*Bình Thuận: giá thanh long giảm mạnh

Mặc dù giữa vụ phải chong đèn, chi phí đầu tư cao gấp nhiều lần so với vụ mùa, nhưng giá thanh long tại các nhà vườn đang rớt thê thảm.

Từ 10 ngày nay, giá thanh long liên tục hạ và đến ngày 10.12, giá mua của các DN chỉ còn 5 ngàn đồng/kg, chỉ bằng nửa giá vào giữa tháng 11. Theo các DN, thị trường truyền thống của thanh long Bình Thuận là Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc và cả Châu Âu, thanh long tiêu thụ rất chậm, gần như cầm chừng.

Hàng đi Mỹ cũng không thấy đơn vị nào thu mua. Nguyên nhân là do mức tiêu dùng giảm theo khủng hoảng chung của thị trường thế giới.

*Vàng bất ngờ tăng vọt

Giá vàng bất ngờ tăng vọt lên trên 800 USD/ounce. Trong nước, vàng lên 16,84 triệu đồng/lượng. Thị trường sôi động trở lại.

Sau khi giảm liên tiếp trong nhiều phiên trước đó, có lúc xuống tới gần 750 USD/ounce, giá vàng thế giới bất ngờ tăng rất mạnh trở lại do dầu tăng giá và đồng USD suy yếu so với các đồng ngoại tệ khác sau khi nhiều người đánh cược chính pbủ Mỹ sẽ bơm tiền hỗ trợ ba đại gia ngành ô tô.

Trong nước giá vàng cũng ngay lập tức được điều chỉnh tăng nhanh. Chỉ trong 40 phút đầu giờ sáng nay 11/12, giá vàng bán lẻ tại các cửa hàng lớn nhất tại Hà Nội đã được điều chỉnh tăng 2 lần.

Giá vàng miếng SJC tại Phú Quý, Hà Nội cũng đang được mua vào ở mức 16,76 triệu đồng/lượng và bán ra 16,86 triệu đồng/lượng.

Mặc dù giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng khá nhanh nhưng theo đánh giá của giới quan sát thị trường mức điều chỉnh này thấp hơn so với tốc độ tăng giá vàng thế giới.

Theo thống kê của PNJ Hà Nội, tổng cộng trong phiên giao dịch ngày 10/12, lượng vàng đơn vị này bán ra tăng gấp gần 10 lần so với phiên liền trước. Tuy nhiên, lượng vàng mua vào rất ít, chỉ hơn 10 cây.

*Giá nhớt không giảm mà còn tăng

Dầu nhờn dùng cho động cơ, máy móc không những không giảm giá theo dầu thô thế giới mà thậm chí còn tăng giá. Nhiều công ty kinh doanh dầu nhờn giải thích việc chưa giảm giá là hàng cũ còn tồn kho, cần có độ trễ nhất định so với dầu thô.

Hiện nay, ở khu vực phía Nam có trên 30 công ty nhập khẩu dầu gốc về pha trộn, gồm cả những tên tuổi lớn của thế giới như BP, Castrol, Exxon Mobil, Shell, Caltex, Total… Đối với dầu nhờn dành cho động cơ, các nhãn hiệu nước ngoài chiếm khoảng 75% thị phần; dầu nhờn dành cho máy móc dùng trong các nhà xưởng, nhãn nước ngoài thống lĩnh đến 90%. Giá một bình dầu nhờn của các nhãn nước ngoài thấp nhất trên 50.000 đồng, còn giá của các nhãn trong nước từ 35.000-47.000 đồng.

Điểm chung nhất của tất cả các công ty kinh doanh dầu nhờn là nhập khẩu dầu gốc và phụ gia về rồi pha trộn, đóng gói. Điểm quyết định chất lượng dầu nhờn là loại dầu gốc mà các công ty dùng để pha trộn.

*Giá ranh xanh tại Hà Nội giảm

Kể từ đợt giá rau tại Hà Nội tăng chóng mặt sau trận mưa lụt lịch sử đầu tháng 11, lượng rau hiện nay từ các tỉnh đổ về dồi dào, giá cả các loại rau cũng giảm đáng kể.

Những người buôn bán nhỏ ở các chợ Hà Nội có thể dễ dàng mua với số lượng lớn và giá cả giảm rất nhiều so với tháng trước. Tại các chợ đầu mối, giá cả giảm xuống đáng kể ở tất cả các mặt hàng rau, củ quả. Có những củ quả như khoai tây, su su, bí đao… giá giảm xuống chỉ còn một phần ba. Cao điểm 1kg các loại củ quả này lên tới 15.000 đ/kg thì nay xuống chỉ còn dưới 5.000 đ/kg.

Ngoài ra các loại rau xanh như cải ngọt, rau muống, cải chip giảm đáng kể chỉ còn 1/2, hoặc 1/3 tùy theo các mặt hàng.

Các loại rau thơm cũng giảm giá nhiều. Giá của các loại rau này giảm từ 150.000 đ/kg giờ chỉ còn 40.000 - 50.000 đ/kg như: rau mùi, húng chó, tỏi tây…

*Giá lúa gạo trong nước tăng nhẹ

Hiện nay, giá lúa trung bình ở một số tỉnh ĐBSCL khoảng 3.000 đồng/kg. Lúa Đông Xuân thu hoạch sớm được các thương lái thu mua nhiều với giá cao, cụ thể giá lúa ướt loại IR 50404 có giá thu mua 2.400-2.700 đồng/kg, lúa khô IR 50404 là 3.400-3.500 đồng/kg. Trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian rớt giá. Tại các chợ gạo trắng thường 25% tấm giá phổ biến 8500-9000 đ/kg, tăng 200-500 đ/kg. Các loại gạo thơm đặc sản như tài nguyên Chợ Đào, thơm nhật, thơm Thái... giá bán ở mức 13000-14000 đ/kg, tăng 500 –800 đồng/kg. Tại các đại lý bán lẻ, giá gạo tăng 1000 –1200 đồng/kg do sức mua bắt đầu tăng trở lại.

Giá gạo nguyên liệu dùng để chế biến gạo 5% tấm xuất khẩu tăng đồng loạt từ 200-300 đồng/kg so với cuối tháng 11 lên 4.800 đồng/kg, gạo IR 50404 tăng giá lên xấp xỉ 5.000 đồng/kg.

Một trong những lý do đẩy giá lúa gạo trong nước tăng là quyết định của Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp để thu mua khoảng 1 triệu tấn lúa (tương đương 500.000-600.000 tấn gạo hàng hoá).

*Giá phân urê tại Trà Vinh giảm 1600 đ còn 6000 đồng/kg , DAP còn 12000 đ/kg (giảm 3000 đ). Tại Bạc Liêu phân Urê Phú Mỹ (50 kg/bao) có giá 290.000 đ/bao, phân DAP Trung Quốc (50 kg/bao) ở mức 650.000 đ/bao.

*Giá thép tại thị trường Hà nội ở mức 18.400 đ/kg đối với thép phi 6-phi 8 LD; tại  các tỉnh phía Nam giá thép giao động quanh mức từ 18.300-18.500 đ/kg đối với thép phi 6, phi 8 LD. Đối với thép tròn phi 6, phi 8 tại Bạc Liêu có giá 10.900-11.000 đ/kg.

Nguồn: Vinanet