Tại Chicago (Mỹ), giá gạo kỳ hạn vừa lập kỷ lục cao của 9 tháng sau khi Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thông báo có thể sẽ tăng khối lượng gạo mua vào do bão gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippine, Arthur Yap, vừa thông báo nước ông có thể tăng khối lượng gạo sẽ mua vào ngày 30/10/2009 lên cao hơn mức 250.000 tấn.

Ngày hôm qua, 14/10, Chính phủ Philippine đã nâng đánh giá về mức độ thiệt hại do bão trong hai tuần qua. Điều này góp phần đẩy giá gạo tại Chicago tăng 6,5% trong tháng này.

Đồng Đôla Mỹ giảm giá cũng góp phần đẩy tăng nhu cầu gạo, và thời tiết ẩm ướt làm chậm lại vụ thu hoạch ở Mỹ - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới. Năm ngoái, giá gạo đã tăng lên mức kỷ lục cao của mọi thời đại sau khi Philippine tăng cường mua vào mà một số nước xuất khẩu lại hạn chế lượng xuất, gây ra lạm phát lương thực và bạo loạn ở một số quốc gia, trong đó có Haiti và Ai Cập.

Trên thị trường Chicago, hợp đồng kỳ hạn tháng 11 giá tăng 29 US cent hay 2,1% so với ngày hôm trước lên 14,29 USD/cwt (1 cwt = 100 lb) vào lúc 11h11 sáng ngày 14/10 tại Mỹ (đêm qua theo giờ Việt Nam), mức cao nhất kể từ ngày 13/1/2009. Tháng 4/2008, giá gạo tại Chicago đã lập kỷ lục cao 25,07 USD/cwt.

Kết thúc ngày giao dịch (vào lúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam), hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tại Chicago chốt ở mức giá 14,04 USD/cwt, tăng 14 US cent so với một ngày trước đó, trong khi hợp đồng giao tháng 1/2010 giá tăng 12 ½ US cent lên 14,28 USD/cwt.

Tại Mỹ, tính đến ngày 11/10, khoảng 69% vụ mùa lúa đã thu hoạch, thấp hơn mức trung bình 87% của giai đoạn 2004 – 2008, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp.

Trị giá đồng Đôla Mỹ đã giảm 11% trong 6 tháng qua so với rổ 6 loại tiền tệ, khiến hàng hoá Mỹ trở nên hấp dẫn hơn với những khách hàng mua bằng những loại tiền tệ khác.

Jim Rogers, chủ tịch công ty Rogers Holdings, nhận định “nếu chúng ta lại gặp những vấn đề như thời tiết, sản lượng…. giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới”.

Gạo là lương thực cơ bản của đa số người dân trên toàn thế giới.

Trên các thị trường Châu Á, giá gạo tuần qua biến động.

Gạo Việt Nam tăng giá cũng bởi nhu cầu mua mới từ Philippine, trong khi gạo Thái Lan giảm giá 2,8% do thiếu đơn đặt hàng.

Việt Nam có nhiều ưu thế trong cuộc đấu thầu mua 250.000 tấn gạo 25% tấm của Philippine sẽ diễn ra vào ngày 30/10/2009 bởi giá rẻ hơn so với gạo Thái Lan.

Điều này có thể sẽ giúp Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, tăng lượng xuất khẩu trong năm nay lên kỷ lục 6 triệu tấn. Lượng xuất khẩu cho tới nay đã vượt quá con số 5 triệu tấn của năm 2009.

Gạo 5% tấm của Việt nam tuần qua giá tăng 15 USD lên 360 USD/tấn, FOB Cảng Sài Gòn, so với mức 345 USD/tấn một tuần trước đây. Việc Philippine trở lại thị trường gạo vào 2 tháng cuối năm, trái với thông lệ, đang đẩy giá gạo Việt Nam tăng nhanh.

Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mọi người đều tin rằng giá gạo sẽ còn tăng hơn nữa do nhu cầu xuất khẩu mạnh, nhất là từ Philippine. Do vậy rất khó mua gạo vào lúc này vì nông dân muốn chờ giá tăng hơn nữa mới bán ra”.

Trên thị trường nội địa, giá thóc hiện đã lên tới 4.500 đồng (0,25 USD)/kg, so với 4.000 đồng một tuần trước đây.

Tại Thái Lan, thị trường gạo tiếp tục được hỗ trợ bởi kế hoạch thu mua thóc gạo của Chính phủ. Tuy vậy, thiếu đơn đặt hàng khiến giá giảm xuống 405 USD/tấn (loại 5% tấm), so với 420 USD/tấn tuần trước.

Tuy nhiên, nguồn cung tại Thái Lan lúc này không nhiều vì hầu hết nông dân giữ gạo lại để bán cho Chính phủ chứ không muốn bán cho các nhà xuất khẩu.

Các thương gia và các nhà phân tích cho rằng việc Philippine mua thêm gạo sẽ không có tác động nhiều tới thị trường Thái Lan, bởi lượng dự trữ của nước này còn rất lớn.

Gạo 100% B của Thái Lan dã giảm xuống 520 USD/tấn so với 535 USD/tấn một tuần trước đây. Các thương gia Thái lan cho biết nhu cầu gạo của họ đang rất thấp. Hiện chỉ có mộ số ít gạo trắng tấm và gạo thơm được bán cho khách hàng truyền thống ở Trung Đông.

Họ dự báo giá sẽ giảm hơn nữa trong những tuần tới, với vụ thu hoạch chính sắp tới và chương trình can thiệp kiểu cũ của Chính phủ sẽ hết hạn vào hôm nay, 15/10.

Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái lan, đang đưa ra kế hoạch can thiệp mới, sẽ bắt đầu từ vụ thu hoạch tới này, bắt đầu từ tháng 11, theo đó Chính phủ sẽ không buộc phải mua gạo trực tiếp từ nông dân như những lần can thiệp giá trước đây. Những chương trình can thiệp kế tiếp đã đẩy dự trữ tăng lên khoảng 6 triệu tấn (quy xay xát) hiện nay.

Theo kế hoạch mới, Chính phủ sẽ chỉ thanh toán tiền chênh lệch giá nếu nông dân bán cho người xay xát hoặc người xuất khẩu với giá thấp hơn mức tham khảo đặt ra là 10.000 Baht/tấn.

Nếu Chính phủ tung thêm gạo dự trữ ra thị trường, giá sẽ còn giảm hơn nữa. Vụ chính sẽ mang lại khoảng 23 triệu tấn lúa cho Thái lan.

Các thương gia Thái Lan cho biết: “Rất khó để dự báo giá gạo sẽ giảm bao nhiêu, nhưng chắc sẽ giảm mạnh bởi sắp có thêm hơn 20 triệu tấn gạo trên thị trường”.

Tại Philippine, theo Cục Thống kê Nông nghiệp, giá gạo trung bình đã tăng 4,2% từ cuối tháng 9 lên 35 Peso (75 US cent)/kg vào ngày 13/10/2009.

Đánh giá mức độ thiệt hại do bão, nhập khẩu gạo vào Philippine năm tới có thể đạt xấp xỉ như năm 2008 – khi nước này nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo.

Theo Bộ trưởng Yap, Philippine có đủ gạo dùng từ nay tới cuối năm. Tuy nhiên, vụ mùa này thiệt hại sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn cung vào đầu năm tới.

Ngày 14/10, Bộ Nông nghiệp Philippine đã điều chỉnh tăng đánh giá về mức độ thiệt hại đối với sản lượng gạo do hai cơn bão Parma và Ketsana từ 8,6% lên 13% trong 6,5 triệu tấn (sản lượng trong quý IV), tương đương 545.550 tấn gạo. Cơn bão Parma đang đổ bộ lên Việt Nam - nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới.

