Giá cà phê các thị trường giảm mạnh tuần qua

Chốt tuần qua, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giao dịch tại 40,6 – 40,8 triệu đồng/tấn, giảm 900 nghìn đồng/tấn so với cuối tuần trước.

Tuần qua cũng là tuần thứ hai Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê 2012-2013. Thương nhân ước tính sang tháng 11 mới có cà phê vụ mới tung ra thị trường.

Volcafe dự báo, sản lượng thu hoạch của Việt Nam năm nay sẽ giảm 1 triệu bao xuống 26 triệu bao (tương đương1,56 triệu tấn). Trong khi đó, khảo sát của Bloomberg với các thương nhân và nhà phân tích lại cho rằng sản lượng sẽ giảm 9,4% xuống chỉ còn 1,45 triệu tấn do thời tiết khô hạn.

Giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (TPHCM) giảm 45 USD so với cuối tuần trước, chốt tuần tại 2.000 USD/tấn, trừ lùi 50 USD so với giá giao tháng 11 tại sàn London. Trong tuần, giá cà phê xuất khẩu giảm chỉ còn 1.975 USD/tấn, mức trừ lùi có khi lên đến 120 USD.

Cá tra liên tục rớt giá trong khi giá thức ăn nuôi cá tăng

Cá tra liên tục rớt giá trong nhiều tháng qua, trong khi giá thức ăn tăng 500 – 1.000 đồng/kg, thuốc thú y tăng 10 – 15%

Giá cá tra liên tiếp giảm trong nhiều tháng nay, song doanh nghiệp cũng không có tiền mua cá nguyên liệu khiến nông dân phải ngừng nuôi. Đó là thực trạng của ngành cá tra tại một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long.

Giá cá tra liên tục rớt trong nhiều tháng qua và hiện chỉ còn 18.000 – 19.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn tăng 500 – 1.000 đồng/kg, thuốc thú y tăng 10 – 15% … đã đẩy giá thành sản xuất lên 24.000 – 25.000 đồng cá tra đã khiến người nuôi lỗ trầm trọng.

Lý giải về nguyên nhân giá cá tra giảm mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Thị trường xuất khẩu vào châu Âu giảm trên 20% trong khi đó thị trường mới chưa được khai thác. Ngoài ra, do bị áp lực phải trả nợ ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp phải bán hạ giá để xoay vòng vốn nên dẫn đến giá thu mua cũng giảm”.

Một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng, thị trường xuất khẩu giảm một phần là do giá giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 9 giá xuất khẩu khoảng 2,8 USD/kg thì nay chỉ còn 2,2 USD/kg.

Lúa gạo An Giang được giá

Lúa giống IR50404 với giá từ 5.900 đồng đến 6.000 đồng/kg, giống lúa thơm Jasmine giá thu mua đạt cao từ 7.100 đồng đến 7.300 đồng/kg.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đang thu mua lúa nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu ở mức giá khá cao: lúa giống IR50404 với giá từ 5.900 đồng đến 6.000 đồng/kg, giống lúa thơm Jasmine giá thu mua đạt cao từ 7.100 đồng đến 7.300 đồng/kg.

Tính từ đầu vụ thu mua, chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp trong tỉnh An Giang đã đạt tổng lượng mua quy ra lúa là trên 929.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng gạo nguyên liệu trong thời gian gần đây được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn, phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, mức tăng bình quân từ 50 đồng đến 100 đồng/kg.

Hóa chất, phân bón

Đầu tháng 10, giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng giảm nhẹ cùng với việc nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ trong nước yếu khiến giá phân bón tiếp tục giảm nhẹ.  

Ngày 12/10, tại chợ Trần Xuân Soạn, giá các chủng loại phân bón tạm thời chững lại sau khi suy giảm trong ngày hôm trước. Nhu cầu phân bón vẫn ở mức thấp, hoạt động bán ra khó khăn, thị trường phân bón không thiết lập được mặt bằng giá chung.

Tại An Giang giá phân ure giảm khá mạnh 1.000 đ còn 9.800 đ/kg; Hậu Giang giảm 300 đ còn 10.200 đ/kg; Bạc Liêu giá phân ure tăng lại 5.000 đ lên 495.000 đ/bao.

