Lúa gạo: Giá ổn định

Trong tuần qua, giá lúa gạo nhìn chung ổn định so với tuần trước đó trong bối cảnh trong tuần có nhiều ngày nghỉ lễ. Cụ thể, tại ĐBSCL, giá lúa khô tuần qua không đổi đối với lúa hạt dài (lúa loại 1) duy trì ở mức 5.500 – 5.600 đ/kg, lúa thường (loại II) ở mức 5.200 – 5.300 đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu tuần qua cũng duy trì các mức của một tuần trước đó, với loại I làm ra gạo 5% tấm ở mức 6.700 – 6.800 đ/kg, loại II làm ra gạo 25% tấm ở mức 6.600 – 6.650 đ/kg.

Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn trong tuần qua cũng không biến động. Cụ thể, giá gạo 5% tấm duy trì ở mức 7.750- 7.850 đ/kg, gạo 15% tấm ở ưmcs 7.350 – 7.400 đ/kg, gạo 25% tấm ở mức 7.100 – 7.200 đ/kg.

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2013 ước đạt 807 nghìn tấn, giá trị đạt340 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 2,38 triệu tấn, giá trị đạt gần 1,04 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng nhưng giá trị giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cà phê: Giá quay đầu tăng

Sau khi giảm khá mạnh trong tuần trước đó, sang tuần qua giá cà phê nhân xô thu mua trong nước và chào bán xuất khâu đã quay đầu tăng đáng kể nhờ giá phục hồi trên thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường đón nhận một số thông tin có lợi, đặc biệt từ Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Cụ thể, đến cuối tuần qua giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăknong đã tăng từ mức 41.700 – 42.100 đ/kg lên đạt 42.500 – 42.900 đ/kg (tùy địa phương và chất lượng).

Giá cà phê xuất khẩu FOB, Tp.HCM trong khi đó cũng đảo chiều tăng khá mạnh từ 1.944 USD/tấn lên đạt 1.980 USD/tấn. Mức trừ lùi chính thức của giá cà phê xuất khẩu chào bán của nước ta so với hợp đồng kỳ hạn chính giao tháng 7/2013 tại London tiếp tục giữ ở mức -40 USD/tấn.

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm nay, cà phê Việt Nam chứng kiến khối lượng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng do giá xuất khẩu tăng, nên giá trị kim ngạch chỉ giảm nhẹ hơn. Ước khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 4 đạt 133 ngàn tấn, trị giá 279 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm ước đạt 608 ngàn tấn, trị giá đạt trên 1,3 tỷ USD, giảm 13,4% về khối lượng và giảm 11,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân quý I/2013 đạt 2.165 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gas: Giá giảm

Tuần qua, giá gas tiếp tục giảm 17.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 4/2013. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng khu vực TP.HCM là 364.000 đ/bình 12 kg.

Đây là tháng thứ 6 giá gas giảm liên tiếp theo giá thế giới, tổng cộng cả 6 lần giảm giá là 77.000 đ/bình 12 kg, tỷ lệ giảm chỉ hơn 17% so với giá gas cách đây 6 tháng/

Trước đó, giá gas tháng 4 đã giảm 24.000 đ/bình 12 kg; giá gas tháng 3/2013 giảm 4.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 2/2013; giá tháng 2/2013 giảm 13.000 đ/bình 12 kg so với tháng 1/2013; giảm 7.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 12/2012; giá tháng 12/2012 giảm 12.000 đ/bình 12 kg so với giá đầu tháng 11/2012.

Thủy sản: Giá cá tra nguyên liệu tăng

Giá thu mua nguyên liệu cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đang ở mức cao, khoảng 22.500 đ/kg, tăng 500-1.000 đ/kg so với hồi đầu tháng 4/2013. Tuy nhiên, mức giá trên vẫn khiến những người nuôi cá bị lỗ từ 500-1.000 đ/kg.

Bên cạnh đó, người nuôi cá tra khó tiếp cận được mức giá này do mức giá công bố đó chỉ áp dụng đối với cá nuôi bằng nguồn thức ăn sản xuất từ doanh nghiệp thành viên có liên quan tới lợi ích của doanh nghiệp chế biến cá tra.

Thực phẩm: giá thịt lợn giảm

Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn đã giảm mạnh từ 5.000 – 10.000 đ/kg trong tuần qua do tâm lý lo ngại dịch tại xanh ở lợn và dịch lở mồm long móng ở gia súc tái bùng phát tại nhiều địa phương.

Cụ thể, giá thịt lợn ba chỉ được bán với mức 80.000 đ/kg, giảm 5.000 đ/kg; thịt mông dao động trong khoảng từ 85.000 – 90.000 đ/kg, giảm 5.000 – 10.000 đ/kg; thịt chân giò phổ biến với giá 95.000dd/kg, xương cục có giá 60.000 – 65.000 đ/kg, sườn thăn cũng giảm 8.000 đ/kg và được bán với giá 100.000 – 112.000 đ/kg.

Hóa chất, phân bón

Tại Tiền Giang, giá ure Phú Mỹ tuần này được các đại lý cấp 1 chào bán xuống cho đại lý cấp 2 vẫn khá ổn định ở mức 505.000- 510.000 đồng/bao, trong khi đó ure Cà Mau ở mức 480.000 đồng/bao còn Ure Ninh Bình không có hàng về. Giá Dap Phi cũng ổn định ở mức 720.000 -725.000 đồng/bao.

Tại chợ đầu mối Trần Xuân Soạn, Q7 HCM, sau kỳ nghỉ Lễ, ngày 02/5/2013 thị trường quay lại trở lại hoạt động, giá Ure Phú Mỹ lại tiếp tục tăng 50-100 đồng/kg lên mức 10.000-10.100 đồng/kg và giữ ở mức đó trong ngày 3/5.

Mỗi khi vào vụ sản xuất, nạn kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lại gia tăng.

Qua thanh tra ở nhiều địa phương cho thấy, có tới một nửa lượng phân bón bán trên thị trường bị phát hiện là giả, kém chất lượng.

Thực trạng này không những gây thiệt hại nặng nề cho nông dân, làm nhiễu loạn thị trường mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón.

Nguyên nhân chủ yếu khiến phân bón giả “ngang nhiên” có mặt trên thị trường chính là do công tác quản lý còn chồng chéo, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, còn người nông dân thì không thể phân biệt đâu là phân bón thật, đâu là giả... Chỉ tính riêng năm 2012, qua thanh tra Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phát hiện gần 400 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm, xử lý hơn 2.500 tấn phân bón các loại. Các hành vi vi phạm chủ yếu là về nhãn, mác; phân bón kém chất lượng hoặc kém chất lượng đến mức coi là giả; vi phạm về thực hiện quy định niêm yết giá và đăng ký kinh doanh.

Để khắc phục nạn phân bón giả, kém chất lượng, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thì sự phối hợp của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất và chính nông dân có vai trò hết sức quan trọng.

 

Nguồn: Vinanet