Theo nghiên cứu của Liên Đoàn Kỹ Nghệ và Thương Mại Ấn Độ (FICCI), các quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam, Bangladesh và Pakistan đang làm tốt hơn Ấn Độ trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ và EU trong giai đoạn 2005-2007.
Thị phần của Việt Nam trong lượng nhập khẩu của EU25 đã tăng từ 0,8% năm 1995 lên 1,6% năm 2007. Ấn Độ vẫn chỉ giữ được vị trí thứ 3 tại thị trường EU trong khi Bangladesh đã vươn lên từ vị trí thứ 6 năm 2002 lên thứ 4 năm 2007. Tương tự tại thị trường Mỹ, Việt Nam được xem là nước sẽ nhanh chóng bắt kịp Ấn Độ.
Theo nghiên cứu của FICCI, thị phần của Ấn Độ trong tổng nhập khẩu hàng dệt may của EU từ các nước trên khắp thế giới đã giảm từ 7,9% xuống 7,5% trong giai đoạn 1995-2007.
Tại thị trường Mỹ, cho dù giá trung bình hàng dệt may của Ấn Độ đã giảm trong thời kỳ hậu hạn ngạch nhưng giá vẫn cao hơn hàng của Trung Quốc và Pakistan. Ngoài ra, thị phần của Ấn Độ cũng chỉ tăng không đáng kể.
Thị phần của Ấn Độ trong tổng nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu của Mỹ chỉ tăng 1,6% trong giai đoạn 1995-2007, trong khi Việt Nam tăng từ 0,04% lên 4,7% và Trung Quốc từ 11% lên 33,5% trong giai đoạn này. Thậm chí Bangladesh cũng sắp theo kịp Ấn Độ cả tại thị trường EU và Mỹ về giá.
Ấn Độ hiện là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, về mặt giá trị, xuất khẩu của Ấn Độ chỉ bằng 1/6 của Trung Quốc – nhà cung cấp lớn nhất của Mỹ.
Về  khối lượng, Pakistan là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 sang Mỹ trong năm 2007 và Ấn Độ là nhà cung cấp lớn thứ 4.
Việt Nam, với lượng xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ khiêm tốn chỉ đạt 17 triệu USD năm 1995, đã tăng lên 4,35 tỷ USD năm 2007 so với 3,2 tỷ USD của Ấn Độ.
Thị phần của Ấn Độ gần như không đổi tại EU25 trong 13 năm qua và tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 1996-2007 là thấp hơn mức tăng trưởng nhập khẩu của EU từ khắp thế giới trong giai đoạn trên.
Trong khi đó mức tăng trưởng trung bình của Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam không chỉ cao hơn Ấn Độ mà còn cao hơn cả mức trung bình nhập khẩu toàn cầu của EU25 trong giai đoạn này.
 
(Theo ITPC)

Nguồn: Internet