Đồng Euro đã giảm so với Yên trước khi có báo cáo cho rằng lòng tin của các nhà đầu tư Đức đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp. 

Vào lúc 11:01 phút sáng nay tại Tokyo, USD đã tăng lên mức 1,4977 USD/euro so với mức 1,4999 USD/ Euro tại Niu Oóc chiều qua, thời điểm 1 Euro giao dịch ở mức 1,5020  USD, mức thấp nhất kể từ 23/10.

Đồng Euro giao dịch ở mức 134,83 Yên so với mức 134,91 Yên. USD giao dịch ở mức 90,02 Yên so với 89,93 Yên.

Chiều qua 9/11 tại châu Á, đồng USD chịu sức ép đi xuống so với đồng euro khi giới đầu tư dồn sự chú ý về các số liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc để đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên buổi chiều tại Tokyo, đồng euro tăng lên 1,4936 USD, so với mức 1,48466 USD phiên cuối tuần trước tại New York. So với yên Nhật, đồng USD tăng từ 89,90 yên lên 90,14 yên.

Đồng USD tiếp tục chịu ảnh hưởng từ báo cáo ảm đạm về tình hình thất nghiệp Mỹ công bố hôm 6/11, củng cố những dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian nữa.

Chiến lược gia John Kyriakopoulos thuộc NAB Capital, cho biết với việc FED hàm ý sẽ giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng giảm, các nhà giao dịch ngày càng ít hy vọng về việc ngân hàng sẽ tăng lãi suất trong năm 2010.

Bên cạnh đó, giới giao dịch tiền tệ cũng đang chờ đợi Trung Quốc công bố các chỉ số kinh tế, bao gồm các hoạt động sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ, để đánh giá xem liệu nền kinh té lớn thứ 2 châu Á có tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo chiến lược gia Akane Uchida thuộc Ngân hàng Hoàng gia Scotland, nếu số liệu này là tích cực, nó sẽ hỗ trợ tâm lý dám đầu tư mạo hiểm, theo đó đẩy giá trị các đồng tiền nhạy cảm trước sự tăng trưởng kinh tế, như đồng euro, so với đồng USD và đồng yên.

Giới đầu tư cũng đang đợi kết quả khảo sát về các điều kiện kinh doanh ở Australia sẽ được công bố ngày 10/11 để khẳng định những dự báo về khả năng nước này sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến tháng 12/09, sau hai lần tăng lãi suất kể từ tháng 10 vừa qua.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sắp tới, đồng USD có thể sẽ phải chịu nhiều áp lực mới từ Euro và đồng tiền của các quốc gia mới nổi, do hội nghị G20 cuối tuần qua tại Scotland đã không đưa ra được chương trình hành động cụ thể nào để cân bằng các dòng tiền trên toàn cầu.

Trong khi đó, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ lệ USD trong dự trữ tiền tệ thế giới đã liên tục giảm từ mức 72% năm 1999, thời điểm Euro chính thức được đưa vào lưu hành ở châu Âu, xuống 62,8% tính đến quý 2/2009.

Cho tới nay, giới hoạch định chính sách kinh tế vẫn cho rằng, USD sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong dự trữ toàn cầu thêm nhiều năm nữa. Thế nhưng thời gian qua, đồng USD đã liên tục hạ giá đối với rổ 6 loại tiền tệ khác.

 

Nguồn: Vinanet