VINANET

Giá sắn giảm mạnh

H.Buôn Đôn là một trong những địa bàn phát triển sắn vượt quy hoạch của Đắk Lắk, với diện tích trồng hơn 1.700 ha, so với kế hoạch 600 ha. Những năm trước, vào mùa thu hoạch, các nhà máy sắn đến mua củ tươi tận rẫy nhưng năm nay lượng sắn quá lớn, việc tiêu thụ chậm nên người dân phải sơ chế, phơi khô mới bán được. Năm ngoái giá sắn khô 5.000 đồng/kg, gấp hai lần vụ trước. Năm nay giá tụt xuống chỉ còn hơn 2.000 đồng.

Một số thương lái cho biết, không rõ lý do gì hiện nay phía Trung Quốc chậm nhập khẩu mặt hàng này nên thị trường tiêu thụ chật vật, giá đầu mối xuất khẩu giảm buộc giá mua sắn nguyên liệu cũng phải giảm theo.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, niên vụ 2011-2012, tỉnh có diện tích sắn khoảng 35.000 ha, tăng hơn 30% so với niên vụ trước, sản lượng sắn tươi ước đạt gần 1 triệu tấn. Phần lớn khối lượng sản phẩm này phụ thuộc thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu do các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn chỉ tiêu thụ hơn 200.000 tấn.

 

Giá gạo giảm

 

Tại Đồng Tháp giá gạo nguyên liệu giảm khá mạnh 350đ còn 6.650-6.950 đ/kg, các loại thành phẩm xuất khẩu nhìn chung giảm 100-200đ; 5% còn 8.300 đ/kg; 10% còn 8.000đ/kg; 15% còn 7.900đ/kg; 20% còn 7.500đ/kg; 25% còn 7.300đ/kg; giá tấm cũng giảm 100-200đ/kg trong khi cám giảm mạnh 600đ còn 4.000 đ/kg.

 

Tiền Giang: nông dân thu lợi cao nhờ trồng hồng xiêm

Nhà vườn trồng sabô (hồng xiêm) ở tỉnh Tiền Giang hiện rất phấn khởi vì giá sabô đạt mức kỷ lục trong hai năm trở lại đây: sabô loại 1 được thương lái mua tại vườn với giá 18.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước và tăng gấp mười lần so với năm 2010.

Với mức giá này, bình quân mỗi hecta sabô đem lại lợi nhuận cho nông dân trên 300 triệu đồng/năm. Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết vừa qua, sabô Mặc Bắc – Kim Sơn, huyện Châu Thành đã được cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học và công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá độc quyền. Năm nay, huyện Châu Thành có kế hoạch phát triển 400ha sabô, nâng tổng diện tích trồng sabô ở huyện lên đến 2.000ha và từng bước thực hiện quy trình sản xuất sabô Mặc Bắc theo chuẩn VietGAP.

Trà Vinh: đậu phộng thất mùa

Giá mua đậu phộng tươi (nguyên vỏ) ở tỉnh Trà Vinh hiện nay khoảng 7.500 – 8.000 đồng/kg tuỳ mẫu mã, bằng 2/3 mức giá đã ổn định trong thời gian dài trước đó.

Vào thời điểm này như mọi năm, giá đậu phộng cao, thương lái nhiều nơi đổ về tranh mua, ngược lại năm nay, giá đậu phộng thấp, rất khó kiếm người mua. Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh hiện có 4.000ha đất giồng cát được nông dân chọn trồng cây đậu phộng, bình quân năng suất đạt 10 tấn/ha, tuy nhiên, năm nay năng suất đậu phộng giảm 30% do tác động của thời tiết và sâu bệnh.

 

Các biện pháp điều hành giá từ nay đến hết năm 2012

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2012 tổ chức cuối tuần qua, Bộ Tài chính đề nghị công tác quản lý, bình ổn giá từ nay đến cuối năm cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá; những hàng hóa dịch vụ được Nhà nước sử dụng ngân sách để đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, hàng hóa dịch vụ công ích.

Đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế như hàng nông lâm, thủy sản, hàng tư liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, hàng công nghiệp tiêu dùng..., thực hiện cơ chế doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu thị trường. Nhà nước áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp để tác động vào sự hình thành và vận động của giá hàng hóa dịch vụ và mặt bằng giá để thực hiện mục tiêu bình ổn giá.

Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước còn định giá hoặc kiểm soát giá sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Gía điện sẽ điều chỉnh tăng ở mức kiềm chế theo hướng tạm thời phân bổ một phần các chi phí còn "treo lại" chưa tính đủ vào cơ cấu giá điện trước đây như chênh lệch tỷ giá, lỗ lũy kế năm 2010 do mua điện giá cao, giá than bán cho sản xuất điện.... Bên cạnh đó, cũng điều chỉnh tăng giá bán than cho các đối tượng tiêu thụ than tối đa bằng khoảng 90% giá than xuất khẩu cùng loại. Gía xăng dầu tiếp tục điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước được điều hành căn cứ Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng có lộ trình thích hợp để tiến tới tính đủ, tính đủ các chi phí phục vụ bệnh nhân gắn liền với chất lượng dịch vụ. Đồng thời có chính sách trợ giúp đối với những người thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, hưu trí, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng có đặc biệt hoàn cảnh khó khăn.

Đối với giá một số loại dịch vụ công khác như văn hóa, giáo dục, hạ tầng, môi trường, chất thải, nhà ở xã hội... điều hành theo hướng dần tính đúng, tính đủ chi phí trong giá phù hợp với chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng dịch vụ công thực hiện hạch toán kinh tế, tự chủ trong kinh doanh. Song song với việc đẩy mạnh cơ chế đấu thầu, đấu giá cung ứng dịch vụ công nhằm thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với loại dịch vụ công chi từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện theo giá do Nhà nước xác định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng trong công tác điều hành giá từ nay đến hết năm cũng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ khác theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ như các giải pháp về phát triển sản xuất, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kiểm soát thị trường.

Nguồn: Vinanet