Giá cà phê trong nước phục hồi 200 nghìn đồng/tấn; Giá gas sẽ tăng; Giá lúa tăng cao; ..

Giá cà phê trong nước phục hồi 200 nghìn đồng/tấn

Sáng nay, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giao dịch tại 42-42,2 triệu đồng/tấn, tăng 200 nghìn đồng/tấn so với phiên cuối tuần trước.

Giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (HCM) không đổi so với chốt phiên cuối tuần trước ở 2.030 USD/tấn.

Hôm qua, giá cà phê robusta sàn Liffe (London) đồng loạt tăng nhẹ. Hợp đồng cà phê giao tháng 11 tăng 10 USD, tương đương 0,5%, lên 2.059 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 1 tăng 8 USD lên 2.069 USD/tấn.

Tại Việt Nam, giá cà phê tại Tây Nguyên được điều chỉnh tăng nhẹ theo giá sàn London. Thương nhân cho biết giao dịch vẫn tiếp tục trầm lắng trong những ngày gần đây do hết vụ. Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch mới vào tháng 10 tới. Một số thương nhân đã trả giá cho cà phê vụ mới, với mức giá trừ lùi 30 USD so với giá sàn London. 

Giá gas sẽ tăng  

Theo các hãng gas trong nước, gas thế giới hiện đang được chào bán với giá 1.000 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn so với mức giá công bố hồi đầu tháng 9-2012.

Nếu mức giá này giữ cho đến cuối tháng, các doanh nghiệp gas trong nước sẽ điều chỉnh giá bán lẻ tăng tương ứng khoảng 15.000 đồng/bình 12 kg (đầu tháng 9, giá gas bán lẻ trong nước đã tăng 51.000 đồng, lên 418.000 đồng/bình 12 kg).

Cũng theo các công ty gas, Nhà máy Dinh Cố đã có thông tin về việc đấu thầu nguồn cung cấp gas với mức tăng hơn 20 USD/tấn chi phí premium (phí vận chuyển, lợi nhuận tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm). Mức phí này tăng cộng với giá gas thế giới tăng sẽ đẩy giá gas bán lẻ tăng ít nhất20.000 đồng/bình 12 kg.

Bạc Liêu: Giá lúa tăng cao nhưng nông dân không còn lúa để bán

Khác với diễn biến những vụ trước, năm nay khi càng về cuối vụ, sản lượng lúa giảm dần thì giá lúa ở Bạc Liêu liên tục tăng mạnh nhưng nông dân đã bán hết lúa khi giá còn thấp.

Hiện tại, giá lúa trên thị trường dao động từ 4.500 - 5.000 đồng/kg đối với lúa tươi, 5.500 - 5.700 đồng/kg đối với lúa khô, tăng khoảng 500 đồng/kg so với đầu vụ. Nhiều nông dân cho biết, vụ hè thu năm nay thời gian thu hoạch vào thời điểm mưa nhiều, làm cho hàng ngàn héc-ta lúa đang thu hoạch bị đổ, ngã, ngập úng. Vì vậy, chi phí thu hoạch tăng, nông dân lại thiếu sân phơi, lò sấy…nên thu hoạch đến đâu người dân bán hết lúa tươi đến đó, mặc dù giá thấp nhiều so với lúa khô. Theo tính toán của nhà nông, tổng chi phí sản xuất vụ hè thu năm nay vượt trên 20 triệu đồng/ha, trong khi năng suất chỉ đạt từ 5 - 5,7 tấn/ha . Do vậy, giá thành sản xuất mỗi kg lúa tăng trên 3.800 đồng khiến lợi nhuận bình quân chỉ đạt khoảng 7,4 triệu đồng/ha. Đấy là tính toán khi thu hoạch tương đối thuận lợi, còn nếu bị ảnh hưởng thiên tai thì giá sẽ tăng lên rất nhiều lần và nông dân sẽ không có lãi. Riêng vụ hè thu năm nay, do giá chi phí đầu tư tăng mạnh, gặp thời tiết bất thời trong thời điểm thu hoạch, làm giảm thu nhập trung bình từ 7-9 triệu đồng/ha so với vụ trước.

