện tích còn lại tiếp tục giải quyết sau;  có biện pháp xử lý kiên quyết một số dự án triển khai quá chậm, không đáp ứng tiến độ thời gian mà không có lý do chính đáng hoặc đã bộc lộ tính không khả thi.

Mặt khác, cần triển khai rà soát và tính đến khả năng giãn tiến độ thực hiện một số dự án do khó khăn khách quan từ nguồn vốn, lạm phát... và khó khăn chủ quan về GPMB, năng lực của chủ đầu tư, tính khả thi của dự án vào thời điểm hiện tại và ngắn hạn sắp tới để tập trung chỉ đạo. Không giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp phép khai thác mỏ đối với dự án không chấp hành luật pháp về đất đai, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư và TKCS.

Các chủ đầu tư cũng cần quan tâm rà soát lại tính khả thi của dự án, xử lý và chuẩn bị tốt hơn nguồn vốn đầu tư theo hoàn cảnh mới, thỏa thuận địa điểm, lập dự án đầu tư, trình thẩm định TKCS, phê duyệt dự án; thực hiện bồi thường, tham gia GPMB, tiếp nhận mặt bằng. Tránh cầu toàn, triển khai thi công xây dựng theo tiến độ bàn giao GPMB thực tế và tìm mọi cách để bảo đảm tiến độ dự án đã đăng ký; trường hợp chậm phải báo cáo rõ lý do để ngành quản lý dự án và UBND tỉnh có hướng xử lý; tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, địa phương trong việc tiếp thu lao động, hỗ trợ chuyển nghề cho nhân dân bị  thu hồi đất cho dự án.

(TTXT TM Thanh Hoá)

 

Nguồn: Vinanet