Tình trạng nhập lậu trâu bò ồ ạt vào Việt Nam qua các tỉnh biên giới với Lào và Campuchia thời gian gần đây đang ngày càng có xu thế gia tăng. Số lượng bò thịt nhập khẩu chính ngạch từ Lào lên tới khoảng trên 1.000 con/ngày (chưa tính tiểu ngạch), cho thấy nhu cầu thịt bò trong nước rất lớn, trong khi chăn nuôi bò thịt trong nước rất chậm phát triển.
Nhu cầu tiêu thụ thịt trâu bò ngày càng tăng cao, đòi hỏi ngành chăn nuôi trâu bò thịt phải tăng tốc mạnh mới có hy vọng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Thế nhưng, số lượng trâu bò ở Việt Nam không những chẳng tăng mà lại giảm.
Theo Trung tâm Tin học và thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại đàn trâu cả nước là 2.886,6 nghìn con, giảm 0,38% so với khi kết thúc năm 2008. Đàn bò hiện còn 6.103,3 nghìn con, giảm 3,7% so với năm 2008.
Theo Cục Chăn nuôi, đàn trâu bò giảm ở hầu hết các vùng là do số lượng trâu bò cày kéo tiếp tục giảm nhiều do nhu cầu sử dụng sức kéo ngày càng giảm. Bệnh lở mồm long móng vẫn diễn ra ở một số địa phương, đồng thời thiên tai ở miền Trung, Tây Nguyên làm thiệt hại đến tổng đàn trâu bò.
Phần lớn lượng thịt bò đang được tiêu dùng trong nước chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan. Tại các lò mổ bò lớn ở Củ Chi, Hóc Môn (Tp.HCM), chỉ có khoảng 10% là bò chăn nuôi trong nước. Còn lại là bò Thái Lan nhập về qua biên giới Campuchia. Các thương lái thậm chí còn chở cả bò Thái Lan ra cả Phú Yên và Hà Nội. Giá bán thịt bò ở Thái Lan chỉ khoảng 100 bạt/kg (chưa đến 60 nghìn đồng/kg), rẻ hơn rất nhiều so với thịt bò ở Việt Nam.
Bò của nước ta con to nhất chỉ có trọng lượng từ 350-400 kg, tỷ lệ nạc chưa đến 35%, giá lại cao trên 100 nghìn đồng/kg nên rất khó cạnh tranh với thịt bò Thái Lan. Số lượng bò nhập khẩu theo đường chính ngạch qua biên giới Lào lúc cao điểm khoảng trên 1.000 con/ngày, chưa kể nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó việc tầm soát dịch bệnh từ bò nhập khẩu chính ngạch đã khó chứ chưa nói tới kiểm soát bò lậu.
Chỉ riêng tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị mỗi ngày có gần 500 con trâu, bò nhập lậu qua biên giới.
 

Nguồn: Vinanet