Người tiêu dùng đã phần nào giải phóng được tâm lý “thắt lưng, buộc bụng” trong suốt thời gian khủng hoảng kinh tế vừa qua. Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại cuộc hội thảo “Xu hướng tiêu dùng và triển vọng thị trường bán lẻ 2009 -2010” do EUROCHAM phối hợp với VCCI tổ chức mới đây.
 
Thị trường bán lẻ VN được đánh giá là đang “nóng trở lại sau khi nền kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu phục hồi và triển vọng về gói kích cầu lần thứ hai của Chính phủ đáng được xem là “liều thuốc” tăng hưng phấn cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng.
 
Nhiều không gian cho thị trường bán lẻ
 
Khi nhận định về thị trường bán lẻ VN, đặc biệt trong năm 2010, năm được coi có nhiều cú hích mới để phát triển thị trường bán lẻ, TS Matthias Duchn - Giám đốc EuroCham Hà Nội cho biết: "Năm 2010 là năm có rất nhiều triển vọng đối với thị trường bán lẻ VN, thể hiện qua việc VN ngày càng trở nên một địa điểm kinh doanh hấp dẫn tại Châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và nhu cầu tiêu dùng khá ổn định trong thời gian dài”.
 
Cùng quan điểm trên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN bán lẻ VN lại cho rằng: Hiện nay thị trường bán lẻ VN vẫn còn nhiều không gian để phát triển và mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hoạt động bán lẻ hiện đại đang ngày càng chiếm ưu thế và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Người tiêu dùng ngày càng tiến tới xu hướng mua sắm mới và yêu cầu ngày càng cao, các phương thức bán lẻ mới như bán hàng qua Internet, qua điện thoại di động, TV Shopping, qua di động ngày càng nhiều hơn; sản phẩm tung ra thị trường đảm bảo vấn đề môi trường như bao bì an toàn, xanh, sạch và thân thiện, nói không với túi nilon... Trong tương lai, thị trường bán lẻ của VN sẵn sàng mở cửa cho hội nhập và cạnh tranh bình đẳng đa dạng. “Mặc dù thị trường bán lẻ VN vẫn có nhiều khó khăn và thách thức như tăng trưởng về số lượng nhưng chưa bền vững về chất lượng; tính chuyên nghiệp, nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn yếu; cơ sở hạ tầng để phát triển ngành bán lẻ chưa nhiều... Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển như nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao; chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài tốt” .
 
Thị trường nông thôn đang bỏ ngỏ
 
Khi nhận định về xu hướng phát triển thị trường bán lẻ trong thời gian tới, Trưởng phòng cao cấp, bộ phận Tư vấn Đo lường bán lẻ Nielsen cho rằng: Các nhà sản xuất sẽ đầu tư cho thị trường nông thôn nhiều hơn, theo đó, điều mà các nhà bán lẻ quan tâm là địa điểm, nguồn hàng và người mua có duy trì đều đặn hay không, hiện nay có hơn 74% dân số VN tập trung ở nông thôn nhưng các DN bán lẻ vẫn chưa khai thác được.“Trong thời gian tới, DN bán lẻ VN nên mở rộng thị trường nông thôn bằng cách xây dựng các kênh phân phối hiệu quả”. Cty Nielsen nhận định: Mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất là khủng hoảng, lạm phát, cạnh tranh và mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là vấn đề sức khỏe. Đây là vấn đề để các nhà kinh doanh đặc biệt quan tâm. Trong tương lai, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về nhà sản xuất nào làm ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
 
Theo khảo sát của Nielsen, người tiêu dùng VN xếp thứ năm trên thế giới về chỉ số lạc quan tiêu dùng. Tính đến quý 3/2009, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng VN đạt 109 điểm, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 18 - 20%/năm. Số lượng người tiêu dùng trẻ chiếm hơn 70% dân số VN.
 
Các chuyên gia cho rằng thị trường bán lẻ VN tới thời điểm này vẫn được đánh giá là màu mỡ và có nhiều cơ hội kinh doanh. Dự báo, trong 2 hoặc 3 năm tới sẽ có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài có mặt ở thị trường VN, với những trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn hơn rất nhiều so với mặt bằng kinh doanh của các siêu thị hiện nay.
 
Tuy nhiên, tăng trưởng của thị trường bán lẻ VN thời gian qua vẫn nghiêng về số lượng mà chưa đi vào chất, nguồn nhân lực và phong cách tiểu thương vẫn tồn tại. Tính chuyên nghiệp yếu, phong cách tiểu thương vẫn dai dẳng, khả năng quản trị còn kém... là những tồn tại trong hệ thống bán lẻ của VN. Chính vì vậy mà sự thay đổi cả về chất lượng hàng hoá lẫn dịch vụ, đặc biệt là đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực quản trị là những việc mà các DN bán lẻ cần chú tâm trong thời gian tới.

Nguồn: Báo đầu tư