Giá xăng dầu giảm

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa chính thức giảm giá xăng dầu. Theo đó từ 12h00 ngày 13/10, giá bán lẻ xăng dầu tại vùng 1 của Petrolimex đồng loạt giảm 670 đồng/lít, xuống thấp nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm còn 23.490 đồng/lít, xăng RON 92 và xăng sinh học E5 RON 92 còn 22.890 đồng/lít. Dầu Điêzen 0,05S còn 20.240 đồng/lít, diesel 0,25S còn 20.190 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 850 đồng/lít còn 20.500 đồng/lít. Giá dầu Mazut giảm 730 đồng/lít, về còn cao nhất là 17.500 đồng/lít và thấp nhất là 17.030 đồng/lít. Mức trích Quỹ Bình ổn giá cũng đồng loạt giảm từ 300 đồng/lít xuống còn 100 đồng/lít.

Bộ Tài chính - Công Thương vừa công bố dự thảo Thông tư về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Dự thảo mới đề xuất tăng chi phí kinh doanh định mức đối với xăng thêm gần 200 đồng so với hiện hành. Theo đó, chi phí kinh doanh định mức (hay còn gọi là chi phí lưu thông) trong nước để tính giá cơ sở đối với xăng tối đa là 1.050 đồng một lít. Chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với dầu hỏa, dầu diezen tối đa là 950 đồng, dầu madut 600 đồng mỗi kg.

Giá than bán cho sản xuất điện vẫn thấp hơn thị trường

Theo thống kê của Cục Quản lý giá, than cho các hộ tiêu dùng trong nước từ đầu năm 2014 đến nay có 2 đợt điều chỉnh giá, có tăng, có giảm. Đợt 1 giảm giá than bán cho các hộ sản xuất trong nước từ ngày 1-3-2014 bằng giá thành sản xuất than bình quân kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (mức giảm từ 7%- 10% tùy chủng loại than). So với giá xuất khẩu tại thời điểm điều chỉnh giảm giá thì giá than bán cho các hộ tiêu thụ trong nước tương đương khoảng 89%- 99% so với giá xuất khẩu cùng chủng loại.

Đợt 2, một số loại than cục, than cám, than bùn tuyển được điều chỉnh giảm từ 1% đến 8% so với giá bán than trong nước hiện hành. Giá trong nước của các chủng loại than này bằng 90%- 99% so với giá xuất khẩu tương ứng. Một số loại than cám và than cục được điều chỉnh tăng từ 0,1%- 14% so với giá bán than trong nước hiện hành. Giá trong nước của các chủng loại than này bằng 90% - 99% so với giá xuất khẩu tương ứng.

Cục Quản lý giá cho biết, giá than bán cho các hộ tiêu thụ trong nước (trừ than bán cho sản xuất điện) đang được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, mức giá bán trong nước được điều chỉnh thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa là 10%.

Riêng đối với giá than bán cho sản xuất điện cũng được điều chỉnh tăng 2 lần từ đầu năm đến nay. Từ ngày 1-1-2014, giá than bán cho sản xuất điện được điều chỉnh tăng bằng giá thành sản xuất than bình quân kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam với tỷ lệ tăng khoảng từ 7%- 10% tùy từng loại.

Từ 22-7-2014, giá than bán cho sản xuất điện được điều chỉnh tăng thêm 5% - 7% do thuế tài nguyên tăng, tiền cấp quyền khai thác và phí sử dụng tài liệu địa chất tăng làm chi phí tăng khoảng 2.500 tỷ đồng (riêng than Cám 4b HG không tăng giá mặc dù chi phí tăng). Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, giá than bán cho sản xuất điện vẫn thấp hơn khoảng 2,6%- 5,8% (bằng 94,2%- 97,4%) so với giá bán than cho các hộ khác trong nước được điều chỉnh cùng đợt (riêng chủng loại than cám 4b là bằng giá hộ khác do không điều chỉnh giá) và bằng 86%- 91% giá xuất khẩu cùng chủng loại.

Phân bón: giá tăng/giảm tùy theo từng thị trường

Tại An Giang giá phân urê Phú Mỹ giảm 100 đ còn 8.700 đ/kg; Tiền Giang phân DAP giảm 100 đ còn 10.700 đ/kg. Tuy nhiên, tại Long An giá bón tăng 100 đ/kg, cụ thể urê lên 8.200 đ/kg, DAP lên 9.800 đ/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 9/2014 đạt 417 nghìn tấn với giá trị 148 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 9 tháng năm 2014 đạt gần 2,91 triệu tấn với kim ngạch nhập khẩu đạt 938 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 26,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 151 nghìn tấn với giá trị 46 triệu USD, giảm mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2014 với mức giảm lần lượt là 73,8% và 76,4%; khối lượng nhập khẩu phân SA ước đạt 730 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu 98 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm mạnh 36% về giá trị.

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm 49,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc trong 8 tháng năm 2014 đã giảm 8% về lượng và giảm 21,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Thanh Long, Bưởi: Được mùa được giá

Tại Tiền Giang giá thanh long tăng mạnh và cung không đủ cầu. Hiện thương lái thu mua thanh long ruột trắng tại vườn có giá từ 24.000 – 25.00 0đ/kg (loại tốt), tăng từ 7.000 – 8.000 đ/kg so với tháng trước. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm 2014 đến nay.

Cùng với đó, bưởi Đoan Hùng (Phú thọ) tiếp tục được mùa, được giá. Đặc biệt, đến thời điểm này, hầu hết các vườn bưởi đã được các thương lái đặt mua gần hết. Năm nay, giá bưởi vẫn dao động từ 15.000 – 25.000 đ/quả.

Thép nhập khẩu vẫn tăng mạnh dù tồn kho lớn

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặc dù đã bắt đầu bước vào mùa xây dựng, nhưng tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng vẫn tiến triển chậm. Sở dĩ như vậy, nguyên nhân một phần do thép nội đang chịu sức ép khá lớn từ thép nhập khẩu.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng sắt thép nhập khẩu trong tháng ước khoảng 1.000 tấn, trị giá 664 triệu USD, giảm nhẹ cả về lượng và giá trị kim ngach so với tháng trước. Tuy nhiên tính chung 9 tháng đầu năm 2014, lượng sắt thép nhập khẩu lên tới 8,06 triệu tấn với giá trị gần 5,4 tỷ USD; tăng 11,4% về lượng và tăng 7,5% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ.

Mới đây, số liệu thống kê từ VSA cũng cho thấy một bức tranh tương tự khi mà nhập siêu thép trong 8 tháng đầu năm đã lên tới 6,951 tấn, tương đương nhập siêu 3,817 tỷ USD.

Thép nhập khẩu tăng mạnh đã tạo áp lực lớn đến các DN sản xuất thép trong nước. Cũng theo VSA, trong tháng 9, sản xuất thép xây dựng của các DN thành viên chỉ đạt 431.941 tấn, giảm 2,14% so với tháng trước dù vẫn tăng tới 24,2% so với tháng 9/2013.

Bên cạnh đó, mặc dù lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng đạt tới 443.226 tấn, tăng 8,71%, so với tháng trước và tăng 25,28% so với cùng kỳ 2013, tuy nhiên tồn kho thép xây dựng tính tới 30/9 là 411.579 tấn, tăng hơn so với mức bình quân các tháng.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp


Nguồn: Vinanet