Đồng Euro đã tăng lần đầu tiên trong 5 ngày qua so với đồng Yên.

Đô la Ôxtrâylia và Niu Zêlân cũng đã tăng lên do nhu cầu tiêu thụ tăng đối với các tài sản có rủi ro cao sau khi bớt lo ngại về căng thẳng tín dụng tại Trung Đông.

Vào lúc 12:04 phút sáng nay tại Tokyo, đồng Yên đã giảm còn 130,66 Yên/ Euro so với mức 129,67 Yên/ Euro trong ngày 27/11 tại Niu Oóc. Đồng Euro đã tăng lên mức 1,5058 USD so với mức 1,4988 USD. Đồng Yên đã giao dịch ở mức 86,75/ USD so với mức 86,53/ USD.

Đô la Ôxtrâylia đã tăng lên mức 91,80 Uscent so với mức 90,63 cent và tăng lên mức 79,64 Yên so với 78,43. Đô la Niu zêlân đã tăng lên mức 72,11 Uscent so với mức 71,11 cent  và tăng lên mức 62,65 Yên so với 61,52 Yên.

Chỉ số chứng khoán MSCI Asia Pacific đã tăng 2,7% và chứng khoán Nikkei 225 đã tăng 2,4%.

Cuối tuần qua, đồng yên tăng giá khá mạnh khiến giới chức Nhật Bản lo ngại sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, khiến hàng hóa Nhật Bản ở nước ngoài đắt hơn, trong khi lợi nhuận tính bằng USD khi quy đổi sang đồng yên giảm mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Hirohisa Fujii  nhấn mạnh tình hình này nếu tiếp diễn sẽ là bất thường và Chính phủ sẽ theo dõi sát sao để thực hiện các biện pháp thích hợp. Việc yêu cầu Mỹ và các nước châu Âu hợp tác để giảm căng thẳng trên thị trường tiền tệ là "một trong những biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản có thể thực hiện" tùy thuộc vào tình hình.

Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Masayuki Naoshima cũng cho rằng, việc đồng yên tăng giá mạnh có thể "gây ra nguy cơ lớn đối với nền kinh tế vì nó làm giảm sức cạnh tranh và tác động tiêu cực đến hoạt động điều hành”.

Nhằm đối phó với tình hình, nội các Nhật Bản vừa nhóm họp để bàn về tác động bất lợi tiềm ẩn đối với nền kinh tế Nhật Bản do hiện tượng tăng đột biến của đồng yên so với USD.

Phát biểu sau phiên họp, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirofumi Hirano nhận định, sự biến động nhanh, đột biến về tỷ giá là điều đáng ngại và Chính phủ đã nghiên cứu các giải pháp về chính sách kinh tế để đối phó hiệu quả với tình hình này.

Giới phân tích dự đoán, để đối phó với tình hình trên, Nhật Bản có thể sẽ đưa ra những biện pháp trong khuôn khổ gói kích thích kinh tế bổ sung để làm dịu những căng thẳng trên thị trường ngoại hối.

Mặc dù đồng yên tăng giá đột biến so với USD đang gây nhiều lo ngại nhưng nền kinh tế Nhật Bản vẫn có được một số tín hiệu khả quan khi tỷ lệ thất nghiệp giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống 5,1% trong tháng 10, thấp hơn so với mức 5,3% trong tháng 9, một phần nhờ các hộ gia đình gia tăng chi tiêu. Tuy vậy, trong thông cáo mới đây, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, kinh tế Nhật vẫn bị giảm phát nhẹ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hirohisa Fujii, không thể không quan ngại khi kinh tế giảm phát bởi tình trạng này sẽ tác động tiêu cực, khiến người tiêu dùng trì hoãn mua sắm, khiến kinh tế trì trệ và  có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Kinh tế Nhật Bản bị giảm phát trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước do tác động bởi tình trạng vỡ bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản năm 1980.

Một trong các diễn biến liên quan, chiều 29/11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã gặp ba nhà lãnh đạo của khối sử dụng đồng euro trước thềm hội nghị cấp cao Trung Quốc-Liên minh Châu Âu (EU) lần thứ 12 ở Nam Kinh (Trung Quốc) ngày 30/11.

Tại cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo của hai bên thảo luận vấn đề tranh cãi lâu nay về tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh châu Âu đang lo ngại sự tăng giá của đồng euro so với đồng USD sẽ ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế của châu lục.

Các đại diện châu Âu cho rằng việc định giá lại đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thích hợp, đồng thời đề nghị Bắc Kinh tăng giá đồng nội tệ theo lộ trình.

Mặc dù có nhiều điểm chưa thống nhất nhưng Bắc Kinh và Brussels đều cho rằng bảo hộ mậu dịch là mối lo ngại đối với cả hai bên, EU là đối tác buôn bán lớn nhất, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Do đó, điều chỉnh chính sách kinh tế sẽ mang lại lợi ích song phương.

Nguồn: Vinanet