Nguồn cung tăng ở Thái Lan và Việt Nam khiến giá giảm nhẹ trong 10 ngày qua. Thái Lan và Việt Nam bắt đầu can thiệp vào thị trường.

Thái Lan và Việt Nam bước vào vụ thu hoạch lúa khiến cho nguồn cung tăng lên, gây áp lực tới giá.

Chính phủ các nước Thái Lan và Việt Nam bắt đầu chính sách thu mua gạo trong dân để ổn định giá.

Giá gạo Châu Á đã giảm nhiều từ đầu năm nay bởi khách hàng Châu Phi và Philippine – nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – không còn mua tích cực như cuối năm 2009.

Tại Thái Lan ngày 10/3/2010, giá gạo 100% B xuất khẩu ở mức 530 USD/tấn, vững so với 10 ngày trước đó nhờ chính sách can thiệp của Chính phủ. Trên thị trường nội địa, gạo trắng được bán vớ I giá 14.000 Baht (420 USD)/tấn. Thị trường Thái Lan yên tĩnh, chỉ có một số gạo nếp chất lượng cao được giao dịch với khách hàng Trung Đông. Chính phủ Thái Lan đang mua lúa trực tiếp từ dân với giá 10.000 Baht (306 USD)/tấn, bắt đầu từ ngày 26/2/2010.

Chính phủ Thái Lan cũng thông báo sẽ chưa bán bất kỳ khối lượng nào trong số 6 triệu tấn gạo dự trữ trong vòng 6 tháng tới để tránh gây áp lực tới thị trường.

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Họ dự kiến sẽ sản xuất 7 triệu tấn lúa trong vụ thứ 2 này. Thời điểm thu hoạch cao điểm là tháng 4 tới.

Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 360 – 390 USD/tấn (FOB), so với mức 370 - 430 USD/tấn một tuần trước đây, và so với mức 355 – 360 USD/tấn hai tuần trước đây. Gạo 25% tấm giá hiện ở mức 330 USD/tấn, so với 330 – 335 USD/tấn một tuần trước đây. Hiệp hội Lương thực Việt Nam giữ giá sàn gạo 5% tấm ở 430 USD/tấn.

Trên thị trường nội địa, giá gạo giảm xuống 3.600 – 4.500 đồng (18,9 – 23,6 U.S. cents)/kg trong tuần này, so với 3.800 – 4.500 đồng một tuần trước đây.

Nhu cầu thấp và nguồn cung vẫn đang tăng lên, song chương trình hỗ trợ của các Chính phủ đang hỗ trợ giá.

Nhằm hỗ trợ giá lương thực trong nước, Chính phủ Thái Lan đã tạm ngừng kế hoạch đưa gạo dự trữ trong kho ra bán trên Sở giao dịch kỳ hạn nông sản Thái Lan (AFET) và tạm hoãn việc mở các đợt bán đấu giá gạo. Thư ký thường trực Bộ Thương mại Thái Lan Yanyong Phuangrach cho biết, chính phủ nước này đình hoãn kế hoạch đưa 300.000 tấn gạo ra bán tại AFET theo dự định trước đây. Thái Lan sẽ không giải phóng lượng gạo dự trữ trong nước cho đến khi giá gạo tăng lên và ổn định.

Để giải quyết vấn đề giá lương thực thấp, Nội các Thái Lan đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan mua gạo trực tiếp từ nông dân, và hiện đã dành 20 tỷ bạt (tương đương 606 triệu USD) để trợ giá. Ngoài ra, nước này cũng dự kiến lập 30 địa điểm phục vụ thuận lợi cho chương trình mua gạo từ nông dân.

Tuy nhiên, các hợp đồng bán gạo đã ký hoặc sắp được ký kết với chính phủ các nước khác vẫn sẽ được thực hiện vì không tác động đến giá gạo trong nước.

Giá gạo ở Thái Lan đã giảm khá mạnh tháng trước, chủ yếu do các thương gia lo ngại về kế hoạch của chính phủ nước này giải tỏa 500.000 tấn gạo dự trữ.

