Theo hãng phân tích Barclays, đầu tư vào thị trường hàng hóa năm 2009 lên 60 tỷ USD. Nguồn cung hàng hoá trở nên khan hiếm khi mà nhu cầu mạnh hơn dự kiến, trong khi các nhà sản xuất cầm chừng trong suốt thời gian trước đó do khủng hoảng kinh tế.
Giá hàng hóa năm 2009 tăng mạnh nhất trong 40 năm, nguyên nhân chính là bởi giá đồng, đường và chì tăng mạnh. Các nhà phân tích cho rằng, giá hàng hoá năm 2010 sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu cao khi kinh tế thế giới hồi phục và bước vào thời kỳ tăng trưởng.
Theo số liệu hãng tin tài chính Bloomberg cung cấp, trong 11 tháng đầu năm 2009, các loại trái phiếu có định mức tín nhiệm thấp trên thế giới đem đến cho giới đầu tư tỷ lệ lợi nhuận 58%, tiếp đó là thị trường hàng hóa với mức lợi nhuận 36%, vàng (34%), chứng khoán (29%), trái phiếu doanh nghiệp (23%), và trái phiếu chính phủ (8%).
Chỉ số Reuters/Jefferies CRB của 19 loại hàng hóa nguyên liệu thô tăng 24% lên 283,38, mức tăng mạnh nhất từ năm 1973; chỉ số S&P GSCI của 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô tăng 50%, mức cao nhất tính từ năm 1972; chỉ số MSCI của TTCK 23 nước phát triển tăng 27%, trái phiếu Bộ Tài chính hạ 3,5%.
Còn nhớ năm 1973, khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đưa ra lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đúng lúc lạm phát dâng cao tại các nước phương Tây, chỉ số giá hàng hoá đã tăng 48% chỉ trong một năm.
Giá nguyên liệu trên thị trường thế giới sau khi chạm đáy đã bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2009. Trong giai đoạn tháng 4 – 10/2009, chỉ số giá hàng hoá đã tăng trên 40%. Quý IV/2009, tốc độ tăng giá hàng hoá chậm lại bởi thị trường đã tương đối cân bằng, và Trung Quốc giảm tốc nhập khẩu.
Có ít nhất 5 yếu tố hỗ trợ giá hàng hoá tăng trong năm qua. Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh, bởi kế hoạch kích thích kinh tế tập trung vào đầu tư cho công cộng và việc tăng cường dự trữ hàng hoá. Những nguyên liệu dùng trong lĩnh vực xây dựng, năng lượng và kim loại nằm trong nhóm tăng giá đầu tiên và mạnh nhất. Yếu tố thứ 2 là sản lượng một số nguyên liệu giảm cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy giá tăng lên. Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa những công ty hoạt động không an toàn và không có sức cạnh tranh. Yếu tố thứ 3 hậu thuẫn giá tăng là việc điều chỉnh tăng những dự báo về sự hồi phục kinh tế và thị trường hàng hoá.
Thứ 4, chi phí sản xuất tăng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đã chuyển sang giá thành phẩm. Và cuối cùng là đồng USD giảm giá gây sức ép lên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Năm vừa qua, giá đồng đã tăng 140% nhờ nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc trong khi nguồn cung thắt chặt tại quốc gia sản xuất số 1 là Chilê. Từ mức 2.825 USD/tấn cuối năm 2008, đồng đã vọt lên mức giá 7.415 USD/tấn tại Sở giao dịch hàng hoá London (LME) vào ngày 31/12/2009. Trong thập kỷ qua, giá kim loại cơ bản đã tăng gấp 4 lần. Giá chì kết thúc năm qua ở mức 2.432/tấn tại thị trường London, gấp 4 lần so với năm 1999.
Kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ các loại hàng hóa như đồng hay quặng sắt nhiều nhất thế giới có thể tăng trưởng 8,5% trong năm 2009. Trung Quốc nhập khẩu lượng hàng hóa nguyên liệu kỷ lục trong năm 2009, nhu cầu này bù lại cho việc Mỹ và châu Âu giảm nhập khẩu.
Năm 2009 là năm thứ 9 liên tiếp vàng tăng giá, với mức tăng trong năm là 24,8%, lập kỷ lục cao của mọi thời đại là 1.226,10 USD/ounce vào đầu tháng 12. Đồng USD giảm giá khiến nhu cầu đối với kim loại quý này tăng. Năm 2009, giá trị đồng USD so với đồng tiền chung châu Âu (EUR) đã giảm tới 4%.
Việc Ấn Độ chuyển từ nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới sang thiếu cung trầm trọng trong năm qua và thời tiết xấu ở Brazil đã khiến giá đường leo lên mức cao kỷ lục lịch sử trong năm qua, 710,40 USD/tấn tại London vào cuối năm (đường trắng). Đường thô cũng đã lập kỷ lục cao của 29 năm.
Những mặt hàng khác cũng có mức tăng rất ấn tượng là dầu mỏ (tăng 80%). Chỉ trong hai tuần cuối năm, giá dầu thô giao tháng 2.2010 tại New York đã tăng tới 14%. Tuy nhiên, để trở lại kỷ lục gần 150 USD/thùng của hồi giữa năm 2008, thì mức tăng gần 80% này vẫn là chưa đủ. Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC, cung cấp tới 40% tổng nguồn cung dầu thế giới, giảm sản lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới đi xuống.
Giá ca cao cũng ghi nhận năm tăng giá thứ 4 liên tiếp.
Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng khác (chủ yếu là hàng nông sản) phải trải qua một năm không mấy suôn sẻ. Giá lúa mì giảm 11% trong năm 2009, trong khi đó, giá ngô tăng không đáng kể, chỉ 1,5%. Giá đậu nành tăng 6,5% chủ yếu nhờ vào nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, và khu vực châu Mỹ La-tinh mất mùa ngô.
Trong ngắn hạn, theo chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực hàng hóa của IMF - Thomas Helbling, hoạt động kinh tế toàn cầu trong năm 2010 sẽ mở rộng, tạo áp lực lên giá hàng hóa. IMF cho biết giá cả hàng hóa sẽ ở mức cao trong thời gian dài Một báo cáo của tổ chức này cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu, nhiều ngành sản xuất hàng hóa phải tăng năng suất, một số lĩnh vực cần khai thác nguồn tài nguyên giá trị cao hơn”.
Triển vọng thị trường hàng hoá năm 2010 rất khả quan nhờ triển vọng kinh tế thế giới hồi phục, dù mức tăng sẽ khó có thể đạt như năm 2009. Khả năng xu hướng tăng giá sẽ còn kéo dài do công nghiệp hóa tại các nước mới nổi làm tăng tiêu thụ.
Dự báo giá hàng hoá năm 2010 sẽ tiếp tục xu hướng tăng vừa phải, song mạnh hơn chút ít so với quý IV/2009, nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế phát triển, dù chậm chạp. Chỉ số giá trung bình HWWI tính theo USD sẽ tăng 20% vào năm 2010, trong đó giá năng lượng sẽ tăng 25% và nhóm nguyên liệu phi năng lượng sẽ tăng 12%.
Ole Hansen, quản lý cấp cao của Saxo Bank phát biểu với phóng viên Reuters rằng, ông rất lạc quan khi nhận định về thị trường hàng hóa thế giới đầu năm 2010. “Tốc độ các dòng tiền đầu tư đổ vào thị trường hàng hóa sẽ tiếp tục được duy trì như trong năm 2009 và thậm chí sẽ tăng hơn nữa”.
Năm nay, thời điểm và mức độ tăng giá hàng hoá sẽ không có sự thống nhất. JP Morgan - có ảnh hưởng mạnh nhất trong số các ngân hàng đầu tư Phố Uôn dự báo giá dầu mỏ sẽ tăng nhẹ vào quý I năm nay, trong khi giá kim loại công nghiệp sẽ tăng mạnh hơn cũng vào đầu năm 2010, còn giá vàng thì sẽ lập kỷ lục cao mới. Động cơ chính sẽ vẫn là sự hồi phục kinh tế toàn cầu trong năm 2010 và 2011.
