Lúa gạo: Miền bắc ổn định, miền Nam biến động tùy theo từng địa phương

Tại các tỉnh phía Bắc, giá lúa tẻ thường phổ biến ở mức 6.500 – 8.500 đ/kg, giá gạo tẻ thường ở mức phổ biến 12.000 – 14.000 d/dkg.

Tại các tỉnh phía Nam giá biến động tăng/giảm tùy theo từng địa phương. Cụ thể như ở Bạc Liêu giá lúa tăng 100 đ lên 5.775 đ/kg, gạo nguyên liệu tăng 200-225 đ/kg. Nguyên liệu lức lên 7.075 đ/kg, nguyên liệu trắng lên 7.650 đ/kg. Tại Tiền Giang giá lúa tăng 100 đ lên 5.800 đ/kg , gạo nguyên liệu loại 1 tăng 100 đ lên 7.000 đ/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu đứng hoặc giảm 100 đ/kg: 5% còn 8.100 đ/kg, 25% còn 7.300 đ/kg.

Theo số liệu từ BNN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 443.000 tấn với trị giá 217 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng của năm 2014 ước đạt 6,03 triệu tấn, giá trị 2,79 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng nhưng lại tăng 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Giá gạo XK bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 460,09 USD/tấn, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013.

Giá cao su thành phẩm tăng

Giá cao su thành phẩm tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên sáng 15/12 tăng 800-1100 đ/kg so với ngày 12/12. Cụ thể: Mủ cao su RSS3 giá 26.900 đ/kg; cao su SVR10 giá 22.500 đ/kg; Cao su SVR3L 26.900 đ/kg; Mủ cao su tạp (dạng chén) giá 11.800 đ/kg.

Theo báo cáo của Trung tâm tin học và thống kê Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 11 ước đạt 113 nghìn tấn với giá trị 166 triệu USD. Với ước tính này 11 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 954 nghìn tấn với giá trị đạt 1,62 tỷ USD, tăng 0,5% về khối lượng nhưng lại giảm 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 1.724 USD/tấn, giảm 26,65% so với cùng kỳ năm 2013.

Giá sắn  ổn định đến giảm nhẹ

Ngày 15/12, tại Tây Ninh, nhà máy tinh bột giảm nhẹ giá mua vào mì Cam 20-30 đ/kg xuống mức 1.950-2.020 đ/kg. Tại miền Bắc,  giá mì về nhà máy thức ăn chăn nuôi khu vực Hà Nội, Hải Dương tiếp tục ổn định ở mức 4.500 – 4.630 đ/kg.

Tin từ mạng lưới của AgroMonitor cho biết, trong 10 ngày cuối tháng 11, có 3 tàu vào ăn hàng sắn lát tại cảng Quy Nhơn mang theo gần 19 nghìn tấn sắn lát, tăng 5,6% so với cùng kỳ tháng trước. Như vậy, tính trong tháng 11 có khoảng 42 nghìn tấn sắn lát được xuất đi từ cảng Quy Nhơn.

Cũng theo nguồn thông tin từ AgroMonitor, trong tháng 10, việc giao hàng cho phía Trung Quốc tại một số cửa khẩu biên mậu phía Bắc diễn ra rất chậm do nhà nhập khẩu Trung Quốc gặp khó khăn về thanh toán, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang sử dụng tinh bột ngô và tinh bột khoai tây với giá cạnh tranh hơn tinh bột sắn. Giá tinh bột sắn đi biên mậu giảm liên tục trong tháng 10, mức giảm tổng cộng lên đến 200 tệ/tấn. Theo đó, tinh bột loại 1 tại Móng Cái được chấp nhận phổ biến ở mức 2.700 tệ/tấn, loại 2 còn 2.600-2.650 tệ/tấn.

Sang đầu tháng 11, giao dịch tinh bột sắn tại cửa khẩu Móng Cái tiếp tục trầm lắng khi phía Trung Quốc lấy hàng nhỏ giọt, thanh toán chậm. Giá tinh bột loại 1 tại cửa khẩu Móng Cái dao động từ 2.700-2.720 tệ/tấn. Tại Lạng Sơn, hàng đi cũng khá chậm do phía Trung Quốc thanh toán chậm và ăn hàng yếu. Do vậy, các đơn vị có hàng ra Bắc chủ yếu tập trung giao tại cửa khẩu Móng Cái.

Đối với tinh bột sắn xuất khẩu theo đường biển, mức chào giá đi các thị trường là khá tốt trong bối cảnh giá đi biên mậu sụt giảm, chào giá FOB Hồ Chí Minh được các doanh nghiệp Việt Nam để ở mức 440 USD/tấn FOB đi Trung Quốc, đối với thị trường ngoài Trung Quốc như Malaysia, Philippines, Ấn Độ mức chào phổ biến quanh mức 445 USD/tấn (hàng đóng cont, giao lòng tàu).

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet