I.                   DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

            Giá gạo thế giới tháng 12 giảm trung bình khoảng 2 USD so với tháng 11 và giảm khoảng 18 USD/tấn so với một năm trước đây. Gạo xuất khẩu của một số nước châu Á giảm trở lại trong tháng 12, sau khi nhích tăng tháng trước đó, bởi nhu cầu yếu và nguồn cung tiếp tục dồi dào.

Giá giao dịch gạo Thái Lan trở nên rẻ nhất khu vực châu Á, mặc dù giá chào vẫn còn khá cao. Tính từ đầu năm tới nay, giá gạo Thái Lan giảm gần 25%, trong khi gạo Việt Nam chỉ giảm gầm 4%, khiến mức chênh lệch giữa 2 loại gần như về 0 so với 25% hồi đầu năm 2013. Thậm chí gạo Thái hiện có loại giao dịch ở mức giá thấp hơn so với gạo Việt Nam, gây ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường châu Á.

1. Thái Lan

Gạo Thái Lan trung tuần tháng 12 giảm khoảng 25 USD/tấn so với một tháng trước đó, và giảm khoảng 170 USD/tấn so với một năm trước, với loại 5% tấm hiện chỉ giao dịch ở mức khoảng 380 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với ngay cả trước khi thực hiện các chương trình can thiệp (600 USD/tấn). Giá chào báo gạo loại này hiện khoảng 435 USD/tấn.

Hiện giá giao dịch gạo Thái Lan trở nên rẻ nhất châu Á, rẻ hơn cả gạo Pakistan, mặc dù giá chào bán thì chỉ thấp hơn so với gạo Việt Nam.

2. Việt Nam

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 12 tăng khoảng 10% so với tháng trước, và tăng khoảng 5 USD/tấn so với một năm trước. Hiện loại 5% tấm giá chào ở mức 425-430 USD/tấn, giao dịch ở mức khoảng 415 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 5/12/2012 (khi đạt 440 USD/tấn, FOB), do ký được hợp đồng với Philippine và đã qua mùa thu hoạch nên giá gạo trong nước cũng tăng mạnh.

Giá xuất khẩu trung bình trong 11 tháng đầu năm 2013 giảm khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, từ 456 USD/tấn xuống 431 USD/tấn (FOB).

3. Ấn Độ

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ hầu như không thay đổi trong tháng 12/2013, với loại 5% tấm ở mức khoảng 405-415 USD/tấn. Tuy nhiên, so với một năm trước đây, giá hiện thấp hơn khoảng 15 USD/tấn. Trong bối cảnh chung, nhu cầu gạo Ấn Độ từ các khách hàng châu Phi cũng yếu, kể cả từ Nigeria.

II. SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI

1. Các nước xuất khẩu chủ chốt: Nguồn cung tiếp tục dồi dào sau khi các nước trong khu vực đầu tư rất mạnh cho sản xuất lúa, gạo những năm gần đây nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Thái Lan đang trong vụ thu hoạch chính. Tồn trữ ở các nước sản xuất đều trên ngưỡng an toàn. Việc Thái Lan tích trữ một lượng lúa gạo quá lớn khiến các nước nhập khẩu luôn hy vọng giá sẽ giảm mạnh khi Thái Lan xả gạo ra nên có thái độ chờ đợi không vội mua, trong khi các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia, Việt Nam và cả Thái Lan đều phải cố gắng hạ giá để đạt mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2013.

1.1. Việt Nam

Về nguồn cung, các vụ lúa chính trong năm nhìn chung đã kết thúc. Lượng lúa hàng hóa không còn nhiều, giao dịch với mức giá cao, song được bổ sung một phần từ Campuchia đang mùa thu hoạch. Theo trang Nông nghiệp, lượng lúa từ Campuchia bán sang Việt Nam hiện khoảng 1.000 tấn/ngày, cao hơn mức thông thường 700-800 tấn/ngày thời điểm này hàng năm.

Hiện nay, ở các tỉnh ĐBSCL, nhiều địa phương đã xuống giống lúa vụ Đông xuân. Vụ sắp tới tại ĐBSCL sẽ được thu hoạch vào tháng 2 năm tới.

            Lúa đang tập trung tại cảng nhiều, áp lực thu mua không còn lớn như mấy tuần qua. Hiện phần lớn các doanh nghiệp đủ chỉ tiêu giao hàng đợt 1 xuất sang Phiippines. Lúc này ngành lúa gạo tập trung cung cấp cho Tết Nguyên đán.

Trong mấy năm gần đây, dịp cuối năm, dân mua bán gạo nội địa bắt đầu tìm nguồn hàng làm gạo ngon đóng gói làm quà bán dài dài cho tới tết. Gạo bán chợ tết chỉ chọn gạo thơm, ngon cơm như Jasmine, Nàng Thơm Chợ Đào (Long An), Tài Nguyên, gạo ST (Sóc Trăng), gạo Một Bụi (Bạc Liêu)…

            Về xuất khẩu, tính từ đầu năm tới ngày 12/12, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 6,3 triệu tấn, giảm khoảng 15% so với một năm trước đó, với kim ngạch trong 11 tháng giảm khoảng 14,53%, do nhu cầu sụt giảm từ các khách hàng Đông Nam Á. Ngoài ra còn một lượng xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, với khối lượng rất khó tính toán chính xác (khoảng 300.000 đến 1,2 triệu tấn). Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt 6,6 triệu tấn trong năm 2013, giảm 1,1 triệu tấn so với năm ngoái, do nhu cầu giảm từ Indonesia, Philippine và Malaysia.

Đây là 3 thị trường truyền thống của Việt Nam, với lượng nhập khẩu ổn định ở mức 2/3 tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm liền. Tuy nhiên năm nay Việt Nam mất gần như toàn bộ những thị trường này, bởi nguồn cung dồi dào trên toàn thế giới, và gia tăng ở ngay tại những nước nhập khẩu này. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu cũng thay đổi phương thức nhập khẩu, từ chỗ nhập theo các hợp đồng tập trung do hai chính phủ đàm phán chuyển dần sang tư nhân đấu thầu, tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu lựa chọn nguồn cung cấp giá rẻ.

1.2. Thái Lan

Sở dĩ giá gạo Thái Lan tiếp tục sụt giảm mặc dù chính phủ vẫn duy trì can thiệp vào thị trường này bởi khác với những lần trước, trong chương trình này chính phủ Thái chỉ mua lúa với khối lượng hạn chế, tức là khoảng 16,5 triệu tấn, tương đương 40% tổng sản lượng vụ 2013/14 (tháng 10/tháng 9).

Việc Thái Lan giải tán quốc hội vào tháng 11 vừa qua hầu như không ảnh hưởng tới thị trường lúa gạo, bởi rơi vào tháng có nhiều lễ hội, trong bối cảnh nhu cầu yếu trên toàn cầu.

Về nguồn cung, Thái Lan đang giữa vụ thu hoạch lúa chính vụ niên vụ 2013-14, với sản lượng vụ này khoảng 28,4 triệu tấn, cao điểm thu hoạch vào cuối tháng 11-đầu tháng 12. Sản lượng vụ này dự kiến sẽ tăng khoảng 7% so với năm trước, bởi nông dân tận dụng cơ hội chính phủ thu mua lúa với giá cao để tăng diện tích trồng lúa.

            Về xuất khẩu, tính từ đầu năm tới nay, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 6,6 triệu tấn gạo. FAO dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2013 đạt 7 triệu tấn, và năm 2014 sẽ đạt 8,5 triệu tấn. Theo nguồn tin từ Thái Lan, chính phủ nước này đã ký thỏa thuận xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc, kỳ hạn giao tháng 12/2013. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục bán một phần gạo dự trữ ra để lấy kho chứa lúa vụ mới và để bổ sung cho quỹ thu mua lúa gạo trong chương trình can thiệp mới bắt đầu từ ngày 1/10.

Về dự trữ, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết dự trữ gạo trong kho tính tới tháng 11/2013 còn khoảng 7 triệu tấn, và cho biết thêm chính phủ đang lên kế hoạch gia tăng xuất khẩu theo các hợp đồng liên chính phủ trong những tháng tới để lấy lại vị trí nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2014.

Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia thì Thái Lan còn tồn kho 15- 17 triệu tấn gạo, trong đó chỉ còn 1,2 triệu tấn là gạo thơm, còn lại hơn 90% là gạo trắng. Thái Lan buộc phải xuất khẩu lượng gạo đó ra thị trường thế giới. Nhưng với tiến độ như 7 tháng đầu năm thì phải gần 4 năm nữa mới xuất hết khối lượng gạo trắng đang tồn kho, với điều kiện nông dân Thái Lan ngừng sản xuất lúa. FAO dự báo tồn trữ gạo của Thái Lan dự báo sẽ lên tới 20,4 triệu tấn năm 2014, từ mức khoảng 15 triệu tấn của năm nay.

2. Các nước nhập khẩu chủ chốt: Lợi thế trên thị trường lúa gạo thế giới đang nghiêng về phía người mua. Thực tế là trong năm 2013 khách hàng luôn chủ động thời gian và giá cả trong các hợp đồng mua gạo, bởi nguồn cung dồi dào trên toàn cầu, và nhiều nước nhập khẩu truyền thống gia tăng được tỷ lệ tự cung.

2.1. Philippine

Theo số liệu sơ bộ của FAO, sản lượng lúa năm 2013 của nước này đạt khoảng 18 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với dự báo trước (18,9 triệu tấn) và giảm khoảng 10% so với mục tiêu 20 triệu tấn của chính phủ. Như vậy, Philippine sẽ khó đạt mục tiêu tự cung tự cấp trong năm nay. Bão Haiyan đã phá hủy 1/3 khu vực trồng lúa của Philippine và nhiều kho chứa lúa dự trữ. Từ sau cơn bão Haiyan tới nay, NFA đã phân phối khoảng 298.218 tấn gạo cho nông dân.

