Các nhà phân tích nhận định, việc giá hàng hoá giảm trong thời gian qua chỉ là tạm thời, và cung hàng hoá sẽ thấp hơn nhiều so với cầu trong 10 – 20 năm tới, đẩy giá nguyên liệu tăng mạnh hơn nữa.
Kinh tế khởi sắc, hàng hoá dần thay thế chứng khoán trong danh mục đầu tư, bởi triển vọng hàng hoá sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà đầu tư trong năm tới.
Chỉ số CRB Index tăng 6,5% riêng trong tháng 10, mức tăng mạnh nhất kể từ sau khi tăng 14% vào tháng 5/2009. Dầu thô tăng giá 13% trong tháng 10, lập kỷ lục cao trên 80 USD/thùng. Lúa mì tăng giá 10% và đậu tương tăng 5,9% trong tháng 10.
Trong 10 tháng đầu năm, chỉ số CRB Index đã tăng 20%. Ngày 14/10/2009 đánh dấu thời điểm giá hàng hoá đạt đỉnh cao của 11 tháng do đồng Đôla Mỹ giảm giá đẩy nhu cầu năng lượng, kim loại và nông sản tăng mạnh. Trong bối cảnh lạm phát, giới đầu tư đang đổ xô đi mua hàng. Chỉ số giá 19 loại nguyên liệu - CRB Reuters/Jefferies – đã tăng lên 270,25 vào ngày 14/10, mức cao nhất kể từ ngày 5/11/2008, khi đồng USD giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt.
Vàng lập kỷ lục cao 1.072 USD/ounce vào ngày 14/10 và tăng 19% kể từ đầu năm tới thời điểm đó do đồng USD mất giá và mối lo lạm phát có thể sẽ nóng lên. Vàng đang tiến tới năm thứ 9 liên tục tăng giá – dài nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái. Dầu mỏ cũng xác lập mức giá cao nhất trong một năm đúng vào thời điểm đó.
Kinh tế thế giới khởi sắc khiến các nhà đầu tư rời bỏ dần đồng Đôla Mỹ để tìm tới các điểm đầu tư khác hấp dẫn hơn, trong đó có thị trường hàng hoá. Chỉ số đồng Đôla – Dollar Index – so với rổ 6 đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ, đã giảm trong 4 tháng liền (tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2009) - thời kỳ giảm giá dài nhất kể từ năm 2007. Từ đầu năm tới giữa tháng 10, USD đã mất 6,6% giá trị. Mà khi đồng tiền này mất giá, nhà đầu tư thường tìm tới hàng hoá.
Chỉ số Đôla Mỹ - so với 6 đồng tiền của các đối tác thương mại chính, trong đó có đồng Euro - giảm trong 4 tháng liên tiếp, thời gian giảm dài nhất kể từ năm 2007, cũng góp phần kích thích thị trường hàng hoá tăng giá. Đồng và chì dẫn đầu với mức tăng gấp hơn 2 lần trong năm nay nhờ các khoản tiền kích thích của các chính phủ, nhất là Trung Quốc, đẩy nhu cầu tăng (Trung Quốc là nước nhập khẩu đồng lớn nhất thế giới). Trong cùng kỳ, giá đường đã tăng 92% sau khi thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng ở Ấn Độ - nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới. Giá cao su cũng đã tăng gấp hơn 2 lần trong 10 tháng đầu năm nay.
Việc kinh tế Mỹ trở lại tăng trưởng kể từ quý III sau một năm suy thoái (tăng 3,5% trong những tháng 7 – 9/2009) khiến người ta tin rằng cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ 7 thập kỷ nay đã thực sự lùi vào quá khứ. Số liệu thống kê mà Chính phủ Mỹ vừa công bố cho thấy bán lẻ ở nước này trong tháng 9 không giảm nhiều như dự đoán. Điều đó cho thấy người tiêu dùng đang tin trưởng trở lại vào triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng 8,9% trong quý III năm nay, mức tăng mạnh nhất trong vòng một năm. Tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản cũng vừa qua lần đầu tiên tăng trưởng trong vòng hơn một năm. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang là những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi kinh tế càng phát triển thì cung sẽ càng giảm, và hàng hoá cũng là nơi tốt nhất để đầu tư, thậm chí hơn cả cổ phiếu. Nguyên nhân vì cung hàng hoá giảm sút, thậm chí có những mặt hàng nguồn cung cạn kiệt, điều không bao giờ có ở cổ phiếu. Trữ lượng dầu mỏ có thể sẽ không còn nữa sau vài chục năm nữa.
Dự báo giá hàng hoá sẽ tăng trở lại vào năm 2010 khi kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái. Những hàng hoá được đặc biệt hy vọng tăng giá là đồng, nickel, vàng và quặng sắt.
Trong tương lai, hàng hoá sẽ còn tiếp tục tăng giá. Vàng, dầu và nông sản là những sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Với nông sản, nhu cầu lương thực và thực phẩm, trong đó có ngũ cốc và vàng, đang tăng lên ở những quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc nên giá sẽ biến động rất mạnh mỗi khi có biến cố. Giá bông cũng có nhiều khả năng tăng vì nông dân giảm diện tích trồng bông bởi những cây cho nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học, như ngô chẳng hạn, hấp dẫn hơn.