Tại Việt Nam, trước tình hình giá lúa gạo tại các tỉnh phía Nam giảm, nhất là tại một số địa phương đã thu hoạch vụ Đông Xuân, Chính phủ đã yêu cầu các tổng công ty lương thực cần tăng cường mua tạm trữ thóc gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giao 30 doanh nghiệp triển khai thu mua ngay 1 triệu tấn lúa để tạm trữ trong khoảng thời gian từ 22/2 đến 22/6/2010, song song với việc thu mua lúa để thực hiện các hợp đồng đã ký. Mức giá thấp nhất đưa ra là không dưới 4.000 đồng/kg để giữ giá thóc không giảm sâu, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 40%. VFA cũng hướng dẫn giữ giá gạo xuất khẩu ở mức 440 USD/tấn (FOB) đối với gạo 5% tấm.
Việt Nam đã trúng thầu 90.000 tấn gạo cao cấp (5% tấm) cung cấp vào thị trường Iraq, qua đợt đấu thầu kết thúc vào ngày 28/2/2010.

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, trong đó 1/3 sẽ sang Philippine, không thay đổi nhiều so với mức khoảng 6 triệu tấn năm 2009.

Theo dự báo của nhiều thương gia, giá gạo sẽ giảm nhẹ trong những tuần tới, mặc dù có sự can thiệp, bởi nguồn cung vẫn tiếp tục tăng trong khi nhu cầu không nhiều.

Về những thông tin gạo khác, Indonexia không có kế hoạch nhập khẩu gạo trong năm nay, mặc dù sản lượng không thay đổi nhiều so với năm 2009.

Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Suswono cho biết Indonesia lạc quan rằng sản lượng gạo của nước này trong năm 2010 có thể tăng 3,2% nhờ diện tích canh tác được mở rộng, cũng như năng suất lao động được cải thiện. Tuy nhiên, Cục Thống kê Quốc gia Indonesia vừa thông báo sản lượng gạo của nước này sẽ chỉ tăng 0,88% và dự báo sản lượng thóc chỉ đạt tổng cộng 64,9 triệu tấn.

Việc Indonesia, nước tiêu thụ gạo lớn thứ ba thế giới, quyết định không nhập khẩu gạo trong ba năm liền có thể gây thêm sức ép lên thị trường, vốn giảm liên tiếp trong 5 tuần qua do nguồn cung dồi dào và nhu cầu đứng ở mức thấp.

Tại Campuchia, Bộ trưởng Nông, Lâm và Ngư nghiệp  Chan Sarun dự đoán năm 2010 nước này sẽ dư thừa hơn 2 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Campuchia đạt vụ mùa bội thu trong năm 2009

Tại Đại hội nông dân toàn quốc mới đây, Bộ trưởng Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, ông Chan Sarun cho biết, nước này đã có một vụ mùa bội thu trong năm 2009, đạt sản lượng 7,037 triệu tấn thóc, tăng 130.000 tấn so với năm 2008. Theo Bộ trưởng Chan Sarun, kết quả trên là nhờ diện tích canh tác lúa đã được mở rộng từ 2,25 triệu hécta vào năm 2008 lên 2,68 triệu hécta trong năm 2009. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp được chính phủ quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn, coi là một trong những ưu tiên trong Chiến lược phát triển “Tứ giác” giai đoạn hai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa nghèo.

Chính phủ Campuchia đã triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân vốn vay để tăng năng suất cây trồng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia đang đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống thủy nông để tăng thêm diện tích canh tác lúa, huấn luyện nông dân kỹ thuật canh tác tiên tiến để thúc đẩy trồng nhiều loại giống lúa cao sản nhập khẩu trên diện rộng.

Hiện nay, diện tích canh tác lúa của Campuchia mới chỉ chiếm gần 50% diện tích trong tổng số 6 triệu hécta đất canh tác nông nghiệp. Hệ thống thủy nông hiện có chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của 40% diện tích này và số còn lại phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên.

Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu tăng mạnh sản lượng để có thể xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo vào năm 2015, đưa nông nghiệp trở thành một trong những trụ cột kinh tế bền vững của nước này.

Nguồn: Vinanet