Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá gạo nội địa của Thái Lan đang chịu sức ép bởi dự báo nguồn cung gạo xuất khẩu sẽ tăng trong vụ mùa chính niên vụ 2009/10, và Chính phủ sẽ tung gạo dự trữ ra thị trường vào tháng tới.

Hiện đồng Baht Thái ở mức giá 33,5 THB/USD, so với mức trung bình 33,8 THB mấy tuần gần đây. Biến động về tỷ giá khiến một số nhà xuất khẩu thận trọng hơn trong việc báo giá.

Chính phủ Thái đang có kế hoạch xuất dần ra thị trường số gạo dự trữ từ vụ trước, khoảng 1 – 2 triệu tấn trong tổng khối lượng gạo dự trữ vào khoảng 6 – 7 triệu tấn. Kế hoạch này sẽ được Uỷ ban Chính sách Gạo Quốc gia thông qua trong vài tuần tới.

Chính phủ Thái đã hoàn tất việc bán đấu giá lại vào ngày 7/9/2009, bán ra 198.510 tấn (9.420 tấn gạo thơm và 189.090 tấn gạo trắng). Giá bỏ thầu hầu hết thấp hơn mức giá kỳ hạn dự kiến trong giai đoạn tháng 10 – 12/2009 (thấp hơn 1,97 Baht/kg đối với gạo thơm và thấp hơn 0,3 Baht/kg đối với gạo trắng). Tổng lượng gạo bán ra qua 3 cuộc đấu thầu (6/8, 26/8 và 7/9) là 663.270 tấn, trông đó có 299.962 tấn gạo thơm và còn lại là gạo trắng.

Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu gạo Thái Lan (không kể gạo thơm) trong giai đoạn từ 14 – 20/9/2009 đạt 142.128 tấn, tăng 8.067 tấn so với tuần trước đó, và tăng 11.722 tấn so với mức trung bình 130.406 tấn của 4 tuần.

Xuất khẩu gạo trắng trong giai đoạn từ 1/1 đến 20/9 đạt 4.347.600 tấn, so với 2.645.900 tấn cùng kỳ năm trước.

Theo Vụ Ngoại Thương, Bộ Thương mại, tổng xuất khẩu gạo (bao gồm gạo thơm) trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 18/9/2009 đạt 6.222.335 tấn, giảm 23,4% so với 8.126.203 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Tại Chicago, giá gạo kỳ hạn tăng, được hậu thuẫn bởi chưa chắc chắn về tình hình thời tiết ở Mỹ.

Hợp đồng kỳ hạn tháng 11 giá tăng 10 US cent, đạt 13,30 ½ USD/cwt, trong khi kỳ hạn tháng 1/2010 giá tăng 10 1/2 US cents đạt 13,56 USD/cwt.

Về những thông tin liên quan, Bộ Nông nghiệp Philippine thông báo vừa bị thiệt hại khoảng 180.212 tấn thóc do cơn bão Ketsana.

Tại Việt Nam, Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo trong tháng 9 có thể giảm 21% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 350.000 tấn. Việt Nam đã xuất khẩu 417.000 tấn gạo trong tháng 8, trị giá 167 triệu USD. Xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm ước đạt 4,98 triệu tấn, trị giá 2,24 tỷ USD, tăng 34% về khối lượng song giảm 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Quốc hội Iran đã yêu cầu Chính phủ điều tra về việc gạo basmati nhiễm bẩn của Ấn Độ.

Tại Ghinê, theo thống kê chính thức của FAO, nhập khẩu gạo đã giảm mạnh trong những năm qua, từ 600.000 tấn xuống còn 300.000 tấn mỗi năm. Khoản thiếu hụt này bù đắp bằng lượng gạo nhập khẩu từ Inđônêxia, Ấn Độ, Ai Cập và Việt Nam. Vào tháng 3/2009, Hội đồng Quốc gia vì Dân chủ và Phát triển (CNDD) thông báo Chính phủ Ghinê sẽ nhập khẩu 450.000 tấn gạo trong năm nay.

Ghinê là nước sản xuất lúa lớn thứ hai tại châu Phi sau Nigiêria nhưng sản xuất vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Với diện tích canh tác là 450.000 ha, sản lượng trung bình năm là 800.000 tấn thóc tương đương 533.000 tấn gạo, nước này hiện phải nhập khẩu 325.000 tấn gạo mỗi năm, tức là tăng 40% so với cách đây 10 năm. Mỗi người dân tiêu thụ gần 100 kg gạo mỗi năm.

Trên thị trường Ghinê lưu hành 3 loại gạo: gạo đồ của địa phương, gạo trắng nhập khẩu và gạo trắng địa phương. Phần lớn gạo địa phương được tiêu thụ và kinh doanh dưới dạng gạo đồ. Đây là loại gạo thu được từ lúa ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn khác. Nói chung, người tiêu dùng thừa nhận gạo đồ của địa phương có chất lượng ẩm thực, mùi vị và dinh dưỡng cao hơn gạo trắng nhập khẩu từ Đông Nam Á. Ngoài ra, gạo này được đánh giá là “sạch” vì có ít tấm và tạp chất như sỏi. Tuy nhiên, một bộ phận người dân nông thôn lại thích gạo trắng của địa phương hơn vì dễ làm nhiều món ăn và không mất nhiều thời gian chuẩn bị.

Nguồn: Vinanet