Được biết dự trữ gạo của NFA đã giảm mạnh ngay cả trước khi bão xảy ra. Theo Cục Thống kê Nông nghiệp Philippines (BAS), tổng lượng dự trữ gạo ở Philippines tính đến ngày 01/10/2013 khoảng 1,7 triệu tấn, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hôm 15/11, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) đã thông qua kế hoạch nhập khẩu 500.000 tấn gạo khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Campuchia giai đoạn tháng 12/2013-3/2014 để cải thiện tình hình dự trữ đệm. Các tổ chức quốc tế đều thống nhất dự báo nhập khẩu gạo vào Philippine năm 2014 chắc chắn sẽ tăng so với năm 2013 và so với những dự báo trước, lên khoảng 1,2 triệu tấn. Theo dự báo mới nhất của chính phủ Philippine, nhập khẩu gạo vào nước này có thể gia tăng trong năm 2014 và sẽ duy trì ở mức cao trong những năm tới do ảnh hưởng của bão. FAO thì dự báo nhập khẩu gạo vào Philippine sẽ tăng khoảng 20% lên 1,2 triệu tấn. Còn một số nguồn tin thương mại dự báo có thể tới 2 triệu tấn vào năm 2014.

Bộ Nông nghiệp cũng đang kêu gọi người dân giảm tiêu thụ gạo và thay vào đó tăng tiêu thụ các loại củ như sắn chẳng hạn, với nỗ lực đưa giá gạo giảm trở lại. Được biết giá gạo tại Philippine đã tăng mạnh sau siêu bão Haiyan.

2.2. Châu Phi

Theo nguồn tin địa phương, Nigeria có thể giảm thuế nhập khẩu gạo vào năm 2014 để giảm bớt thiệt hại do nạn buôn lậu gạo vào nước này – gia tăng khi áp thuế nhập khẩu quá cao. Để khuyến khích sản xuất luấ gạo, chính phủ Nigeria đã áp thuế nhập khẩu gạo 110% từ tháng 1/2013, tăng từ 40-60% so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, động thái này dường như gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế nước này. Theo USDA, nhu cầu nhập khẩu gạo của Nigeria khoảng 3 triệu tấn mỗi năm, tăng từ mức 2,9 triệu tấn năm trước. Sản lượng năm 2013-14 dự kiến đạt 2,7 triệu tấn.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mozambique, sản xuất lúa gạo nước này đang gia tăng và có thể đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong nước vào năm 2017-18. Theo Bộ trưởng, sản xuất lúa gạo trong nước ở mức khoảng 400.000 tấn trong năm 2012-13 , tăng khoảng 100.000 tấn hay khoảng 25% so với năm trước. Do đó, yêu cầu nhập khẩu gạo của Mozambique đã giảm từ 300.000 tấn xuống khoảng 200.000 tấn, trên cơ sở tiêu thụ gạo bình quân 600.000 tấn.

II.               DỰ BÁO

Nhiều khả năng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao sang đầu năm 2014 bởi phải mấy tháng nữa mới có gạo vụ mới, trong khi hợp đồng ký với Philippine cũng phải tới cuối tháng 3 mới hoàn tất việc giao hàng.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014 tình hình xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa sẽ khó khăn hơn, kế hoạch xuất khẩu có thể chỉ tương đương năm 2013, khoảng 6,5-7 triệu tấn.

Tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và cạnh tranh xuất khẩu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á nên xu hướng giá còn tiếp tục thấp trong thời gian tới. Việt Theo VFA, năm 2014 sẽ tiếp nối những khó khăn của năm 2013 nhưng áp lực nhiều hơn đối với các nguồn xuất khẩu do cung cấp dư thừa, cạnh tranh quyết liệt. Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệt, nhất là với Thái Lan về gạo thơm và gạo trắng. Lợi thế của Việt Nam là khả năng cạnh tranh của gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao ở châu Phi và nhu cầu từ các thị trường gần, giao hàng nhanh ở Đông Nam Á.

Về thị trường, trong năm 2014 dự báo Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực.

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo sản lượng gạo thế giới sẽ tăng lên kỷ lục 497 triệu tấn trong niên vụ 2013-14, tăng khoảng 1,3% so với khoảng 491 triệu tấn niên vụ 2012-13. Hầu hết sản lượng tăng sẽ đến từ châu Á.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu 2013-2014 xuống 473,2 triệu tấn gạo, giảm khoảng 3,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng vẫn tăng gần 1% so với năm 2012-2013. Dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu 2013-2014 cũng đã được hạ 1,4 triệu tấn xuống 473,1 triệu tấn, vẫn là mức cao kỷ lục.

Nguồn: Vinanet.com.vn