Báo The Nation của Thái Lan đưa tin Philippines chỉ giảm thuế nhập khẩu cho 50.000 tấn gạo từ Thái Lan trong năm tới, thay vì 400.000 tấn như yêu cầu của Chính phủ Thái, và điều này gây thất vọng cho các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan vì họ hy vọng Philippines sẽ giảm thuế nhập khẩu gạo theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), từ đó giúp các doanh nghiệp Thái Lan có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường Philippines.

Theo Hiệp định AFTA, các nước thành viên ASEAN sẽ áp dụng thuế suất nhập khẩu bằng 0% cho hàng hóa của các thành viên khác kể từ ngày 1-1-2010, riêng mặt hàng gạo thuế suất được ấn định là 5%. Tuy nhiên, Malaysia, Philippines và Indonesia không áp dụng quy định này.

Hiện nay Philippines đánh thuế nhập khẩu 40% đối với mặt hàng gạo. Mức thuế cao cộng với sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà xuất khẩu Việt Nam đã làm cho doanh nghiệp Thái Lan gặp nhiều khó khăn khi đưa gạo vào Philippines, một trong những nước nhập khẩu nhiều gạo nhất thế giới, mỗi năm nhập khoảng 2 triệu tấn gạo, chủ yếu từ Việt Nam.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai cho biết: “Thái Lan đã yêu cầu Chính phủ Philippines giúp giải quyết khó khăn này bằng cách áp dụng thuế suất 0% cho 400.000 tấn gạo nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng họ chỉ đồng ý ưu đãi thuế mỗi năm 50.000 tấn”.

Philippines coi gạo là mặt hàng có tính nhạy cảm cao nên chỉ đồng ý giảm thuế suất nhập khẩu từ 40% xuống 35% vào năm 2015; sắc thuế này tại Malaysia sẽ giảm xuống 20% trong năm tới và Indonesia giảm xuống 25% vào năm 2015.

Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, doanh nghiệp Thái muốn tham gia đấu giá bán gạo trên thị trường thế giới phải được sự chấp thuận của chính phủ.

Về việc tham gia cuộc đấu thầu mua gạo của Philippine, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, cho đến nay Chính phủ Thái vẫn chưa ủy quyền cho các doanh nghiệp và quan chức tham gia đấu thầu, khiến Hiệp hội chưa quyết định được có tham gia đấu thầu bán gạo cho Philippines hay không.

Ông Charoen Laothammatas còn cho rằng, Chính phủ Thái nên nới lỏng các quy định về xuất khẩu gạo để xả bớt lượng gạo tích trữ ra thị trường thế giới, giảm áp lực cho các kho chứa.  

Dự báo giá gạo thế giới sẽ tăng hơn nữa do nhu cầu mạnh từ Philippine. Nước Đông Nam Á này sẽ điều tiết sự phát triển của thị trường gạo toàn cầu. Theo Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine, nước này sẽ nghiên cứu lại kế hoạch gieo trồng của mình trước khi quyết định nhập khẩu thêm gạo. Nhập khẩu gạo vào Philippinie năm 2010 có thể đạt 2 triệu tấn.

Giá gạo thế giới tuần 1- 8/10/2009:

Loại/kỳ hạn

14/10

8/10

Thái lan, 100% B

520 USD/tấn

535 USD/tấn

               5% tấm

405 USD/tấn

420 USD/tấn

Việt Nam, 5% tấm

360 USD/tấn

350 USD/tấn

                Thóc

4.500 đồng (0,25 USD)/kg

4.000 đồng/kg

Chicago (Mỹ) (T1/10)

 14,04 USD/cwt

 1373,5 USD/cwt

                         T3/10

 14,28 USD/cwt

 1398,0 USD/cwt

Philippe

 35 Peso (75 US cent)/kg

 

Nguồn: Vinanet