Nếu hoàn thành mục tiêu kế hoạch trên, thì sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, CN NQD dự kiến tăng trưởng về giá trị tuyệt đối đạt 1.932,5 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân 22,3%/năm. 6 tháng đầu năm 2008, sản xuất CN NQD đạt hơn 2.480 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2007, chiếm 39% tỷ trọng công nghiệp.
Tính đến tháng 5-2008, toàn tỉnh có 1.632 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề sản xuất công nghiệp. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã tăng thêm 568 doanh nghiệp, trong đó có 321 công ty TNHH, 106 doanh nghiệp tư nhân và 141 công ty cổ phần. Trong khi số doanh nghiệp tăng nhanh thì kinh tế HTX ngày càng giảm, nếu năm 2006 toàn tỉnh có 145 HTX hoạt động thì đến hết năm 2007 chỉ còn 105  HTX hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 chỉ còn 98 HTX hoạt động. Nguyên nhân của việc giảm này là do các HTX muốn chuyển đổi sang cơ chế điều hành nhanh và linh hoạt hơn. Từ khi có Luật HTX, nhiều HTX đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, du nhập nghề mới vào sản xuất, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy đóng góp chưa nhiều vào giá trị sản xuất CN NQD nhưng thời gian gần đây  cũng đã có những bước phát triển đáng kể. Mặc dù số lượng HTX giảm nhưng giá trị sản xuất công nghiệp lại tăng. 6 tháng đầu năm 2008 giá trị sản xuất ước đạt 55,99 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2007.
Trong thành phần kinh tế tư nhân, đa số các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế này tham gia sản xuất công nghiệp nhưng hầu hết đều vốn ít, thị trường tiêu thụ thiếu và năng lực quản lý doanh nghiệp yếu. Từ năm 2006 đến nay đã có 106 doanh nghiệp tư nhân hoạt động ngành nghề công nghiệp được thành lập, giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2008 ước đạt 164,6 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2007.
Thành phần kinh tế cá thể tăng cả về số lượng và giá trị sản xuất. 6 tháng đầu năm 2008 giá trị sản xuất đạt 1.089.980 triệu đồng, bằng 43,9% giá trị sản xuất CN NQD.
Thành phần kinh tế hỗn hợp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2008 giá trị sản xuất ước đạt 1.170,15 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2007 và chiếm 47,1% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng thành phần kinh tế này giảm dần do các thành phần kinh tế khác có tốc độ phát triển nhanh hơn (đặc biệt là kinh tế cá thể) và công ty cổ phần (chiếm tỷ trọng lớn trong thành phần kinh tế này) phát triển chậm về số lượng,v.v.
Có thể thấy, trong thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất CN NQD đã có bước phát triển tương đối tốt về số lượng cũng như quy mô doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế do các doanh nghiệp NQD phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, vốn thiếu, sản xuất, kinh doanh mặt hàng đơn điệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp yếu, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Công tác hỗ trợ như: cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, xây dựng thương hiệu, phổ biến quy hoạch, kêu gọi đầu tư, thị trường tiêu thụ... chưa được nhiều ngành và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Việc cấp đất, cho thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện... cho các cụm công nghiệp và làng nghề vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm trễ. Việc lựa chọn ngành nghề để phát triển ở địa phương còn lúng túng, đào tạo nghề không gắn với phát triển doanh nghiệp nên lao động bị mai một sau một thời gian ngắn. Thu nhập của người lao động trực tiếp sản xuất phải chịu nhiều thiệt thòi qua nhiều khâu trung gian. Phân công trách nhiệm giữa các cấp, các ngành chưa rõ ràng, dẫn đến việc đầu tư, quản lý cụm công nghiệp mỗi huyện, thị, thành phố thực hiện một cách khác nhau... Tại các cuộc giao ban sản xuất công nghiệp do UBND tỉnh tổ chức từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phản ánh tình trạng thiếu điện sản xuất tại làng nghề và cơ sở sản xuất tiểu – thủ công nghiệp ở nông thôn đã gây khó khăn không nhỏ đến sản xuất. Thêm vào đó, nguồn tín dụng hạn chế, lãi suất cao và không ổn định, khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn vay gặp không ít khó khăn trong tổ chức sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Từ đầu năm 2008, giá USD xuống thấp, nhiều doanh nghiệp phải bán USD thấp hơn mức giá quy đổi để mua nguyên liệu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, giá sản phẩm tăng ít hoặc không tăng nên các doanh nghiệp rơi vào tình trạng càng làm càng lỗ hoặc sản xuất cầm chừng...
Để giúp các doanh nghiệp sản xuất CN NQD khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, Sở Công thương đang tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở sản xuất CN NQD đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành nghề, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia; phát triển vùng, sơ chế nguyên liệu để tự chủ sản xuất. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư để đa dạng hóa hoạt động kêu gọi đầu tư và thu hút vốn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp trên địa bàn, tạo mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cùng các ngành hàng để có thể sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Điện lực Thanh Hóa cần  có hướng ưu tiên cấp điện cho các doanh nghiệp. Cùng với những việc làm trên, cần  có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, xúc tiến thương mại...
(TTXT TM Thanh Hoá)

Nguồn: Vinanet