Giá ngô giảm mạnh; hồng xiêm cuối vụ tăng giá; trái cây mùa nóng dễ tiêu thụ; giá dừa và chuối tăng;…

Giá ngô giảm mạnh
Trong khi lượng ngô (bắp) nhập khẩu những tháng đầu năm tăng đột biến thì trong nước, nông dân nhiều nơi đang khóc ròng vì ngô vào chính vụ nhưng giá giảm mạnh.

Trong khi lượng ngô nhập khẩu cho sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản ngày một tăng thì trong nước, bà con trồng ngô lại khóc ròng vì giá ngày càng giảm, thương lái chậm mua. 2 tháng nay, giá thu mua ngô tại địa phương liên tục sụt giảm. Hồi đầu tháng Giêng, nông dân thu hoạch vụ ngô sớm bán được với giá từ 5.500 – 5.700 đồng/kg, hiện chỉ còn từ 5.000 – 5.100 đồng/kg. Giá đã liên tục giảm mà thương lái mua rất chậm.

Theo  GS - TS Bùi Chí Bửu – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho biết, năng suất ngô các tỉnh phía Nam hiện đang rất cao, đạt từ 7 – 10 tấn/ha. Hiện tại, cả nước đã có khoảng 1 triệu ha bắp, nếu năng suất tăng thêm được 1 tấn/ha thì sẽ không phải nhập khẩu bắp. Ngoài ra, khi năng suất tăng, chi phí giá thành cũng sẽ giảm, đẩy mạnh tính cạnh tranh của bắp nội địa.

Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng phải có định hướng đầu ra cho nông dân, hiện nay nông dân trồng nhiều mà DN thì vẫn ào ào nhập khẩu cho sản xuất chế biến.

Hồng xiêm cuối vụ tăng giá mạnh

Nhà vườn trồng sapôchê (hồng xiêm) ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì sapôchê cuối vụ giá đang tăng mạnh và khan hiếm hàng.

Hiện nay, sapôchê loại 1 được các thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 16.000-18.000 đồng/kg; loại 2 giá từ 12.000-13.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi héc-ta sapôchê đem lại lợi nhuận cho nông dân trên 200 triệu đồng/năm.

Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang) - nơi trồng chuyên canh sapôchê lớn nhất của tỉnh Tiền Giang cho biết, sau thời gian rớt giá thảm hại, nhà vườn phải đốn bỏ chuyển sang cây trồng khác, nhưng khoảng ba năm trở lại đây, nhà vườn trồng sapôchê áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất, nên năng suất đạt bình quân đạt từ 35-40 tấn/ha. Hiện nông dân ở các xã Kim Sơn, Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang), trồng phổ biến các giống sapôchê Mặc Bắc, Mêhicô... cho năng suất cao, chất lượng trái ngon.

Trái cây mùa nóng dễ tiêu thụ

Nhiều ngày qua, thời tiết ở ĐBSCL trở lại hanh khô, nắng nóng khiến thị trường tiêu thụ một số loại củ, quả có tính giải khát, thanh nhiệt như dừa tươi, củ sắn, dưa gang, cam sành…hút hàng, tăng giá.

Tại Cần Thơ, nông dân trồng dưa gang - một loại quả phổ biến ở Nam bộ trồng nhiều nhất vào mùa hè, quả to gần bằng quả dưa hấu, vỏ vàng xanh xen kẽ, ăn mát, có tính giải nhiệt, bán lẻ 12.000-15.000 đ/kg, tăng 2.000-3.000 đ/kg so với 2 tuần trước. Trái thanh trà có vị chua, ngọt đang vào mùa nhiều, bán lẻ dọc theo chân cầu Cần Thơ phía bờ Bắc, thị xã Bình Minh giá 25.000 đ/kg.

Các nhà vườn ở Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) chở cam sành về chợ TP Cần Thơ bán 30.000-35.000 đ/kg, tăng gần 10.000 đ/kg.

Hơn một tháng trước dân trồng củ sắn kém vui vì giá rớt còn 1.000-2.000 đ/kg, đến nay tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - thương lái Lương Văn Út, ở cù lao Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) thu mua của nông dân 3.200 đ/kg, bán sỉ qua tay bạn hàng tại chợ nổi 4.500 đ/kg.

Giá dừa tăng trở lại

Hút hàng bậc nhất trong dịp này là dừa tươi. Nông dân chở dừa tươi ra chợ giá tăng lên gấp đôi so với cách đây 2 tháng. Tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết: Vào thời điểm này năm ngoái, giá dừa tươi thương lái vào tận vườn thu mua khoảng 40.000-45.000 đ/chục (12 trái). Nhưng từ khi bước sang tháng nắng nóng, giá dừa tươi tăng dần lên 90.000 đến 100.000 đ/chục. Hiện nay bạn hàng đến vườn mua các loại dừa ngon 110.000-130.000 đ/chục.

Giá chuối tăng

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, các thị trường Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và nhiều nước Đông Âu bất ngờ gia tăng nhập khẩu chuối của Việt Nam.

Hiện giá chuối được thương lái mua tại vườn xấp xỉ 6.000 đồng/kg, tăng 20% so với cuối năm 2013. Hiện tại, Trung Quốc luôn sẵn sàng thu mua hơn 20-30 tấn/ngày, Nhật Bản cần khoảng 15-20 tấn/ngày song nước ta chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, chuối Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ về chất lượng so với nhu cầu nước ngoài. Ngoài ra, do sự bấp bênh về giá khiến nhiều nông dân đang nhổ cây chuối thay thế bằng những cây trồng khác lợi nhuận hơn nên dẫn tới thiếu hụt nguyên liệu thô.

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet