Lúa gạo

            Tại Đồng Nai giá lúa giảm 400 đ còn 5.300 đ/kg; Cần Thơ, giá lúa gạo giảm 350 đồng, xuống quanh mức 5.490-7.380 đ/kg, tùy loại.

Theo báo cáo của USDA ngày 28/11/2012, sản lượng lúa gạo ước tính của Việt Nam năm 2011/2012 tăng 0,33 triệu tấn lên mức 43,32 triệu tấn, dự báo sản lượng lúa gạo năm 2012/2013 tăng 0,976 triệu tấn lên mức 44,336 triệu tấn, lượng gạo dự trữ năm 2012-13 tăng 5000 tấn lên 1,866 so với dự báo trước đó.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria, Akinwunmi Adesina cho biết sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD để thúc đẩy chế biến gạo và sắn ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Nông dân trồng cây ăn trái chủ lực ở ĐBSCL phấn khởi vì sức mua tăng, giá tăng

Hiện nay rất nhiều nhà vườn ở ĐBSCL nói chung và tại tỉnh Tiền Giang nói riêng hết sức phấn khởi nhờ các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc... đều tăng giá mạnh.

Sầu riêng Mong Thong chất lượng tốt thương lái thu mua tại vườn lên đến 28.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước khoảng 5.000 đồng/kg; chôm chôm nhãn lên đến 26.000 - 28.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc cũng đạt mức giá kỷ lục 60.000 - 70.000 đồng/kg. Với giá này, vườn chuyên canh các giống cây ăn trái đặc sản cho bà con nguồn thu nhập 200 - 250 triệu đồng/ha.

Sở dĩ giá các loại cây ăn trái đặc sản tăng giá mạnh trong nửa đầu tháng 12-2012, bởi thời điểm này tại ĐBSCL đã cơ bản thu hoạch xong trái cây chính vụ và đang bắt đầu vào vụ nghịch. Do vậy, nguồn cung ít nhưng nhu cầu lớn, thị trường hút hàng. Hơn nữa, sắp đến mùa Noel và tại Tiền Giang đang diễn ra Hội chợ triển lãm rau quả và thương mại ĐBSCL (từ 5-12 đến 9-12) trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC 2012).

Chỉ trong 2 ngày đầu sau khi khai mạc, hội chợ đã thu hút trên 20.000 lượt khách. Các loại trái cây chủ lực của ĐBSCL đều tiêu thụ mạnh và tăng giá. Với gần 70.000ha vườn cây ăn trái, Tiền Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về trồng cây ăn trái hiện nay.

Hóa chất, phân bón

Tại Đồng Nai, giá các loại phân bón đồng loạt giảm khá mạnh: ure giảm 200 đ còn 9.800 đ/kg, SA giảm 200-400 đồng còn 6.000 d/dkg, kali giảm 30 0dd còn 11.200 đ/kg, DAP giảm 500-600 đồng còn 13.000 đ/kg, các loại NPK giảm 400-750 đồng/kg.

Vụ đông xuân đã cận kề, nhiều tỉnh miền Trung đang tập trung cung cấp giống lúa, phân bón cho nông dân. Theo đó, thị trường phân bón nhập lậu, phân bón giả cũng đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ buôn lậu phân bón nông nghiệp với số lượng lớn.

Số liệu thống kê cho biết, vụ đông xuân 2012-2013, nhu cầu sử dụng phân bón hóa học trên toàn quốc ước khoảng 550 nghìn tấn. Tuy nhiên, hiện nay do nạn phân bón giả, phân bón nhập lậu hoành hành nên theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam lượng phân bón tồn kho ước trên 800.000 tấn. Vì vậy mà thời gian gần đây giá phân NPK, lân, kali... giảm khoảng 10 - 15% so với hồi đầu vụ hè thu 2012.

Với thực tế đó, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường đấu tranh với vấn nạn phân bón giả, phân bón nhập lậu thì không những thị trường phân bón nội địa lao đao mà phần thiệt hại luôn ở về phía người nông dân. Quan trọng hơn nữa là chiến lược an ninh lương thực quốc gia sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Nghêu giảm giá, nông dân vẫn lãi lớn

Năm nay, phần lớn lượng nghêu (ngao) thu hoạch ở vùng ben biển tỉnh Tiền Giang chỉ được tiêu thụ nội địa nên giá nghêu thương phẩm đã giảm mạnh xuống còn 27.000-28.000 đồng/kg so với mức 35.000 đồng vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, người nuôi nghêu vẫn có lãi, bởi nghêu nuôi không bị chết bất thường như hai năm trước, và với mức giá hiện nay, lợi nhuận từ nghề nuôi nghêu vẫn rất cao.

Nhiều nông dân cho biết, nghêu năm nay dù không bị chết hàng loạt vào tháng 2-3 âm lịch như 2 năm trước và cũng không bị chết do bùn lấp, nhưng nghêu rất chậm lớn và ốm so với mọi năm nên phần lớn diện tích nghêu thả giống năm ngoái đến nay chỉ thu hoạch theo kiểu thu tỉa thả bù, sản lượng không cao. Chính vì vậy, các thương lái mua nghêu với số lượng lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu không tới thu mua do lo ngại gia tăng chi phí.

Tuy nhiên, thời gian tới nhiều bãi nghêu tới cỡ thu hoạch với sản lượng nghêu lớn nên nhiều thương lái thu mua nghêu sẽ đổ xô về đây thu gom, giá nghêu có thể tăng cao hơn.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, diện tích thả nuôi nghêu của tỉnh năm 2012 là 1.179,9 héc ta, giảm 44% so với năm 2009 (năm nghêu không chết bất thường), tập trung chủ yếu ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Hiện nay giá nghêu thương phẩm loại 50-55 con/kg được thương lái thu mua tại bãi với giá 27.000-28.000 đồng/kg nếu thương lái chịu tiền công cào nghêu; còn nếu chủ sân nghêu chịu tiền công cào thì thương lái thu mua với 28.000-29.000 đồng/kg.

 

Nguồn: Vinanet