Giá gạo trên thị trường thế giới vững đến tăng trong tuần qua (21 - 28/10/2009) do triển vọng nguồn cung khan hiếm ở Châu Á, nhu cầu mua mạnh và thời tiết xấu ở một số khu vực.

Thị trường lúa gạo thế giới có biểu hiện khan hiếm nguồn cung. Điều đó đang gây lo ngại cho những nước phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippine, Arthur Yap, bày tỏ lo ngại sẽ tái diễn khủng hoảng lương thực như năm 2008, khi giá gạo vượt lên trên mức 1.000 USD/tấn.

Ông nhận định rằng dân số thế giới tăng, giá dầu tăng, khí hậu thay đổi trong khi sản lượng gạo thế giới trì trệ sẽ là những yếu tố tiềm ẩn gây khủng hoảng lương thực vào bất kỳ lúc nào.

Ấn Độ mới đây thông báo sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩuu 70% đối với mặt hàng gạo, do sản lượng lúa năm nay giảm mạnh bởi hạn hán. Ấn Độ cũng có thể sẽ nhập khẩu 1 -3  triệu tấn gạo trong trung hạn sau khi giá gạo trên thị trường này gần đây tăng mạnh, và sản lượng giảm do nơi thì bị hạn hán, nơi thì bị lũ lụt.

Nguồn cung sẽ càng khan hiếm khi Philippine dự định sẽ nhập khẩu thêm một khối lượng lớn gạo, sau khi bão lớn làm mất mùa lúa.

Trên thị trường Chicago (Mỹ), giá gạo tiếp tục tăng do mưa lớn vẫn tiếp diễn, đe doạ ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng lúa năm nay ở Arkansas – khu vực trồng lúa lớn nhất của Mỹ. Nỗi lo về nguồn cung ở Châu Á cũng góp phần đẩy giá gạo Mỹ tăng lên.

Lúc kết thúc ngày giao dịch 28/10/2009 tại Chicago (rạng sáng 29/10 giờ Việt Nam), hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tăng 41 US cent so với ngày hôm trước, lên 13,91 ½ USD/cwt (100 lb), trong khi kỳ hạn tháng 1/2010 tăng 41 ½ US cent lên 14,18 USD/cwt.

Trên thị trường Châu Á, giá vững trong ngày 28/10/2009 nhờ nhu cầu mua từ Philippine và Nhật Bản. Việc nối lại chương trình can thiệp giá của Chính phủ Thái Lan cũng đang hậu thuẫn giá gạo nước này.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 5% trong tuần tua, do nhu cầu mạnh từ Philippine. Philippine đang cần mua thêm gạo sau khi bão tàn phá mùa màng của nước này.

Gạo 25% tấm của Việt Nam, FOB Cảng Sài gòn, tăng 5,5% trong tuần qua, tương đương 20 USD/tấn, đạt 390 USD/tấn, so với 370 USD/tấn một tuần trước đây.

Gạo 5% tấm giá tăng từ 420 USD/tấn lên 440 USD/tấn.

Một thương gia ở Băng Kốc cho rằng: “Với mối quan hệ gần gũi giữa Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine và các nhà xuất khẩu của Việt Nam, Việt Nam chắc chắn sẽ giành được phần lớn trong hợp đồng cung cấp 250.000 tấn gạo cho Philippine”.

Các thương gia tin rằng sau cuộc đấu thầu ngày 4/11/2009, Việt Nam sẽ được cung cấp 170.000 tấn, bởi giá gạo Việt Nam rẻ hơn Thái Lan, và dự trữ của Việt Nam hiện khá lớn sau vụ mùa bội thu ở đồng bằng sông Cửu Long - vừa thu hoạch trong tháng 10.

Philippine đã nhập khẩu 1,775 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, phần lớn từ Việt Nam. Năm 2008, Philippie đã nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo.

