Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD), các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh khối DN phát triển. Đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Qua tổng hợp số liệu 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay có 1.524 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh  thuộc các loại hình khác nhau đang có quan hệ vay vốn với các TCTD trên địa bàn tỉnh; trong đó có 31 DNNN, 1.378 DN ngoài quốc doanh. Cũng đến thời điểm trên, tổng dư nợ cho vay đối với khối DN trên địa bàn tỉnh đạt 5.603 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42% trong tổng dư nợ, tăng 26,5% so với đầu năm và tăng 60% so với cùng kỳ.
Mặc dù 6 tháng đầu năm, tình hình nguồn vốn huy động rất khó khăn, nhưng các DN vẫn là đối tượng khách hàng được ngân hàng ưu tiên đầu tư. Đây là tỷ lệ tăng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng dư nợ chung (đạt 11% so với đầu năm và 37% so với cùng kỳ). Một số TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay DN cao so với tổng dư nợ là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (ĐT&PT) Thanh Hóa, Ngân hàng ĐT&PT Bỉm Sơn, Ngân hàng Công thương Bỉm Sơn, VIBank, Ngân hàng Công thương Sầm Sơn...
Trong cơ cấu đầu tư tín dụng theo thành phần kinh tế, dư nợ cho vay các loại hình DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng dư nợ và đang có xu hướng tăng mạnh. Trong khi đó dư nợ cho vay DNNN lại có xu hướng giảm mạnh do quá trình cổ phần hóa DNNN và do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn dẫn đến khó khăn trong trả nợ cho ngân hàng nên các ngân hàng đã thu hẹp tỷ trọng đầu tư cho thành phần kinh tế này. Cho vay kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ, tuy nhiên cho vay loại hình kinh tế này đang được đẩy mạnh bởi tốc độ tăng trưởng cao (tăng 42% so với cùng kỳ).
Ý kiến của nhiều ngân hàng dự họp, TCTD và đại diện các hiệp hội đều bàn các biện pháp tháo gỡ những khó khăn này, tạo điều kiện về năng lực cho các DN phát triển. Giải pháp được đưa ra trong cuộc họp đó là: Về phía ngân hàng, để bảo đảm lợi ích cho cả ngân hàng và DN các TCTD  cần chủ động linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất. Với mức lãi suất hiện nay là rất khó khăn cho cả ngân hàng và DN. Về phía các DN, cần nêu cao tinh thần tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh...  Về phía UBND tỉnh và các ban, ngành cần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ban hành các chính sách quản lý, chính sách ưu đãi với DN...
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, dự báo tình hình phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm 2008 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của các đơn vị DN và nhân dân trong tỉnh.  Do đó cần có sự hợp tác, chia sẻ khó khăn giữa các TCTD và các DN. Các ngân hàng cần tranh thủ các nguồn vốn trên địa bàn đáp ứng và ưu tiên cho khối DN. Trong đầu tư vốn cần ưu tiên các dự án trọng điểm, các DN sản xuất hàng xuất khẩu, các DN sản xuất chủ lực có nguồn thu ngân sách lớn. Tuy nhiên cũng có thể cho vay các dự án nhỏ đối với các DN nhỏ và vừa, song phải có sự thẩm định chặt chẽ. Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch đã ghi nhận đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng và DN như: tỉnh cần định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, UBND tỉnh nên thông báo kế hoạch vốn kịp thời đối với các dự án, làm cơ sở cho ngân hàng cân đối nguồn vốn và giải ngân kịp thời...
(TTXTTM Thanh Hoá)

Nguồn: Vinanet