Giá cà phê tăng Tây Nguyên tăng 400 nghìn đồng/tấn; Giá hạt tiêu tăng; giá vừng ở Đồng Tháp tăng cao;..
Giá cà phê Tây Nguyên lên 41,5 triệu đồng/tấn
Sáng nay, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt tăng thêm 400 nghìn đồng/tấn lên 40,3-41,5 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê robusta giao tại cảng TPHCM giá FOB tăng 20 USD lên 2.071 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước phiên này tăng khá trở lại theo đà tăng của thị trường cà phê thế giới, khi tất cả các sàn giao dịch trên thế giới hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ lễ.

Giá hạt tiêu tăng

Hiện nay, giá hạt tiêu đen ở Tây Nguyên đã tăng lên từ 136.000 đến trên 140.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng đến 19.000 đồng/kg so với đầu vụ, nên đồng bào các dân tộc ở khu vực này đã đua nhau mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Theo các hộ trồng tiêu, với giá tiêu đen như hiện nay và năng suất bình quân 3 tấn/ha, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các hộ nông dân thu lãi từ 400 triệu đồng trở lên/ha. Đây là loại cây công nghiệp dài ngày cho thu nhập cao nhất hiện nay. Ở các vùng trọng điểm tiêu ở tỉnh Gia Lai như Chư Sê và Chư Pưh, có hàng trăm hộ gia đình thu nhập từ trồng tiêu hàng tỷ đồng/năm.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cây tiêu trên 33.704 ha, với sản lượng đạt trên 67.000 tấn tiêu hạt trở lên. Diện tích tiêu này tập trung ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Theo quy hoạch đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk mới có 6.000 ha tiêu. Thế nhưng, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có diện tích tiêu trên 11.080 ha, trong đó có 5.500 ha tiêu đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch.

Giá vừng ở Đồng Tháp tăng cao

Hiện nay, nông dân trồng vừng tỉnh Đồng tháp đang bước vào thu hoạch vụ xuân hè, tuy năng suất có giảm so với vụ trước, nhưng do giá bán cao, nông dân thu lợi hơn 35 triệu đồng/ha.
Tại các xã Mỹ Quý, Láng Biển, Thạnh Lợi của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), năng suất vừng đạt từ 1-1,1 tấn/ha. Nông dân trồng vừng ở vùng này cho biết, do nắng nóng kéo dài nên năng suất giảm hơn vụ xuân hè năm trước, nhưng bù lại giá vừng cao hơn từ 10.000 - 12.000 đồng/kg nên nông dân vẫn có lợi nhuận cao. Cụ thể giá vừng hiện tại được thương lái mua từ 45.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí đầu tư nông dân còn lãi hơn 35 triệu đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, vụ xuân hè năm nay, một số huyện, thị có diện tích đất sản xuất ven sông Tiền, sông Hậu kém hiệu quả đã chuyển sang trồng hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày thích hợp, trong đó cây vừng được nông dân chọn trồng nhiều nhất ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung. Chỉ riêng huyện Cao Lãnh đã trồng hơn 1.900 ha vừng, đang trong giai đoạn thu hoạch, tuy năng suất có giảm do thời tiết nhưng với giá cao hiện nay mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Giá nhiều loại hàng hoá ở Cao Bằng tăng

Kể từ đầu tháng 4 đến nay, khi lực lượng chức năng siết chặt các phương tiện chở hàng quá tải, giá cước vận tải tăng cao đã khiến giá của nhiều mặt hàng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tăng.

Nhóm hàng có mức tăng cao nhất kể đến là vật liệu xây dựng. Trước đây, cước vận tải 1 tấn xi măng từ Thái Nguyên đi Cao Bằng chỉ có 200.000 đồng, nay tăng lên 350.000 đồng; cước 1 tấn thép xây dựng tăng từ 250.000 đồng lên 450.000 đồng/tấn. Đối với mặt hàng gạo xuất khẩu, vận chuyển từ cảng Hải Phòng đi Cao Bằng, mức tăng 150%, từ 500.000 đồng/tấn lên 1.250.000 đồng/tấn. Các mặt hàng tiêu dùng cũng có mức tăng giá từ 7 - 10%.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng: trước tình hình giá cả tăng như hiện nay, ngành công thương đang chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu để ổn định giá cả, nhất là đối với các mặt hàng bình ổn giá. Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào có hành vi lợi dụng quy định phương tiện vận tải quá tải để tăng giá trục lợi, ngành sẽ xử phạt theo quy định.

Sóc Trăng: Thu nhập cao từ nuôi bò sữa

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi bò sữa tại Sóc Trăng phát triển mạnh và cho hiệu quả khá cao, đặc biệt là ở vùng đồng bào Khmer, nhiều hộ đã thoát nghèo chỉ với một con bò, nhưng mỗi ngày cho từ 10-15 lít sữa, với mức giá khoảng 12.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100.000 đồng. Cũng do thu nhập cao từ bò sữa, nhiều hộ còn mở rộng tăng đàn từ vài con lên cả chục con nên đời sống được cải thiện trở nên khá giả.

Tuy nhiên, một thách thức với người nuôi bò sữa là làm thế nào để đủ nguồn cỏ cho bò ăn với khối lượng rất lớn mỗi ngày từ 30-40 kg cỏ/con. Với hộ nuôi cỡ chục con bò thì để tìm đủ thức ăn cho chúng mỗi ngày là việc rất khó nếu không tự trồng cỏ. Để đủ nguồn thức ăn cho bò sữa, nhiều hộ dân ở Sóc Trăng đã và đang mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là các loại cỏ giàu dinh dưỡng và có năng suất cao để làm thức ăn cho bò. Tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề, nhiều hộ đã chuyển hẳn diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cỏ nuôi bò.

Với lợi thế trên, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai Đề án chăn nuôi bò sữa với mục tiêu chuyển từ hình thức chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ sang nông hộ, phấn đấu đến năm 2020 bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 đến 6 con bò sữa trở lên; tăng đàn bò sữa từ 4.700 con hiện nay lên khoảng 18.000 con vào năm 2020. Đặc biệt, việc giải quyết được bài toán thức ăn cho bò cũng là giải pháp pháp để thực hiện Đề án chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng thành công theo hướng bền vững.

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet