Giá thực phẩm tươi sống giảm nhẹ, rau xanh tăng; Trà Vinh mua tạm trữ 13.000 tấn gạo vụ đông xuân; ..

Hà Nội: Giá thực phẩm tươi sống giảm nhẹ, rau xanh tăng

Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, do tác động của nhiều yếu tố khách quan nên giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân hiện cơ bản ổn định; đặc biệt giá thực phẩm tươi sống giảm nhẹ. Riêng mặt hàng rau xanh lại tăng.

Sức mua thịt lợn, thịt bò tại các chợ giảm nhẹ khiến giá các mặt hàng này giảm so với tháng trước. Thịt lợn nạc thăn 95.000 đ/kg giảm 5.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 88.000 đ/kg giảm 2.000 đồng/kg, thịt mông sấn 88.000 đ/kg giảm 2.000 đồng/kg, thịt bò thăn 278.000 đ/kg giảm 3.000 đ/kg, thịt bò mông 270.000 đ/kg giảm 2.000 đồng/kg... Giá thủy sản cũng có mức giảm tương tự: Cá trắm 60.000 đ/kg giảm 3.000 đ/kg, cá chép 60.000 đ/kg, cá quả 85.000 đ/kg.

Ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm khiến nguồn cung thịt gà giảm, giá thịt gà bán buôn tại chợ Long Biên tăng so với tháng trước khoảng 10%. Tại các chợ bán lẻ, thịt gà ta làm sẵn nguyên con 105.000 đ/kg tăng 10.000 đ/kg, thịt gà công nghiệp nguyên con 45.000 đ/kg tăng 5.000 đ/kg.

Thời tiết nồm, ẩm, mưa nhiều trong gần một tháng qua khiến sâu hại phát triển mạnh, nguồn cung rau xanh giảm đáng kể. Giá một số loại rau, củ, quả tiếp tục tăng lên so với tháng trước. Giá các loại rau xanh tại các chợ bán lẻ có mức: Bắp cải 6.000 – 10.000 đ/kg tăng 1.000 đ/kg, su hào 4.500 đ/củ tăng 500 đ/củ, khoai tây 9.000 đ/kg, cà chua 8.000 đ/kg.

Dự báo trong thời gian tới, dịch cúm dần thu hẹp, giá thịt gia cầm sẽ tăng nhẹ. Nguồn cung thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản dồi dào nên giá cả các mặt hàng này sẽ ổn định. Riêng nhóm hàng rau củ do tình hình thời tiết hiện nay vẫn còn nồm ẩm và mưa rét nên sâu bệnh phát triển mạnh, sản lượng rau xanh giảm, giá rau xanh dự báo sẽ tăng nhẹ. Sở Công thương Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng thiết yếu của nhân dân để có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra mất cân đối cung cầu.

Trà Vinh mua tạm trữ 13.000 tấn gạo vụ đông xuân

Công ty Lương thực tỉnh Trà Vinh cho biết, sau khi có chủ trương mua lúa gạo tạm trữ của Chính phủ, Công ty được Tổng Công ty Lương thực miền Nam giao chỉ tiêu mua 13.000 tấn gạo trong vụ đông xuân 2013-2014.

Theo đó, Công ty Lương thực Trà Vinh đã phân bổ cho Xí nghiệp chế biến lương thực huyện Cầu Kè mua 8.000 tấn gạo, Xí nghiệp chế biến lương thực huyện Càng Long mua 5.000 tấn gạo. Qua 7 ngày triển khai mua, đến nay 2 xí nghiệp này đã mua được gần 2.000 tấn gạo, bình quân mỗi ngày 2 xí nghiệp này mua được trên 400 tấn. Với tiến độ này, Trà Vinh sẽ hoàn thành chỉ tiêu mua lúa, gạo tạm trữ trước ngày 30/4, là thời hạn Tổng Công ty lương thực miền Nam đề ra.

Ông Phan Văn Hiệp, Giám đốc Xí nghiệp chế biến lương thực huyện Cầu Kè cho biết, hiện Xí nghiệp mua lúa với giá từ 4.600 đồng đến 4.900 đồng/kg (tùy chất lượng từng loại lúa); gạo lức hạt tròn (giống lúa IR 50404) 6.800 đồng/kg, riêng gạo hạt dài có giá 7.400 đồng/kg, tăng 150 đồng đến 200 đồng/kg so với 1 tuần trước đó khi chưa triển khai mua lúa, gạo tạm trữ.

Vụ lúa đông xuân 2013 - 2014, toàn tỉnh Trà Vinh gieo trồng được hơn 66.000 ha, vượt hơn 14% kế hoạch. Đến nay đã thu hoạch được khoảng 35.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần và Châu Thành; năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha. Tuy vậy, với giá cả như hiện nay, nông dân Trà Vinh khó thu được lãi 30% trong vụ lúa đông xuân 2013-2014 do chi phí sản xuất tăng từ 10 đến 20% so với vụ đông xuân trước.

An Giang sẽ thu mua tạm trữ 223.650 tấn lúa quy gạo

Bà Nguyễn Thị Minh Kiều, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ 146.000 tấn lúa quy gạo cho 16 doanh nghiệp trong tỉnh là thành viên VFA, và 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký thu mua trên địa bàn An Giang với số lượng 77.650 tấn lúa quy gạo. Như vậy, tỉnh An Giang sẽ thu mua tạm trữ 223.650 tấn lúa quy gạo. Thời gian mua tạm trữ từ ngày 15/3 đến hết ngày 30/4/2014.

Về giá thu mua, các đơn vị sẽ thực hiện thu mua theo giá thời điểm, nhằm ổn định thị trường tiêu thụ, đảm bảo có lợi cho nông dân trồng lúa vụ Đông Xuân 2013 - 2014 trên địa bàn và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp có nhu cầy vay vốn để thu mua tạm trữ, với mức lãi suất và thời gian quy định của Chính phủ.

Sau khi được VFA phân giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tổ chức 59 điểm thu mua tại 10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang. Tất cả các điểm thu mua tạm trữ đã tiến hành công tác thu mua, đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2013 - 2014 của bà con nông dân tỉnh An Giang.

 
Long An tồn đọng lượng lớn lúa hàng hóa

Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân tỉnh Long An thu hoạch được hơn 120.000 trong tổng số hơn 235.000 ha lúa đã xuống giống, với năng suất từ 6 - 9 tấn/ha (riêng các huyện vùng lũ vùng Đồng Tháp Mười đạt 7 - 9 tấn/ha,) sản lượng ước đạt gần 2 triệu tấn.
Tuy nhiên tình hình tiêu thụ hiện nay rất chậm, nên lượng lúa hàng hóa còn tồn đọng nhiều. Bên cạnh đó, giá lúa đang ở mức từ 4.200 - 5.800 đồng/kg giảm từ 100-200 đồng/kg so với đầu tháng 3/2014.

Theo báo cáo phòng Nông nghiệp huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, đến nay bà con trong huyện đã thu hoạch 2/3 diện tích, năng suất đạt từ 7,5 - 9 tấn/ha, có nơi 10 tấn/ha. Đây là năm đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nếu so với từ đầu vụ đến nay giá lúa đã giảm từ 200 - 400 đồng/kg. Hơn nữa lúa hàng hóa hiện nay còn tồn đọng 30 - 40% nên nhiều hộ đang chuẩn bị thu hoạch rất lo ngại.

Bác Lê Thành Bưa, ở xã Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng), cho biết: lúa hàng hóa trong dân hiện nay còn tồn đọng nhiều. Hàng nghìn hộ thu hoạch xong từ 15 - 20 ngày vẫn không bán được phải thuê phượng tiện vận chuyển lên các khu dân cư để bảo quản trong mùa mưa gió chờ thương lái mua.

Hiện nay tỉnh Long An giao 16 doanh nghiệp và Công ty lương thực triển khai thu mua 99.000 tấn gạo tạm trữ (tương đương 198.000 tấn lúa) để bình ổn giá và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sản lượng lúa hàng hóa vụ Đông Xuân năm nay tỉnh Long An có từ 600.000 - 700.000 tấn.

Các nhà máy xay chế biến lương thực trong tỉnh và các hộ kinh doanh lương thực hiện nay lại có dấu hiệu mua nhỏ vọt, vì giá lúa ở thị trường bấp bênh không ổn định.
Hơn nữa các nhà máy và các hộ kinh doanh nếu vay vốn bên ngoài mua lúa dự trữ để 1-2 tháng đem ra bán sợ thua lỗ. Vì vậy, các ngành chức năng, ngân hàng có biện pháp hỗ trợ cho các nhà máy xay xát chế biến lương thực, các hộ kinh doanh vay vốn tập trung thu mua lúa trong dân, nhằm giúp dân tiêu thụ hết sản phẩm.

T.Nga

Nguồn: Vinanet tổng hợp

 

Nguồn: Vinanet