Chiến lược gia về kim loại của JP Morgan, ông Michael Jansen nói nhận định trong số các kim loại quý, giá vàng sẽ tăng lên mức kỷ lục cao trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, giá palladium sẽ tăng muộn hơn, vào năm 2011 do dự trữ khan trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ từ ngành ô tô tăng mạnh.
JP Morgan dự báo giá vàng sẽ đạt 1.400 USD/ounce trong quý 2 năm nay, sau đó giảm còn 1.200 USD vào quý 4. Morgan Stanley cũng dự đoán giá vàng sẽ đạt 1.200 USD/ounce trong năm 2010 nhưng sẽ giảm kể từ năm 2013 khi đồng USD mạnh lên nhờ lãi suất tăng cao. Còn Bank of America cho rằng, giá vàng sẽ đạt trung bình 1.100 USD/ounce trong năm 2010, thậm chí sẽ vượt 1.500 USD nếu giá dầu thô chọc thủng mức 100 USD/thùng.
Đối với các kim loại công nghiệp, JP Morgan dự báo giá sẽ tương đối cao trong nửa đầu năm 2010, sau đó giảm chút ít trước khi tăng trở lại trong cả năm 2011.
Ông Michael Jansen nói: “Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của đồng Đôla Mỹ, theo đó dự báo đồng USD sẽ tăng giá vào nửa cuối năm 2010 trong tình trạng khan hiếm tiền mặt và nguồn cung kim loại sẽ tăng nhẹ”. Đó là cơ sở để JP Morgan dự báo giá kim loại sẽ giảm xuống vào nửa cuối năm 2010.
JP Morgan dự đoán nhu cầu tăng mạnh sẽ giúp giá đồng lên tới 8.000 USD/tấn trong quý 2/2010 trước khi giảm về 6.250 USD vào cuối năm. Giá đồng trung bình năm tới khoảng 7.100 USD/tấn.
Dự kiến, trong khoảng đầu năm 2010, nhu cầu nhập khẩu tại khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ tăng mạnh sẽ khiến giá đường còn tiếp tục tăng cao. Giá ngô năm nay sẽ tăng do nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng và dự trữ giảm. Giá ngô sẽ đạt 4,40 USD/bushel trong quý 2 và 4,10 USD/bushel trong quý 4.
Về thị trường năng lượng, JP Morgan tin rằng giá dầu sẽ không tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, nếu dự trữ các sản phẩm chưng cất ở Mỹ không giảm mạnh. Dự trữ các sản phẩm chưng cất ở Mỹ, bao gồm dầu diesel và dầu đốt, đã tăng lên bởi nhu cầu ngành công nghiệp yếu và thời tiết ấm áp bất thường tại Mỹ - nước tiêu thụ năng lượng số 1 thế giới. Thực tế là Mỹ đã có dư thừa các sản phẩm chưng cất, và điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường trong 3 hoặc 4 tháng tới.
Tuy nhiên, những yếu tố tác động tới giá cả hàng hóa cơ bản sẽ không giống với năm 2009. Việc các chính phủ rút lại các chương trình kích thích kinh tế sẽ có tác động ít nhiều tới thị trường hàng hoá. Lawrence Eagles, giám đốc chiến lược hàng hoá của JPM phân tích rằng: Việc rút lại các khoản tiền đó sẽ hết sức quan trọng tới toàn bộ các hệ thống tài chính và thị trường hàng hoá”, mà “Điều đó có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2010, hoặc vào đầu năm 2011”.
Trong năm vừa qua, ảnh hưởng của hậu khủng hoảng tài chính 2008, cùng với các gói kích thích kinh tế của chính phủ các nước đã khiến cho các nhà đầu tư tìm tới các loại hàng hóa cơ bản như một nơi trú ẩn an toàn cho nguồn vốn của mình. Đặc biệt, đồng USD liên tục ở mức thấp so với các đồng ngoại tệ khác đã khiến cho giá cả các mặt hàng định giá bằng USD đi lên.
