Chính phủ Indonexia đã đưa ra sắc lệnh giảm số lượng cửa khẩu nhập khẩu 5 loại hàng hoá, trong đó có giày dép, xuống chỉ 5 hải cảng và sân bay, để giám sát chặt chẽ lượng hàng nhập lậu vào nước này. Việc Chính phủ nước này giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu giày dép bất hợp pháp đã làm giảm hẳn lượng giày dép nhập lậu trên thị trường Indonexia, giảm 30% trong quý I năm 2009.

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp Indonexia, sản lượng giày dép nước này đạt 1,2 tỷ đôi mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10%. Hầu hết giày dép sản xuất ở nước này là giày thể thao - sản lượng khoảng 800 triệu đôi.

Cho tới nay, giày dép nhập khẩu chiếm 60% tổng thị trường, hay khoảng 38,4 nghìn tỷ Rupi (3,7 tỷ USD) trong tổng tiêu thụ giày dép ở Indonexia 64 nghìn tỷ Rupiah.

Theo ông Muhammad Al Hadi, lãnh đạo công ty PT Primarindo, tiêu thụ giày dép ở Indonexia đạt khoảng 235 triệu đôi mỗi năm, trong đó khoảng 94 triệu đôi (40%) được sản xuất trong nước và 141 triệu đôi (60%) được nhập khẩu.

Như vậy có nghĩa là chỉ có 94 triệu đôi trong tổng số 1,2 tỷ đôi do Indonexia sản xuất được bán trong nước, phần còn lại được xuất khẩu.

Tổng Giám đốc Hội các Ngành Công nghiệp Cơ khí, Dệt và Kim loại Indonexia, Anshari Bukhari, đã yêu cầu các hãng sản xuất giày dép trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để cạnh tranh tốt với sản phẩm nhập khẩu.

Tổng giám đốc cho biết tiêu thụ giày dép ở Indonexia hiện chỉ đạt 2 đôi/người/năm, nhưng với 230 triệu dân, nếu tất cả dùng giày nội thì con số tiêu thụ trong nước không phải là nhỏ. Với chất lượng nâng cao, ngày càng có nhiều người dân Indonexia tin tưởng và sử dụng giày dép do chính hộ sản xuất.

Với chiến dịch khuyến khích dùng sản phẩm nội địa, Indonexia đặt mục tiêu nâng sản lượng sử dụng giày nội thêm 10% tổng sản lượng giày dép quốc gia.

Hiện tại, các hãng sản xuất giày dép nội mới chỉ kiểm soát 40% thị trường nội, song Indonexia phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 60% trong 5 năm tới.

Ngoài việc tăng thị phần trên thị trường nội địa, giày dép Indonexia cũng đang tìm thêm được nhiều thị trường ở nước ngoài. Đơn đặt hàng giày dép Indonexia từ nước ngoài bắt đầu tăng lên, đặc biệt từ châu Âu. Xuất khẩu giày dép Indonexia quý II/2009 dự kiến sẽ tăng 5% so với cùng quý năm ngoái.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Da giày Indonexia (Aprisindo), Eddy Widjanarko, xuất khẩu giày của nước này trong quý II năm nay tăng khoảng 5% nhờ nhu cầu tăng ở châu Âu.

Liên minh châu Âu chiếm khoảng 37 % tổng xuất khẩu giày dép của Indonexia. Nhu cầu sản phẩm của Indonexia tại thị trường này đang tăng rõ rệt, và dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng này trong quý tới.

Mặc dù triển vọng thị trường của giày nội khả quan, các hãng sản xuất giày dép Indonexia vẫn phải tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm của mình, vì giày Trung Quốc luôn là mối đe doạ lớn với họ.

Các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc hiện đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, vậy nên Trung Quốc hướng tới những thị trường mới, như Indonexia, để tiêu thụ sản phẩm của mình với giá thành rẻ, rẻ hơn khoảng 17 – 33% so với giá bình thường.

Việc Nike, hãng sản xuất giày dép hàng đầu thế giới, ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung giày từ Indonexia, chứng tỏ vị thế của Indonexia trên thị trường thế giới đang tăng nhanh. Nike Inc đã đặt mua thêm 45 triệu USD giày dép sản xuất ở Indonexia trong năm nay. Trước đây, Nike thông báo kế hoạch cắt giảm 10% số đơn đặt hàng giao trong thời gian tháng 3 – tháng 7/2009, song sẽ không ảnh hưởng gì tới những đơn đặt hàng với Indonexia. Budi Irmawan, Tổng giám đốc Tổng công ty Đa ngành của Indonexia cho hay, Nike đã có kế hoạch nhập khẩu 55 triệu đôi giày trị giá 1,3 tỷ USD từ Indonexia trong năm 2009. Ông Irmawan cho biết hãng Nike đã đặt mua 3 triệu đôi giày của Indonexia trong năm nay, và số đơn đặt hàng mới kia nữa sau khi đóng cửa một số nhà máy ở mấy nước châu Á, trong đó có Thái Lan và Trung Quốc. Nike muốn cung cấp thêm 250.000 đôi giày mỗi tháng trong năm 2009 này, hay 3 triệu đôi mỗi năm, đặt mua của các hãng PT Nikomas Gemilang, PT Cing Luh Indonesia, PT Panarub Industry và PT Hardaya Aneka Shoes Industry.

Nguồn: Vinanet