Thị trường sản phẩm điện tử - bán dẫn thế giới trải qua năm 2008 đầy thăng trầm. Sau khi tiếp tục xu hướng bùng nổ của năm 2007 sang những tháng đầu năm 2008, thị trường bước vào cơn sốc trong những tháng cuối năm, khi khủng hoảng kinh tế bùng phát lan nhanh trên toàn cầu, làm giảm mạnh nhu cầu các sản phẩm điện tử - bán dẫn, đặc biệt ở những thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Mỹ và châu Âu. Điều này đã tác động mạnh tới xuất khẩu của nhiều quốc gia châu Á, những nước mà sản phẩm điện tử chiếm phần quan trọng trong ngành xuất khẩu. Vào cuối năm 2008, giá hầu hết các đồ điện tử - bán dẫn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2007. Kinh tế thế giới suy thoái đang tác động mạnh tới thị trường sản phẩm điện tử toàn cầu.

Năm 2008, tăng trưởng của thị trường bán dẫn thế giới ước tính đạt mức tăng trưởng 2,5%, trị giá 261,9 tỷ USD, nhờ những kết quả khả quan trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2008, nhu cầu các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, máy tính cá nhân và các thiết bị kỹ thuật số đã bắt đầu sụt giảm rõ rệt. Theo dự báo của WSTS, thị trường bán dẫn Nhật Bản sẽ giảm 8,5%, xuống 5.260 tỷ Yên năm 2008 và giảm 2,6%, xuống 5.120 tỷ Yên năm 2009. Theo Tổ chức Thống kê Thị trường Bán dẫn Thế giới (WSTS) có trụ sở tại Mỹ, thị trường bán dẫn thế giới năm 2009 sẽ giảm sút 2,2% so với năm 2008, xuống chỉ 256,1 tỷ USD. Đây sẽ là lần giảm đầu tiên trong vòng 8 năm kể từ năm 2001, khi các bong bóng ngành công nghệ thông tin bùng nổ.

Công nghệ thông tin:

Ngành công nghệ thông tin (IT) không thoát khỏi sự càn quét của cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong những ngày cuối năm, liên tục các báo cáo từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về IT cho thấy sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận, lượng bán hàng trong ngành. Đầu tiên là cú sốc thị trường từ dự báo giảm doanh thu quý 4 của Intel được đưa ra vào ngày 12/11/2008. Công ty đang sản xuất đến 80% lượng chip máy tính trên thế giới này dự báo là doanh thu của mình chỉ đạt trên dưới 9 tỷ USD trong quý 4, giảm khoảng 1 tỷ USD so với mức dự báo được chính hãng này đưa ra vào tháng 10. Về bộ nhớ chớp NAND, iSupply cho biết bản dự đoán của họ về thị trường bộ nhớ chớp cho thấy doanh thu của nó trên toàn thế giới ước tính giảm 14% xuống còn mức 12 tỉ USD vào năm 2008, từ mức 13.9 tỉ USD năm 2007. Năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên doanh thu bộ nhớ chớp NAND trên toàn thế giới sụt giảm so với mức hàng năm. iSupply cũng cho biết, năm 2009, doanh thu toàn cầu từ bộ nhớ chớp NAND cũng sẽ giảm tiếp thêm 15% nữa.

Về thị trường máy tính cá nhân (PC), IDC dự báo, do kinh tế toàn cầu suy yếu nên nhu cầu PC trong năm 2009 sẽ giảm, với doanh số bán PC toàn cầu chỉ tăng 3,8%, và doanh thu PC toàn cầu giảm 5,3%. Các con số này thấp hơn đáng kể so với mức dự đoán trước đây của công ty này rằng doanh số bán PC toàn cầu năm 2009 sẽ tăng 13,7% về số lượng và tăng 4,5% về giá trị.

Theo dự báo của JPMorgan thì thị trường máy tính cá nhân (PC) thế giới sẽ chưa hồi phục cho tới quý III/2009 do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới nhu cầu và giá. JP Morgan dự báo doanh số bán PC trên toàn cầu sẽ giảm 5% trong năm 2009, còn doanh thu sẽ giảm 13%. Dự báo doanh số bán notebook tăng 10% sẽ bù lại cho doanh số bán máy tính để bàn giảm 19%. Morgan dự báo doanh số bán notebook sẽ tiếp tục tăng, song giá bán trung bình sẽ giảm khoảng 12%, do vậy doanh thu sẽ giảm khoảng 17% so với năm 2008. Bán máy tính thay thế sẽ giảm mạnh nhất trong năm 2009, giảm khoảng 10%, do kinh tế khủng hoảng khiến nhiều người trì hoãn thay thế máy tính mới, trong khi doanh số bán mới vẫn tiếp tục tăng vào năm 2009 nhờ giá giảm.

Tivi:

Tiêu thụ TV LCD tăng mạnh trong năm 2007 đã khích lệ các hãng sản xuất mở rộng công suất sản xuất. Và tình trạng dư thừa đã bắt đầu xảy ra từ đầu năm 2008, khi nguồn cung tăng mạnh mà nhu cầu lại tăng chậm lại. Theo hãng nghiên cứu WitsView Technology Corp., giá TV màn hình tinh thể lỏng (LCD) 42 inch đã giảm 5% trong tháng 8 và giảm 6% trong tháng 9, tổng cộng giảm 15% trong quý III/2008, là quý giảm giá mạnh nhất trong hơn 2 năm qua, và tiếp tục giảm  trong những tháng cuối năm. Tính chung trong cả năm 2008, giá TV LCD đã giảm khoảng 20-40%. Thị trường TV LCD sẽ dư thừa cung cho tới quý I năm 2009, khi mà cung sẽ vượt khoảng 13% so với nhu cầu. Thị trường tivi màn hình phẳng thế giới tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng cuối năm 2008, và sẽ tiếp tục trì trệ trong năm 2009, do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

LG Electronics Inc., hãng sản xuất tivi lớn thứ 3 thế giới, dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm chậm lại đáng kể tốc độ tăng tiêu thụ tivi màn hình phẳng trên thị trường thế giới trong năm 2009, xuống chỉ 5%, so với mức tăng khoảng 20% của năm 2008.

Về năm 2009, hai nhà dự báo CLSA Ltd. và JP Morgan Chase & Co. đều cho rằng thị trường máy tính và TV sẽ trong tình trạng dư thừa cung đến tận cuối năm. Mặt khác, khủng hoảng tín dụng đe dọa đẩy kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, và sẽ làm giảm mạnh nhu cầu máy tính cũng như TV. Nếu may mắn mà nhu cầu tăng lên nhờ giá giảm thì ngành TV sẽ hồi phục vào quý II năm 2009. Nói chung, tình hình sẽ tùy thuộc vào nhu cầu.

Nguồn: Vinanet