Mark Pervan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của ngân hàng ANZ (Úc), cho biết: “Năm 2009 thực sự là một năm sinh lợi nhuận, khi các nhà đầu tư đẩy mạnh mua hàng hóa khi thị trường xuống giá, nhằm thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, năm 2010 sẽ là năm có những điều chỉnh ở tầm vĩ mô hơn, những điều chỉnh cơ bản hơn đối với thị trường hàng hóa. Sẽ không còn nhiều sự tác động của đồng USD tới giá cả hàng hóa. Giá hàng hóa trên thị trường quốc tế sẽ chủ yếu biến đổi trên quy luật cung - cầu”.
Nhưng nhìn chung, giới phân tích vẫn dự đoán thị trường hàng hóa thế giới sẽ có một khởi đầu suôn sẻ trong năm 2010. Peng Qiang, một nhà phân tích thuộc COFCO Future, cho rằng xu hướng đi lên của thị trường sẽ còn tiếp tục, bất chấp sự lớn mạnh của đồng USD.
Dự báo giá cả leo thang trong năm 2010 gây lo lắng cho các ngân hàng trung ương do lo ngại lạm phát tăng cao. Trong khi đó, nhà hoạch định chính sách của các nước nhập khẩu quan ngại về sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà kinh doanh hoài nghi về việc giá cả leo thang, đặc biệt là giá dầu, do nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ và châu Âu suy yếu. IMF cho rằng giá dầu sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2010 do dự trữ cao hơn mức trung bình.
Giá hàng hoá thế giới năm 2009:
Hàng hoá
|
Giá 31/12/09
|
Giá 31/12/08
|
+/- (%)
|
CRB
|
283,380
|
229,540
|
23,5
|
Chỉ số đồng USD
|
77,90
|
81,15
|
-4,0
|
Dầu thô (New York) (USD/thùng)
|
79,56
|
44,60
|
78,4
|
Dầu Brent (London) (USD/thùng)
|
78,00
|
45,59
|
71,1
|
Vàng (USD/ounce)
|
1096,20
|
884,30
|
24,0
|
Vàng (London) (USD/ounce)
|
1095,65
|
878,20
|
24,8
|
Đồng (New York) (Uscent/lb)
|
334,65
|
139,50
|
139,9
|
Ngô (Chicago) (USD/bushel)
|
4,1450
|
4,07
|
1,8
|
Đậu tương (Chicago) (USD/bushel)
|
10,3975
|
9,7225
|
6,9
|
Lúa mì (Chicago) (USD/bushel)
|
5,4150
|
6,1075
|
-11,3
|
Cà phê (New York) (Uscent/lb)
|
135,95
|
112,05
|
21,3
|
Cà phê (London) (USD/tấn)
|
1.301
|
|
- 16
|
Đường (New York) (Uscent/lb)
|
26,95
|
11,81
|
128,2
|
Hạt tiêu đen Ấn Độ (USD/tấn)
|
3.175
|
|
|
Gạo Thái Lan (USD/tấn)
|
615
|
550
|
11,8
|
Gạo Việt Nam (USD/tấn)
|
520
|
380
|
25,45
|
Chè Bănglađét (USD/kg)
|
2,24
|
1,70
|
31,7
|
Chè Kenya, PF1s (USD/kg)
|
3,86
|
1,82
|
112
|
Chè Kenya, BP1s (USD/kg)
|
5,45
|
2,74
|
100
|
Cao su Tokyo (Yen/kg)
|
289,4
|
148,9
|
94,3
|
Cao su STR20 Thái Lan (USD/kg)
|
3,00
|
1,55
|
93,5
|
Cao su SMR20 Malaysia (USD/kg)
|
2,97
|
1,50
|
98
|
Cao su SIR20 Indonesia (USD/kg)
|
1,34
|
0,66
|
103
|
DRAM (USD/bộ)
|
1,62
|
1,24
|
30,6
|
NAND flash (USD/bộ)
|
3,25
|
3,29
|
-1,2
|
Vi xử lý (Microprocessor) (USD/bộ)
|
63,46
|
67,23
|
-5,6
|
Vi điều khiển (Microcontroller) (USD/bộ)
|
1,01
|
1,17
|
-13,67
|