Cá diêu hồng tăng giá; tôm thẻ nguyên liệu rớt giá; nông dân Bắc Kạn phấn khởi với mùa mơ được giá; Trà Vinh nuôi cua biển cho thu nhập cao; giá đường tăng.

Cá diêu hồng tăng giá

Giá cá điêu hồng thương phẩm nuôi lồng bè ở Tiền Giang bất ngờ tăng mạnh trở lại và khan hiếm hàng, khiến người nuôi phấn khởi do thu được lãi cao. Đây là tín hiệu vui cho nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè ở Tiền Giang, sau thời gian dài người nuôi phải chịu cảnh thua lỗ dẫn đến "treo" bè.
Hiện cá diêu hồng thương phẩm thu mua tại bè giá 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá trên, người nuôi cá điêu hồng lồng bè có thể thu lãi khoảng 3.000 đồng/kg.

Theo các chủ bè, giá cá điêu hồng tăng trở lại là do sản lượng cá cung cấp cho thị trường ở thời điểm này khan hiếm do nhiều bè cá trước đó thua lỗ đã "treo" bè. Hiện, nhiều thương lái “lùng sục” mua cá điêu hồng loại lớn cung cấp cho thị trường, nhưng khan hiếm. Các bè cá ở vùng nuôi này phải gần một tháng nữa mới đến thời kỳ thu hoạch. Dự báo, giá cá điêu hồng còn tăng trong những ngày tới, do “cung không đủ cầu".

Giá đường tăng

Trong tháng 4, giá bán buôn đường kính trắng đã tăng ở cả 3 miền. Cụ thể, giá bán buôn đường tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên tăng 400 đồng/kg; thành phố Hồ Chí Minh tăng 300 đồng/kg và miền Bắc tăng 200 – 300 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá đường trong nước tăng, theo Hiệp hội mía đường là do cước vận chuyển, đồng thời việc chống buôn lậu hiệu quả nên đường lậu vào ít hơn. Với tình hình đường tồn kho đường đang ở mức rất cao vào cuối vụ nhưng mùa hè đang đến, nhu cầu đường tăng lên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo giá đường có khả năng được cải thiện trong tháng 5.

Nông dân Bắc Kạn phấn khởi với mùa mơ được giá

Thời điểm này tại Bắc Kạn, mơ bắt đầu chín, nông dân đang tập trung thu hái và xuất bán cho tư thương. Theo nhiều người trồng mơ cho biết, năm nay tuy sản lượng sụt giảm và chất lượng quả không được như mọi năm nhưng bù lại giá bán quả mơ cao gấp 2-3 lần so với năm ngoái.

Nếu như năm trước, các vườn trồng mơ quả sai trĩu cành, quả mơ to, tròn đều thì cũng chỉ bán được 2-3 nghìn đồng/kg. Nhưng năm nay mới vào đầu vụ, mơ không phân loại đã bán được 5 nghìn đồng/kg và hiện nay giá đã tăng lên 6 nghìn đồng/kg, quả chọn đồng đều, to đẹp hơn được bán với giá 7-8 nghìn đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với giá mơ năm ngoái.

Tôm thẻ nguyên liệu rớt giá

Giá tôm thẻ nguyên liệu (dùng chế biến tôm xuất khẩu) giảm liên tục trong thời gian gần đây khiến nhiều người nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long vội vàng thu hoạch tôm đang nuôi để tránh mất giá.

Tôm thẻ các cỡ hiện chỉ khoảng 109.000 – 165.000 đồng/kí lô gam (tương ứng các cỡ 80 – 40 con/kí lô gam), giảm gần 10.000 đồng/kí lô gam so với tuần trước và giảm hơn 50.000 đồng/kí lô gam so hồi cuối tháng 2.

Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liệu gần như ổn định ở mức giá 215.000 – 285.000 đồng/kí lô gam (cỡ 40 – 20 con/kí lô gam)

Nguyên nhân giá tôm thẻ nguyên liệu sụt giảm được cho là nhiều người nuôi thu hoạch vội để tránh lỗ, vì lo ngại giá tôm tiếp tục giảm. Đồng thời mưa liên tục sau chuỗi ngày nắng làm môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, người nuôi tôm lo thu hoạch để tránh nguy cơ.

Trà Vinh nuôi cua biển cho thu nhập cao

Theo Chi cục nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, nghề nuôi cua biển ở Trà Vinh đem lại cho nông dân các huyện ven biển: Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu thành và Trà Cú nguồn thu nhập khá cao và ổn định. 3 năm qua, mỗi năm, bình quân nông dân Trà Vinh thả nuôi cua biển từ 11.000 - 13.000 ha, năng suất đạt từ 0,8 - 1,2 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 1.400 tấn/năm. Nông dân nuôi cua biển thu lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha, sau khi đã trừ chi phí.

Cua thịt nuôi từ 5 - 6 tháng đạt trọng lượng 3- 4 con/kg. Giá cả và thị trường tiêu thụ cua thương phẩm khá ổn định. Hiện, giá cua gạch được thu mua từ 190.000 - 220.000 đồng/kg (3- 4 con/kg), cua thịt loại 1 (2 - 3 con/kg) từ 150.000 - 170.000 đồng/kg; cua cái không gạch loại 1 giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg (4 - 5 con/kg).

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet