Trong năm, mặc dù một số tỉnh đã xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng tất cả đều được dập tắt kịp thời, không để lây lan. Theo Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT, năm 2008 bình quân tổng số gia cầm có mặt thường xuyên đạt 247,3 triệu con, tăng 10%, trong đó đàn gà đạt 179 triệu con, tăng 13,4 triệu con so 2007. ĐBSCL, Đông Nam bộ (ĐNB) và Tây nguyên là nguồn cung cấp thực phẩm cho Tp.HCM có tỷ lệ tăng cao nhất.

Số liệu nhập khẩu mới tính trong 10 tháng 2008 cho thấy cả nước nhập khẩu đến 105.000 tấn thịt gà, chủ yếu là đùi, cánh gà các nước châu Mỹ. Hai mặt hàng đông lạnh này có giá tương ứng là 11, và 1,85 USD/kg trước tháng 9 rồi 1,2 và 2,1 USD/kg sau tháng 9 đến nay. Thịt gà nhập khẩu do thực hiện cam kết WTO nê đã có giá rẻ hơn trong nước. Tuy nhiên, giá thịt gà trong nước vẫn tăng.

Nguyên nhân của sự tăng giá này, là từ tháng 8 đến tháng 11, do ảnh hưởng dịch cúm gia cầm (CGC) nên giá sản phẩm gà liên tục giảm và đứng ở mức thấp, ở phía Nam chỉ 18.000 đồng, phía Bắc 24.000 đ/kg. Nhưng cũng từ thời điểm này, người ở Tp.HCM nhận thấy hiện tượng bùng phát các tiệm bán thịt gà làm sẵn (có giấy kiểm dịch) và thịt gà đã luộc chín. Tất cả đều là gà ta, và đa phần được chế biến theo phong vị mang thương hiệu “Quảng Nam”. Giá thịt sống hiện tại là 60.000 đồng/kg, thịt chín cho người ăn tại quán hoặc mang về là 100.000 – 120.000 đ/kg. Những tiệm ăn quán nhậu sang trọng, giá thịt chín đã chế biến có khi lên tới 140.000 đ/kg.

Có lẽ do đời sống khá hơn, thị hiếu thưởng thức món ăn dần thay đổi. Thị dân đã khoái thịt gà ta hơn gà công nghiệp. Có lẽ”cảm nhận” gà ta nuôi thả vườn ít bị dịch CGC hơn gà công nghiệp cũng tác động đến xu hướng tiêu dùng. Ngành hàng thịt gia cầm hiện chiếm tỷ trọng 20% trong tổng lượng thịt thực phẩm (thịt lợn chiếm đến 75%). Nhiều chuyên gia chăn nuôi cũng nhận định rằng trong bối cảnh hội nhập WTO, nhất là thị trường bán lẻ các nhóm hàng có yếu tố nhập khẩu từ nước ngoài ngày càng sôi động từ 1/1/2009 thì thịt gà công nghiệp trong nước khó lòng cạnh tranh được với thịt gà nhập khẩu.

Riêng với thịt gà ta các loại đây là một cơ hội và thị trường đang thiếu. Người chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm gia cầm sẽ phải làm gì ? Nghề nuôi gia cầm hiện đang có 4 phương thức. Ngoài nghề nuôi vịt chạy đồng, con gà có 3 hình thức nuôi: nhỏ lẻ - thả rông tại hộ nông dân, nuôi bán công nghiệp (vừa nhốt, vừa thả, có đầu tư chuồng trại, thức ăn công nghiệp) và nuôi trang trại, công nghiệp (nuôi nhốt hoàn toàn với quy mô lớn, tập trung). Ngành nuôi gà cả nước hiện đang sử dụng 3 loại giống cơ bản: gia cầm nội, gia cầm ngoại và gia cầm lai giữa nội và ngoại. Nước ta có nhiều giống gia cầm nội được chọn lọc lâu đời như gà Ri, gà Hồ, gà H’Mông, gà Tre, gà Ác....; một số giống chỉ tồn tại ở một số địa bàn hẹp như gà Hồ, gà Đông Tảo. Nhưng đáng tiếc là các loại gà thịt giống nội ra thị trường chưa có một thương hiệu riêng, hầu hết đều mang chung một tên “gà ta”.

Theo nhiều chủ trại gà nuôi bán công nghiệp thì việc sản xuất và cung ứng con giống gà nội hoàn toàn theo phương thức tự sản tự tiêu ở từng địa phương. Nhà nước nên khuyến khích thành  lập các trại phục tráng giống gà nội. Có thể đưa ra sản xuất các tổ hợp lai giữa giống nội và giống ngoại. Làm được điều này sẽ có lợi vì các trại nuôi bán công nghiệp sản xuất được nhiều loại “gà thả vườn” có thịt ngon, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Như vậy có thể khuyến khích các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiến dần lên phương thức nuôi bán công nghiệp, vừa có thu nhập cao vừa cung cấp được nguồn thịt gia cầm ngon cho xã hội.

Nguồn: Vinanet