Hết tháng 8-2008, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt hơn 8.254 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ (CK); đạt trên 68,2% kế hoạch (KH) năm; trong đó, công nghiệp địa phương ước đạt trên 3.362 tỷ đồng, tăng 19% so với CK. Hầu hết các sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu có mức sản xuất bằng hoặc tăng so với CK, trong đó Clinke tăng cao nhất (43,6 lần) do Nhà máy Xi-măng Công Thanh đã bắt đầu có sản phẩm. Tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng ước đạt gần 147,2 triệu USD; tăng 34,6% CK, đạt 71,8% KH năm, trong đó xuất khẩu chính ngạch đạt trên 76,6 triệu USD, đạt 73% KH, tăng 44,7% CK, xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp ngoài tỉnh đạt trên 35,3 triệu USD, đạt 70,7% KH, tăng 18,6% CK.

Năm 2008, các dự án sản xuất công nghiệp vừa và lớn trên địa bàn đăng ký KH thực hiện khoảng 13.425 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện 9 tháng đầu năm khoảng 5.592 tỷ đồng, bằng 41,6% KH năm. Có 4 dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất là: Xi-măng Công Thanh I, Thủy điện Sông Mực, Bia Nghi Sơn và Giấy vàng mã Quan Hóa. Các dự án đang triển khai thi công xây dựng đã có khối lượng thi công lớn theo KH. Các dự án khác chủ yếu tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật...

Hiện nay, khó khăn lớn nhất mà các dự án đang gặp phải là tiến độ giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư không bảo đảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao, kèm theo sự thắt chặt nguồn tín dụng đầu tư  và sự ngừng trệ các dự án của doanh nghiệp Nhà nước để chờ kiểm tra, điều chỉnh, rà soát lại danh mục và chủ trương đầu tư... cũng đã làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, thời gian tới, cần tập trung cân đối, bảo đảm điện thường xuyên cho các nhà máy trọng điểm để duy trì sản xuất ổn định; tăng cường công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai trong mùa mưa bão. Sở Công thương phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa trong việc xử lý môi trường sản xuất, chế biến sản phẩm, cải thiện môi trường đầu tư, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Xác định khả năng hoàn thành KH đối với một số dự án sản xuất công nghiệp vừa và lớn. Tập trung GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư. Giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc về thủ tục hành chính khác cho một số dự án thật sự còn tính khả thi, kèm theo yêu cầu chặt chẽ về tiến độ thực hiện dự án đối với các chủ đầu tư.

 (TTXT TM Thanh Hoá)

 

Nguồn: Vinanet