Giao dịch giảm sút, thị trường mất điểm

Mặc dù nhiều chỉ số chứng khoán thế giới tuần này vẫn tăng điểm nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn giảm mạnh. Trên sàn HOSE, với 4 phiên mất điểm chỉ có một phiên tăng, VN-Index mất 32.24 điểm, tương đương 5.49%. Hai phiên đầu tuần thị trường giảm mạnh trong tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khi phần lớn các cổ phiếu đều giảm hết biên độ. Thị trường chỉ khởi sắc trở lại vào hôm thứ 5, và các cổ phiếu cũng đồng loạt có một phiên tăng mạnh. Phiên giao dịch cuối tuần tưởng chừng như thị trường có một phiên tăng. Khi mở cửa, thị trường tăng khá mạnh nhưng sau đó phải thoái lui trước áp lực bán tháo của nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch mỗi phiên trong tuần đạt 61.61 triệu đơn vị, giá trị đạt 2,864.92 tỷ đồng, giảm 26% về giá trị giao dịch so với trung bình của tuần trước.

Khác với VN-Index chỉ có 3 phiên giảm nhưng diễn biến trên sàn HNX cũng tương tự như trên sàn HOSE. Hai phiên đầu tuần thị trường đều giảm mạnh, sau đó tăng nhẹ vào phiên thứ 4 và thứ 5. Phiên thứ 6, HNX-Index cũng chịu thoái lui vào cuối phiên giao dịch trong khi đầu phiên tăng mạnh. Kết thúc tuần HNX-Index giảm 5.14%, đóng cửa ở mức 189.14 điểm, mất 10.24 điểm. Trung bình, khối lượng giao dịch mỗi phiên 33.81 triệu đơn vị, giá trị đạt 1,363 tỷ đồng, giảm gần 17% về khối lượng và 25% về giá trị so với tuần trước.

Khác với thời gian trước, giao dịch thường diễn ra trong sự phân hóa khá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu, thì tuần này lại ít xảy ra sự phân hóa. Gần như thường xuyên có sự tăng giảm gần như đồng loạt trên toàn thị trường. Khối lượng giao dịch sút giảm mạnh trên cả hai sàn, đặc biệt là trong 2 phiên giao dịch đầu tuần cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường đã bị chững lại.

Có những thông tin cho rằng, sự siết chặt tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán và các hoạt động repo bị kiểm soát làm cho dòng tiền vào thị trường bị hạn chế. Ngoài ra, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc sử dụng vốn vay cũng phải thanh lý danh mục, tạo áp lực bán tháo lên thị trường.

Tuần này thị trường chứng kiến cổ phiếu mới lên sàn là MSN của Tập đoàn Masan. Với 476 triệu cổ phiếu được niêm yết, MSN trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE. MSN là một tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất nên mã cổ phiếu này được xem như cổ phiếu thuộc ngành thực phẩm. MSN đã có hai phiên tăng trần liên tiếp, từ mức giá chào sàn 36,000 đồng/cp, mức giá hiện nay là 45,300 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu tăng/giảm nhiều nhất trong tuần

Một tuần giảm điểm nên nhóm cổ phiếu giảm giá cũng chiếm áp đảo. Chỉ có 16 trong tổng số 183 mã cổ phiếu niêm yết trên HOSE tăng điểm, còn lại đều giảm điểm. Mã cổ phiếu tăng nhiều nhất DIC, tăng đến 23%. DIC tăng mạnh trước tin công ty phát hành thêm cổ phần cho công đông hiện hữu với tỷ lệ 10:4. Những mã khác trong nhóm tăng điểm cũng chỉ ở khá nhỏ. Ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm điểm chiếm tỷ lệ áp đảo, có đến hơn 40 cổ phiếu giảm điểm hơn 10% trong tuần qua. KSH trở thành mã cổ phiếu giảm mạnh nhất. Sự vậy sau gần 2 tháng tăng liên tục KSH giảm điểm khá mạnh trong thời gian qua. 3 mã cổ phiếu trong ngành thủy sản là ATA, ANV, BAS cũng nằm trong top 10 cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất.