Hiện tại, nhiều diện tích lúa thu đông gieo cấy sớm so với lịch thời vụ, trong đó không ít diện tích sản xuất vượt rào, dẫn đến nhiều trà lúa thiếu nước, nguy cơ phát sinh sâu bệnh, gặp bất lợi thiên tai vào cuối vụ là rất lớn. Mặc tình trạng này đã tái diễn nhiều năm qua nhưng ngành chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Bạc Liêu chưa có biện pháp giải quyết. Vì vậy, nông dân sản xuất chạy theo trào lưu giá thị trường là điều khó tránh khỏi./.

Gia Lai: Giá cao su xuống thấp

Thời gian gần đây, giá cao su nguyên liệu xuống thấp nhưng chưa gây tác động xấu đến các doanh nghiệp kinh doanh cao su, đó là nhận định của ông Phan Sỹ Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHHMTV Cao su Chư Prông (Gia Lai).

Theo ông Bình, nếu lấy giá bán bình quân mủ cao su sơ chế các năm 2007 là 33,2 triệu đồng/ tấn, năm 2008 là 37 triệu đồng/tấn, năm 2009 là 34,5 triệu đồng/tấn, năm 2010 là 63,1 triệu đồng/tấn và năm 2011 là 92,2 triệu đồng/tấn, riêng năm nay, bình quân giá bán của 7 tháng là 67,7 triệu đồng/tấn và dự kiến từ nay đến cuối năm, giá bán bình quân là 50 triệu đồng/tấn thì bình quân cả năm, giá vẫn đạt 60 triệu đồng/tấn, tương đương mức giá của năm 2010-một mức giá khá tốt. Nhìn vào mức giá này và so với các năm thì giá mủ cao su hiện nay chưa thực sự đáng lo ngại.

Ông Bình cho biết thêm, không nên lấy giá ở thời điểm đỉnh cao để so sánh với hiện tại, bởi thị trường luôn có sự điều tiết, biến động theo cung-cầu của từng thời điểm. Với giá cả như hiện nay, tuy thu nhập của người trồng cao su có giảm đi phần nào, nhưng đời sống vẫn ổn định bởi nhiều yếu tố: họ đã có tích lũy từ những năm trước, có nguồn thu nhập khác và mức thu nhập từ trồng, chế biến cao su vẫn chấp nhận được.


Thời gian gần đây do ảnh hưởng bởi tình hình suy thoái kinh tế nên thị trường cao su nguyên liệu trong nước và thế giới bị ảnh hưởng và biến động mạnh. Nếu như những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, giá cao su nguyên liệu khá cao dao động ở mức trên dưới 90 triệu đồng/tấn thì hiện tại chỉ còn khoảng 50 triệu đồng/tấn, giảm gần một nửa. Mặc dù với mức giá này chưa thật sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trồng và chế biến mủ cao su nguyên liệu, song cũng cần thấy rằng sức tiêu thụ cao su ở các thị trường lớn như Mỹ, Bra-xin, Trung Quốc đang có chiều hướng giảm. Điển hình như Công ty TNHHMTV Cao su Chư Prông, mặc dù đã ký hợp đồng bán hàng dài hạn với một công ty của Mỹ nhưng do khó khăn trong tiêu thụ tại thị trường Mỹ nên phía đối tác cũng đã xin giảm số lượng mua trong 2 tháng 9 và 10, mỗi tháng 40 tấn mủ cao su. Còn đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, các sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam nói chung và mủ cao su nói riêng hiện nay muốn xuất sang Trung Quốc đều phải qua đường chính ngạch bởi Trung Quốc đã siết chặt mậu biên. Và mức thuế áp cho các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm mủ cao su từ Việt Nam sang với mức thuế là 20% gây ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam .

Thực tế đang diễn ra là tín hiệu không vui đối với ngành công nghiệp cao su Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng và nguy cơ tồn đọng một lượng lớn các sản phẩm mủ cao su đang hiện hữu./.

Nguồn: Vinanet