Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, đây là lần đầu tiên Ấn Độ phải nhập khẩu gạo kể từ năm marketing 2005/2006.

Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch nhập khẩu 30.000 tấn gạo để bù lại cho sản lượng giảm sau khi thiếu mưa trầm trọng nhất kể từ 4 thập kỷ nay.

Khối lượng nhập khẩu của Ấn Độ chưa nhiều nhưng ảnh hưởng của nó lại rất lớn.

Các công ty quốc doanh PEC Ltd. và MMTC Ltd. của Ấn Độ đang tìm mua 20.000 tấn gạo (mỗi công ty 10.000 tấn), kỳ hạn giao tháng 11 và 12 năm nay. Tổng công ty lương thực quốc gia Ấn Độ cũng sẽ tìm mua khối lượng tương đương.

Trên thị trường Chicago, gạo kỳ hạn tháng 1/2010 giá tăng 0,8% đạt 14,085 USD/cwt (khoảng 45 kg) trong ngày 2/11/2009. Trong tuần qua, giá gạo tại Chicago đã tăng 7,3%, là mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 20/3/2009.

Theo ông Samarendu Mohanty, nhà kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu gạo Quốc tế (IRRI), các yếu tố cơ bản đều đang hỗ trợ giá gạo. Ấn Độ - nước tiêu thụ gạo lớn thứ 2 thế giới, có thể phải nhập khẩu 3 triệu tấn gạo trong năm tới. Đó sẽ là lần đầu tiên sau 21 năm nước này lại phải nhập ròng gạo, và điều đó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực mới, đẩy giá tăng trở lại mức kỷ lục cao như hồi đầu năm 2008.

USDA dự báo sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ này (T10/2009 – T9/2010) sẽ giảm khoảng 15 đến 17 triệu tấn. Nước 1,2 tỷ dân này sản xuất gần 99,15 triệu tấn gạo trong năm vừa qua.

Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng bị mất mùa lúa do mấy cơn bão lớn. Cơn bão Mirinae cuối tuần qua càng làm cho tình hình thêm trầm trọng. Sau 2 cơn bão trước, Chính phủ Philippine ước tính thiệt hại cho sản lượng lúa lên tới 1 triệu tấn. Sau cơn bão thứ 3 này, thiệt hại sẽ còn cao hơn nữa.

Về những thông tin khác, Chính phủ Nhật bản có kế hoạch tăng lượng gạo dự trữ do  triển vọng cung khan hiếm.

Campuchia đặc mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu gạo trong 5 năm tới và tăng vị thế trên thị trường xuất khẩu gạo. Hiện Campuchia sản xuất khoảng 8 triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng chỉ tiêu thụ hết một nửa số đó. Nửa còn lại được xuất kẩu sang Đức, Pháp, Malaysia và nhiều nước khác. Campuchia đang muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, và Philippine là một trong các mục tiêu của họ.

Một nước xuất khẩu gạo mới nổi khác, Myanmar, đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm tới, trong khi Urugoay đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1,25 triệu tấn thóc, tương đương 800.000 tấn gạo.

Về các thông tin nhập khẩu, Iran tăng thuế nhập khẩu gạo basmati lên 45%, so với mức 4% trước đây.

Hàn quốc đang tìm mua 32.670 tấn gạo tẻ trắng qua các cuộc đấu thầu, để thực hiện một phần trong hạn ngạch nhập khẩu theo thoả thuận với Tổ chức Thương mại Thế giới. Hàn Quốc cũng đang tìm mua 55.000 tấn gạo tẻ nâu, kỳ hạn giao trước khi kết thúc tháng 4/2010.

Uỷ ban Ngũ cốc Irắc đã đấu thầu mua ít nhất 60.000 tấn bất kỳ xuất xứ nào. Việc đấu thầu được thực hiện vào thứ 4 tuần trước. Thời hạn bỏ thầu sẽ kéo dài tới hôm nay, 3/11/2009.

Chính phủ Syri vừa đấu thầu mua 50.000 tấn gạo trắng.

Chính phủ Sri Lanka, sẽ nhập  khẩu 50.000 tấn gạo để ngăn chặn hiện tượng “thiếu cung giả tạo”. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin, Anura Yapa, Sri Lanka đã giữ cho giá gạo trong nước cao suốt 2 năm qua - chỉ thấp hơn chút ít so với mức giá hồi khủng hoảng năm ngoái - để khuyến khích người dân trồng lúa. Gạo Sri Lanka giá đắt nhưng chất lượng không cao nên không thể xuất khẩu được.

Giá gạo tại Chicago ngày 2/11/2009 (USD/cwt):

Kỳ hạn

Giá 2/11

+/-

T11/09

 1479,0

+ 43,0

T1/10

 1505,0

 +36,0

T3/10

 1527,5

 +36,5

T5/10

 1550,5

 +36,5

T7/10

 1573,0

 +36,5

T9/10

 1429,0

+5,0

T11/10

 1432,0

+5,5

Nguồn: Vinanet