Trên sàn HNX cũng có tới 171 mã giảm giá, chỉ có 58 mã tăng giá còn lại 3 mã đứng giá. Nhóm cổ phiếu giảm điểm cũng chiếm tỷ lệ áp đảo, HAD, MIC, DBT, SPP giảm sàn suốt 5 phiên trong tuần. CTM sau gần một tháng tăng liên tục, tuần này cũng chịu mất 21%.

Nhóm cổ phiếu tăng, có TBXYBC tăng hơn 34%, trần suốt 5 phiên, còn các mã còn lại tăng không nhiều.

Khối ngoại tiếp tục có một tuần bán ròng

Giao dịch khối ngoại tuần này giảm sút khá mạnh so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch trong tuần chỉ hơn 1,800 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% giá trị giao dịch trên sàn. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 200 tỷ đồng, tương đương giá trị bán ròng tuần trước. Như vậy đây là tuần thứ 2 liên tiếp khối ngoại đã bàn ròng. Giá trị bán ròng tuần này đã bằng gần 1/2 giá trị mua ròng tháng 10.

EIB tiếp tục được khối ngoại mua nhiều nhất với 132 tỷ đồng, iếp theo GMD với hơn 32 tỷ đồng. Trong khí đó, một loạt mã cổ phiếu bị bán khá mạnh như SSI 87 tỷ đồng, CII 76 tỷ đồng, VSH 50 tỷ đồng.

Khác với trên HOSE, trên HNX khối ngoại lại mua ròng trong tuần. Tuy nhiên giá trị mua ròng chỉ khoảng 32 tỷ đồng. Mã cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất tiếp tục là KBC 26 tỷ đồng và DBC 12 tỷ đồng. Mã cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là BVS, với tổng giá trị 29 tỷ đồng.

Nhận định tuần sau

Tuần qua, một số thị trường chứng khoán quan trọng tăng điểm. Nhiều chỉ số kinh tế quan trọng đều cho thấy những chuyển biến tích cực từ kinh tế Mỹ, châu Âu và châu Á. Dự báo của WB cho rằng kinh tế thế giới đang phục hồi khá mạnh. WB nhận định khá lạc quan về kinh tế Việt Nam theo đó, tăng trưởng GDP có thể đạt 5.5% ngay trong năm nay.

Tuy vậy, hệ thống tài chính trong nước cũng gặp phải khó khăn nhất định. NHNN đang chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng để tránh cho nền kinh tế rơi vào giai đoạn lạm phát. Tuần qua cũng chứng kiến nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn. Điều này làm cho nhiều người quan tâm đến mức độ thanh khoản, thu nhập lãi của ngân hàng cũng như các vấn đề tiền tệ của nền kinh tế.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy nhiều dấu hiệu đáng ngại. Dòng tiền đổ vào thị trường, thể hiện qua giá trị giao dịch, liên tục giảm sút. Trong một vài phiên, tâm lý nhà đầu tư trở nên hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu bằng mọi cách. Trong khi đó, bên mua thận trọng chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn. Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường khó có thể nhanh chóng đột phá trong tuần sau. Ngoài ra, thị trường cũng đang phải đối mặt với nguy cơ những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính sẵn sàng bán ra để giảm lỗ. Vấn đề tín dụng vào chứng khoán bị thắt chặt cũng cần quan tâm.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn có thể tăng điểm nhờ sự đảo chiều mạnh mẽ của Parabolic SAR. Nhưng xét về dài hạn, nhà đầu tư vẫn cần phải thận trọng khi mà MACD weekly đã cho sell signal. RSI và MFI cũng cho tín hiệu tương tự. Nhận định định cho tuần sau, chúng tôi không quá lạc quan về một kịch bản tăng mạnh của thị trường. Thị trường đang trở nên rất khó đoán nhưng một kịch bản giảm mạnh của thị trường là khó diễn ra. Và xu hướng kịch bản thị trường sẽ có một tuần giao dịch giằng co và tăng điểm nhẹ.

(Vietstock)

 

Nguồn: Vinanet