Vinacam liên tục đón tàu phân bón cập cảng. Trong khi tàu vào trước chưa giải phóng xong đã lại có tàu mới cập cảng. Ngày 8/10 là tàu Stella Cosmos với 7.000 tấn SA Nhật và trước đó 3 ngày (5/10) là tàu Bronco với 6.000 tấn SA Nhật. Mới đây nhất, 20 giờ hôm qua (ngày 10/10/2012), lại có thêm tàu Esperanza cập cảng Khánh Hội (TP.HCM) tại cầu K8 với 3.000 tấn DAP Korea và 3.100 tấn NPK Korea.

Chiều ngày 9/10/2012, tại Hà Nội, Bộ Công Thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì đã tổ chức lễ ký kết của 16 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương thỏa thuận mua bán sử dụng sản phẩm của nhau với mục đích hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho.

Sắt, thép, vật liệu xây dựng

Trong tuần, giá vật liệu xây dựng giảm. Cụ thể:

TràVinh giá xi măng giảm 1.000 – 2.000 đ/bao còn 88.000 – 89.000 đ/bao; tôn lạnh giảm 2.000 – 5.000 đ/m2, gạch ống giảm 250 đ/v, vài loại gạch men giảm 28-30.000 đ/thùng trong khi gạch thạch anh tăng 3.000 – 8.000 đ/thùng, kính trà 5 ly giảm 40.000 đ/m2.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, 5.000 tấn than antraxit đã được Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhập khẩu từ Liên bang Nga.

Lô hàng nhập với giá thành rẻ hơn mua trong nước khoảng 270 ngàn đồng/tấn này nằm trong chiến lược đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, tránh phụ thuộc vào một nhà cung cấp và giảm giá thành sản xuất thép.

Lô hàng vừa nhập ngày 10/10/2012 là than antraxit có chất lượng tương đương than cám 2HG của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Hiện tại, nguyên liệu sản xuất than coke của Hòa Phát chủ yếu gồm than mỡ nhập khẩu từ Australia, New Zealand…, than antraxit trong nước của Vinacomin. Dự kiến, trung tuần tháng 10/2012, 5.000 tấn than antraxit nhập từ Nga sẽ được sử dụng tại Nhà máy.

Một số doanh nghiệp thép đã kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng hàng rào phi thuế quan để ngăn chặn việc nhập khẩu quá nhiều sản phẩm thép vào Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất trong nước.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng năm 2012, sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 10%. Tính đến cuối tháng 9, lượng tồn kho khoảng 330.000 tấn, chủ yếu là thép xây dựng. Con số này còn có khả năng tăng cao hơn nữa nếu như các doanh nghiệp sản xuất thép không có những biện pháp kiềm chế, tiết giảm sản xuất.
Trong khi đó, thép nước ngoài nhập khẩu tiếp tục tăng, đặc biệt là thép Trung Quốc tăng rất mạnh. Chỉ trong 8 tháng năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu gần 5 triệu tấn sắt thép, trong đó thép giá rẻ từ Trung Quốc chiếm gần 30%.
Đối với sản phẩm thép cán nguội, năng lực sản xuất của Việt Nam đến thời điểm này là 3,47 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ là 1,3 triệu tấn/năm. Nghĩa là sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được 100% nhu cầu nội địa.

Thực phẩm

Do mưa nhiều ngập lụt nên giá các loại rau củ tăng rất mạnh, mức tăng phổ biến 20-50%, đặc biệt là rau xanh như rau cải, xà lách, su hào… tăng 70-120% tại Tp.Hồ Chí Minh.

Tại Lâm Đồng giá bán buôn hầu hết các loại rau củ tăng 2.000 đ/kg, kén tằm giảm tiếp 1.000 đồng còn 94.000 đ/kg.

Giá các mặt hàng gia cầm tại chợ Bình Điền đứng hoặc giảm 3.000 đ/kg; giá heo hơi ổn định ở mức 37.000 – 39.000dd/kg.

Nguồn: Vinanet