Giá gạo trên thị trường Châu Á tuần qua tăng, được hỗ trợ bởi sự can thiệp của các Chính phủ, và triển vọng nhu cầu mua gạo để trợ cấp lương thực sau khi cơn bão Ketsana tràn qua khu vực.

Tại Thái Lan, giá gạo 100% B tuần qua tăng từ 530 USD/tấn lên 535 USD/tấn, do Chính phủ kéo dài chương trình thu mua gạo thêm 2 tuần để hỗ trợ giá.

Vụ thu hoạch lúa ở Thái Lan vừa kết thúc, và vụ thu hoạch mới sẽ bắt đầu vào tháng 11 tới. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hiện nước này còn khoảng 6 triệu tấn gạo dự trữ.

Chương trình can thiệp giá của Thái Lan lẽ ra kết thúc vào ngày 30/7/2009, song đã được kéo dài thêm 1 tháng, tới tháng 9, sau khi nông dân phản đối việc xoá bỏ chương trình này để đưa vào chương trình hỗ trợ kiểu mới. Nông dân Thái Lan cho rằng chương trình can thiệp kiểu mới quá phức tạp. Chương trình can thiệp giá được gia hạn cho tới ngày hôm nay, 5/10/2009. Sản lượng thóc của Thái Lan trong vụ chính năm nay dự kiến đạt khoảng 23 triệu tấn.

Các thương gia dự báo giá gạo Thái Lan sẽ tiếp tục vững trong vài tuần tới, thậm chí có thể tăng nếu nhu cầu gạo cho trợ cấp lương thực tăng lên. Cơn bão Ketsana đã làm chết nhiều người ở Philippine và một số nước khác. Tiếp theo đó, động đất làm chết nhiều người ở Indonexia. Các thương gia dự báo những nước giàu của Liên Hiệp Quốc sẽ mua gạo cho chương trình trợ cấp sau những thảm hoạ thiên tai này.

Đầu tháng 10 này, Bộ Thương mại sẽ gặp các nhà xay xát, các nhà xuất khẩu và kinh doanh gạo để bàn hợp tác về việc bình ổn giá. Cuộc họp sẽ bàn về sự hợp tác của các nhà xay xát, nhà thu mua, xuất khẩu gạo với mức giá thỏa đáng và tăng dự trữ gạo để giảm việc cung cấp gạo trên thị trường. Các nhà xuất khẩu có thể tăng dự trữ từ 500 tấn lên 1.000 tấn gạo. Các giải pháp ổn định giá gạo của Chính phủ Thái Lan bao gồm việc thúc đẩy Vụ Ngoại thương Bộ Thương mại bán gạo ra nước ngoài; hợp tác với Tổ chức kho hàng công và tổ chức Thị trường cho người nông dân để mua gạo từ thị trường và xuất khẩu gạo; và tiếp tục sự phối hợp về giá để đảm bảo cho người nông dân không bị ảnh hưởng do giá giả

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, lũ lụt đã phá huỷ khoảng 50.000 hécta đất trồng trọt, chủ yếu là gạo và ngô.

Giá thóc trên thị trường nội địa Việt nam tăng từ mức khoảng 3.500 – 3.800 đồng/kg lên khoảng 4.000 đồng/kg, nhờ giai đoạn 2 của chương trình thu mua 500.000 tấn thóc dự trữ của Chính phủ.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng tới khoảng 6.800 đồng/kg, hay khoảng 380 USD/tấn, so với mức 6.600 – 6.700 đồng/kg một tuần trước đây.

Theo thông tin chính thức, xuất khẩu gạo Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2009 đã tăng 31,4% đạt 4,98 triệu tấn.

Việt Nam có kế hoạch bốc xếp 1 triệu tấn gạo trong năm 2010, nâng tổng khối lượng xuất khẩu trong cả năm nay lên gần 6 triệu tấn.

Trên thị trường Chicago (Mỹ), giá gạo giảm nhẹ trong tuần qua, kết thúc ở mức giá 13,15 USD/cwt với hợp đồng kỳ hạn tháng 11, và 13,36 USD/cwt với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2010.

Thị trường giao dịch gạo Mỹ trầm lắng, với các thương gia đều đang chờ đợi thông tin từ vụ thu hoạch ở bang miền Bắc Arkansas – khu vực trồng lúa chính của Mỹ.

Các nhà phân tích cũng đang đánh giá những thiệt hại do cơn bão nhiệt đới gây nên ở Châu Á.

Bộ Nông nghiệp Philippine thông báo theo đánh giá ban đầu, cơn bão Ketsana gây thiệt hại khoảng 5,5 tỷ Peso (117 triệu USD). Ngành lúa gạo nước này chịu thiệt hại nhiều nhất, mất khoảng 190.624 tấn (quy thóc), tương đương 3,28 tỷ Peso.

Tổng thống Philippine, Gloria Arroyo, đã chỉ thị cho các quan chức ngành nông nghiệp phải nhập khẩu gạo bởi dự báo nguồn cung năm tới sẽ giảm do nguyên nhân này.

Về nhu cầu cho năm 2009, Philippine đã chuẩn bị đủ dùng, và nay còn khá nhiều gạo dự trữ. Dự trữ của Chính phủ Philippine hiện khoảng 1,27 triệu tấn, tương đương khoảng 36 ngày sử dụng.

Nước này phải phụ thuộc khá nhiều vào gạo nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cho 92 triệu dân. Năm 2008, Phlippine nhập khẩu tới 2,3 triệu tấn gạo mặc dù giá cao kỷ lục trên thị trường thế giới. Từ đầu năm tới nay, Manila đã mua 1,775 triệu tấn gạo, chủ yếu của Việt Nam, so với mức nhập khẩu 2,3 triệu tấn của năm 2008. Manila nhập khẩu khoảng 10% tổng nhu cầu gạo mỗi năm.

Thông qua Cơ quan Lương thực Quốc gia, đầu tháng này Chính phủ Philippine đưa ra mục tiêu thu mua 775.000 tấn thóc nội để dự trữ trong vụ thu hoạch chính, sẽ kết thúc vào tháng 12 tới.

Về những thông tin quốc tế khác, diện tích trồng lúa vụ hè ở Ấn Độ (giai đoạn 1/6 đến 30/9) giảm 15% so với cùng vụ năm ngoái, xuống 32,2 triệu hécta. Vụ hè thu năm ngoái Ấn Độ thu được 38,1 triệu tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng của Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới, năm nay sẽ chỉ đạt 82 triệu tấn, thấp hơn mức 88 triệu tấn dự báo ban đầu, và càng thấp hơn mức kỷ lục 99,2 triệu tấn thu được trong niên vụ kết thúc vào ngày 30/9/2009, do hạn hán xảy ra ở nhiều khu vực trồng lúa chính.

Sau vụ mùa 2008/09 bội thu, Chính phủ Ấn Độ thu mua được khoảng 33,0 triệu tấn gạo và trên 25,3 triệu tấn lúa mỳ. Như vậy, Chính phủ đã có hơn 50 triệu tấn lương thực dự trữ cho đến cuối tháng 7 năm 2009, đủ để đáp ứng như cầu của hệ thống phân phối công cộng cho 13 tháng đến hết tháng 9 năm 2010.

Chính phủ Ấn Độ đang rất quan tâm tới hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực. Sản lượng lương thực có thể giảm 15% với mức 29 triệu tấn, còn 205 triệu tấn so với mức 233,88 triệu tấn năm tài khoá 2008-2009. Sản lượng gạo có thể giảm tới 17 triệu tấn. Chính phủ đã liên tục xem xét các chính sách liên quan đến thu mua, điều chỉnh xuất nhập khẩu gạo và một số mặt hàng lương thực quan trọng khác như lúa mì, đậu đỗ, đường …

Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ông Alongkorn Polabutr cho biết Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu xem loại gạo thơm mới Jazzman của Mỹ tương tự với loại gạo Jasmine có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nào không. Loại gạo thơm Jasmine của Thái nổi tiếng với tên Hom Mali được biết đến trên toàn thế giới với chất lượng cao, hạt dài, mùi thơm đặc trưng.

Thông báo gần đây của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp trường đại học Louisiana làm doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân Thái Lan lo ngại, loại gạo mới Jazzman có thể mang lại mối đe dọa cho ngành công nghiệp và xuất khẩu gạo Jasmine của Thái Lan vì người tiêu dùng sẽ khó phân biệt được hai loại gạo này. Mỹ đang là thị trường xuât khẩu gạo Jasmine chính của Thái với 400,000 tấn/năm.

Ông Alongkorn cho biết Chính phủ đã chỉ định Cục sở hữu trí tuệ phối hợp với Cục Nông nghiệp, Vụ Gạo và Văn phòng Thương mại tại Mỹ xác định việc sản xuất loại gạo Jazzman của Mỹ có được phát triển từ gạo Jasmine hay không. Chính phủ cũng sẽ hợp tác với Viện nghiên cứu gạo quốc tế tại Philippines để kiểm tra nguồn gốc của gạo Jazzman.

Ông cũng xác nhận sẽ đẩy nhanh việc điều tra về gạo Jazzman để làm dịu đi lo ngại của nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Bộ Thương mại lên kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu gạo Jasmine ra nước ngoài bằng cách cải tiến đóng gói và giá trị gia tăng của sản phẩm như kết hợp giữa hương trà xanh với gạo Jasmine để tăng thêm sự hấp dẫn cho khách hàng

Giá gạo thế giới tuần qua:

Thị trường

Giá 2/10

25/9

Thái Lan, 100% B  

535 USD/tấn

từ 530 USD/tấn

Việt Nam, 5% tấm

6.800 đồng/kg (380 USD/tấn)

6.600 – 6.700 đồng/kg

Việt Nam, thóc

4.000 đồng/kg

3.500 – 3.800 đồng/kg

Chicago, T11/09

 1310,5 USD/100 lb

 

                T12/09

 1336,0 USD/100 lb

 

                T1/10

 1361,5 USD/100 lb

 

                 T3/10

 1386,5 USD/100 lb

 

Nguồn: Vinanet