Giá bông kỳ hạn trên thị trường thế giới đã tăng tới mức cao nhất kể từ gần 20 tháng nay vào phiên giao dịch 22/2/2010 do dự báo nhu cầu bông xuất khẩu sẽ tiếp tục mạnh trong khi nguồn cung trên toàn cầu hạn hẹp.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu bông Mỹ từ đầu năm tới nay đã tăng 93% so với 6 tuần đầu năm 2009. Tiêu thụ bông thế giới dự kiến tăng 4,9% đạt 115,5 triệu kiện trong năm kết thúc vào tháng 7/2010, trong khi dự trữ sẽ ở mức 3,3 triệu kiện, mức thấp nhất kể từ 2004.

Trong vòng một tuần qua, giá bông đã tăng 5,4% hay gần 3 US cent, đạt xấp xỉ 80 US cent/lb vào ngày 22/2/2010. So với một tháng trước đây, giá bông đã tăng 15%. Năm qua, giá bông đã tăng 73% sau khi sản lượng giảm ở Mỹ mà nhu cầu lại tăng mạnh.

Tại Pakistan và Trung Quốc, lượng bông trên thị trường đang khan hiếm, nhiều khả năng sẽ phải nhập thêm. Tuy nhiên đối với Trung Quốc, nơi mà chính phủ  đang kiểm soát phần lớn lượng bông dự trữ,  sẽ không bị nhiều ảnh hưởng. Hiện tại các nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn đang từ chối mức giá mà các nhà xuất khẩu Mỹ đề ra.

Còn tại Pakistan, nhu cầu bông đang lớn. Giá bông giao ngay tại KCA là 5.150Rupes/maund. Còn giá xơ bông cũng đã đạt mức 5.500Rupee/maund.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mậu dịch bông toàn cầu dự kiến tăng trung bình 2,2% mỗi năm từ nay cho tới 2019. Đã có những thay đổi đáng kể về tiêu thụ và mậu dịch bông trong 5 năm qua (kể từ khi hạn ngạch từ Hiệp định Đa Sợi (MFA) bị xoá bỏ trong năm 2005). Thị phần Châu Á về nhập khẩu bông đã tăng từ dưới 50% trong năm 1990 lên đến 72% vào cuối năm 2009 và dự kiến sẽ đạt hơn 78% vào năm 2019. Châu Á trở thành khu vực năng động nhất trong nhập khẩu bông của thế giới trong thập kỷ tới.

Các ngành công nghiệp dệt may tại Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan là những ngành hưởng lợi chính từ tự do hóa thương mại dệt may, kết quả của việc xoá bỏ hạn ngạch MFA trong năm 2005.

 Ngành công nghiệp dệt may Trung Quốc và kim ngạch nhập khẩu bông của nước này theo dự báo sẽ tăng trưởng khá trong 10 năm sắp tới, tuy nhiên sẽ chậm hơn so với mức tăng nhanh trong giai đoạn 2001-2005 trước kia (sau khi nước này gia nhập WTO). Dù vậy, trong thập kỷ tới, dự báo mức nhập khẩu bông của Trung Quốc sẽ chiếm khoảng ½ trên tổng số bông nhập khẩu toàn thế giới.

Pakistan cũng nổi lên như nước nhập khẩu lớn trong những năm gần đây và dự kiến đứng thứ 2 về nhập khẩu bông trong vòng 10 năm tới đây. Tuy nhiên, nếu các chủng loại bông biến đổi gien mới  tại nước này cho năng suất cao hơn, sản lượng nhập khẩu tại đây sẽ giảm.
Một vài năm trước đây, ngành công nghiệp dệt may Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi từ chính sách tự do thương mại với thị trường EU (thị trường chính đối với hàng xuất khẩu dệt may nước này). Tuy nhiên, khi hạn ngạch MFA kết thúc, các đối thủ cạnh tranh giá rẻ khác đã làm lu mờ dần sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ trên thị trường EU. Khối lượng nhập khẩu bông của nước này đã suy giảm và dự báo sẽ tiếp tục trượt giảm trong vòng 10 năm sắp tới.
EU, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đều giảm thiểu nhập khẩu bông do sản xuất dệt may đã và đang chuyển hẳn các nước có giá thành sản xuất thấp hơn.

Các nước cung cấp bông chính trong những năm qua, bao gồm Mỹ, Châu Phi, nước cận Sahara, Ấn Độ, và Brazil tiếp tục vai trò của mình trong những năm tới. Hầu hết các “ông lớn” về nguồn cung này đều theo hướng chuyển dịch gieo trồng từ loại bông thông thường sang các loại bông biến đổi gien hay bông sinh thái cho năng suất cao.

Theo dự báo Mỹ vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới trong những năm tới. Vào năm 2019, dự báo khối lượng xuất khẩu bông Mỹ sẽ đạt 16 triệu kiện, đạt hơn 35% mức giao thương của thế giới.

 Giá bông tại New York, kỳ hạn tháng 5/2010:

Ngày 22/2

Ngày 16/2

79,7 US cent/lb

76,11 US cent/lb

 

Nguồn: Vinanet