Lúa gạo

Tại An Giang, giá lúa IR50404, lúa hạt dài giảm 200 đồng, xuống 4.800 – 4.900 đ/kg. Gạo thành phẩm xuất khẩu 20% tấm giảm 45 đồng, còn 8.215 đ/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu 15% tấm giảm 43 đồng, xuống 8.215 đ/kg; gạo nguyên liệu loại 2 giảm 56 đồng, xuống 7.464 đồng/kg.

Tại Trà Vinh, giá lúa tươi IR50404 giảm 50 xuống 4.750 – 5.050 đ/kg.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết đã thiết lập mức giá tối thiểu mới cho gạo xuất khẩu nhằm tránh tình trạng giá giảm mạnh khi mùa thu hoạch bắt đầu.
Cụ thể, theo các tiêu chí của VFA, gạo 5% tấm sẽ được bán thấp nhất với giá 460 USD/tấn (FOB), gạo 25% tấm sẽ bán với giá tối thiểu 435 USD/tấn. Mức giá sàn này sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 10/10.
Ở thời điểm hiện tại, giá gạo Việt Nam 5% tấm được bán với giá 440 USD/tấn, thấp hơn 5% so với giá sàn của VFA; gạo 25% tấm hiện bán với giá 410 USD/tấn, thấp hơn 3% so với giá sàn.
Mức giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 456 USD/tấn, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. VFA đã quy định mức giá sàn xuất khẩu gạo từ tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn bán dưới giá sàn để kích cầu.
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong cả năm 2012 dự kiến đạt 7 triệu tấn.

Chủng loại

Giá (USD/Tấn)

Gạo 5% tấm

460

Gạo 10% tấm

455

Gạo 15% tấm

445

Gạo 25% tấm

435

Thủy sản

Tại An giang, giá cá rô phi cỡ 0,9-1,2 kg, giảm 500 đồng xuống mức 24.000 đ/kg. Giá cá tra (mua tại ao) thịt trắng cỡ 1-1,5 kg/con giữ ở mức giá 19.000 – 19.500 đ/kg, cá tra (mua tại ao) thịt vàng cỡ 1-1,5 kg/con giá 18.000 – 18.500 đ/kg.

Tuy nhiên, tại Trà Vinh giá cá tra thịt trắng cỡ 0,8-0,9 kg/con tăng 500 – 1.000 đ lên mức 20.000 – 21.000 đ/kg; Tôm sú cỡ 20 con/kg ở mức giá 205.000 đ/kg.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ chỉ tăng trưởng trong tháng 2 và tháng 3. Trong 6 tháng còn lại, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ liên tục giảm sâu.

Giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 292,3 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm sú tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này, hiện chiếm tỷ trọng 56%.

Diễn biến trên thị trường Mỹ cho thấy giá tôm có chiều hướng giảm liên tục từ đầu năm đến nay, cụ thể giá tôm sú giảm 19%. Trong khi đó, giá tôm sú của Việt Nam lại có xu thế tăng trên thị trường này trong 8 tháng qua. So sánh với giá tôm của các nước cung cấp khác như Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ, giá tôm Việt Nam thường cao hơn từ 10 - 18%.

Nếu tôm Việt Nam tiếp tục được bán với giá cao hơn giá tôm Indonesia hay Ấn Độ, chắc chắn trong thời gian tới, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ còn giảm và giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay khó có thể đạt tới con số 2,4 tỷ USD như năm 2011.
Tuy nhiên, việc hạ giá bán trong bối cảnh hiện nay là quá khó đối với nhiều nhà chế biến tôm Việt Nam bởi các chi phí đầu vào đều tăng, giá thành sản xuất vẫn ở mức cao do ảnh hưởng của dịch bệnh và của một số chính sách quản lý chưa phù hợp…

Cà phê: giá giảm 500 nghìn đồng/tấn

Sáng 12/10, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giao dịch tại 41 – 41,2 triệu đồng/tấn, giảm 500 nghìn đồng/tấn so với phiên 11/10.

Như vậy, kể từ khi bắt đầu vụ thu hoạch mới đến nay, giá cà phê trong nước giảm gần 2 triệu đồng/lượng.

Giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (TPHCM) giảm thêm 5 USD so với phiên 11/10, xuống còn 1.975 USD/tấn, trừ lùi 100 USD so với giá giao tháng 11 tại sàn London.

Volcafe dự báo, sản lượng thu hoạch của Việt Nam năm nay sẽ giảm 1 triệu bao xuống 26 triệu bao (tương đương1,56 triệu tấn). Trong khi đó, khảo sát của Bloomberg với các thương nhân và nhà phân tích lại cho rằng sản lượng sẽ giảm 9,4% xuống chỉ còn 1,45 triệu tấn.

Cao su

Giá cao su SVR3L tại cửa khẩu Móng Cái Đông Hưng được chào quanh mức 18.800 – 19.000 NDT/tấn ngày 11/10 ổn định so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, thị trường biên giới vẫn tiếp tục bị đóng cửa.

Ban Xuất nhập khẩu VRG vừa thực hiện khảo sát thực tế, nghiên cứu và đề xuất giá sàn tiêu thụ cho các loại cao su rớt hạng, ngoại lệ và các loại mủ tận thu trong quá trình chế biến sản phẩm để thực hiện thống nhất trong toàn VRG. Cụ thể, trong 2 năm, 10 công ty cao su thuộc khu vực miền Đông đã tiêu thụ 7.020,23 tấn (năm 2010) và 6.492,67 tấn (năm 2011) cao su rớt hạng, ngoại lệ và các loại mủ tận thu. Các công ty cao su khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung không tiêu thụ các loại mủ này.

Với kết quả khảo sát này, Ban Xuất nhập khẩu VRG đã đề xuất dự kiến về giá sàn cho các loại cao su rớt hạng, ngoại lệ và các loại mủ tận thu như sau: Các loại cao su SVR CV, 3L, 5, 10, 20 rớt hạng chỉ tiêu chất lượng xuất khẩu thực hiện theo mục 2, điều I về giá sàn bán cao su thiên nhiên của các văn bản ban hành giá. Loại cao su SVR ngoại lệ, nguyên liệu là mủ đất, mủ dây lẫn cước và mủ SVR tận thu (sau kiểm phẩm) giá sàn để bán là 80% giá sàn loại SVR 3L chính phẩm theo thời điểm ban hành giá. Các loại mủ tận thu từ mương, cống, bể gạn… đã qua chế biến, giá sàn là 90% giá sàn loại skim block chính phẩm theo thời điểm ban hành giá.

 

 

Nguồn: Vinanet