Ngày 27/10/2009, Chính phủ Việt Nam thông báo xuất khẩu gạo quốc gia trong 10 tháng đầu năm 2009 đã tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5,34 triệu tấn. Mục tiêu xuất khẩu cả năm nay là 6 triệu tấn, kỷ lục cao. Song các thương gia cho rằng nhu cầu từ Philippine có thể đẩy lượng xuất khẩu lên tới 6,3 triệu tấn.

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo tuần qua vững đến tăng, được hậu thuẫn bởi nhu cầu từ Nhật Bản.

Gạo trắng 100% B của Thái Lan giá vững ở mức 520 USD/tấn, song gạo thơm 100% giá tăng lên 870 USD/tấn, so với 820 USD/tấn một tuần trước đây.

Một nhà xuất khẩu gạo Thái cho biết: “Các nhà xuất khẩu Thái Lan đang tích cực mua gạo để giao hàng cho Nhật Bản trong quý cuối năm. Chính điều đó đang hỗ trợ giá tại thị trường này”.

Giá thóc nội địa tại Thái Lan tăng lên 8.400 Baht (251,3 USD)/tấn, so với 7.500 – 8.000 USD/tấn một tuần trước đây.

Tuần trước, Nhật Bản đã tổ chức đấu thầu mua 25.000 tấn gạo, và đến ngày 30/10 sẽ đấu thầu mua thêm 25.000 tấn gạo.

Trên thị trường nội địa Thái, giá gạo cũng được nâng đỡ bởi chương trình can thiệp quốc gia, theo đó Chính phủ sẽ tiếp tục mua thóc lúa trực tiếp từ dân để đẩy giá tăng lên trong vụ thu hoạch.

Dự trữ gạo của Chính phủ Thái Lan hiện khoảng 6 triệu tấn, sau nhiều chương trình can thiệp liên tiếp.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Porntiva Nakasai, cho biết Chính phủ Thái có kế hoạch thương lượng với một số nước, trong đó cơ Philippine, Malaysia, Indonexia và Iran về việc mua bán gạo.

Ngày 23/10, Philippine cho biết họ đang thương lượng về việc mua ít nhất 250.000 tấn gạo Thái Lan theo hợp đồng liên Chính phủ.

Song Indonexia thì cho hay rằng chưa chắc họ sẽ nhập khẩu gạo trong năm tới, bởi họ có đủ cung. Indonexia đã không nhập khẩu gạo trong 2 năm qua. Sản lượng gạo năm nay chắc chắn cũng sẽ cao.

Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất khoảng 23,5 triệu tấn gạo trong vụ chính, song khoảng 5% trong đó có thể bị thiệt hại do mấy trận lụt gần đây, tức là mất khoảng 1 triệu tấn.

Chính phủ nước này cũng đã có kế hoạch kết thúc chương trình can thiệp mua gạo trực tiếp. Tuy nhiên, ý định đó đã vấp phải sự phản đối của nông dân.

Giá gạo trên thị trường Thái Lan đã giảm xuống mức 7.000 Baht (210 USD)/tấn so với 8.000 Baht một tuần trước, sau khi có thông báo lũ lụt không ảnh hưởng nhiều tới vụ mùa lúa.

Tuy nhiên, giá gạo Thái chưa chắc sẽ duy trì ở mức cao như hiện  nay trong thời gian dài, bởi Chính phủ nước này cũng vừa thông báo sẽ bán 950.000 tấn gạo dự trữ vào cuối năm nay, và sẽ bán tiếp 1,77 triệu tấn trong năm 2010.

Ngày 28/10/2009, Uỷ ban Ngũ cốc Irắc đã tiến hành đấu thầu mua ít nhất 60.000 tấn gạo bất kỳ xuất xứ nào. Irắc là một trong những nhà nhập khẩu gạo và lúa mì lớn nhất thế giới. Nước khoảng 30 triệu dân này tiêu thụ ít nhất 1 triệu tấn gạo mỗi năm.

 (1 USD = 33,43 baht)

  

Nguồn: Vinanet