Theo ông Lê Bá Lịch - chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tình trạng dự trữ thức ăn chăn nuôi hiện nay tăng mạnh hoàn toàn không phải do doanh nghiệp dự báo thị trường kém. Ngay từ đầu năm, giá một số loại sản phẩm chăn nuôi đã giảm mạnh, đến nay hầu hết đều khá thấp khiến cho người chăn nuôi không mặn mà đầu tư.
Ông Chamnan, phó tổng giám đốc công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi của toàn thị trường phía Nam giảm 15 – 20% và đang có xu hướng giảm thêm. Do bán hàng chậm nên nhiều tuần nay, C.P đã hạn chế nhập nguyên liệu, chủ yếu sản xuất hàng dự trữ mua vào hai tháng trước.
Chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang tồn khoảng 300.000 tấn nguyên liệu mì lát, số hàng này mua hồi đầu năm giá rẻ 1.700đ/kg. Khô dầu đậu nành cũng được nhập về nhiều, trên 876.000 tấn, trị giá 347 triệu USD và đang tiếp tục tăng thêm.
Những tháng đầu năm, doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản choáng váng trước cảnh có tới 40% người nuôi “treo” ao, đầm vì thua lỗ. Từ đầu tháng 6, giá cá tra, tôm sú tiếp tục giảm thêm, đẩy người nuôi thêm thua lỗ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản phải bán bớt dây chuyền sản xuất, một số tạm ngưng hoặc giảm công suất tới 40%.
Chưa hạ giá bán
Mặc dù sức tiêu thụ giảm, nhưng ở thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đều khẳng định không thể hạ giá bán thức ăn chăn nuôi. Trước đó, tính đến ngày 12.6, giá nhiều loại thức ăn đậm đặc cho gia súc đã ba lần được điều chỉnh tăng với mức 500đ/kg so với tháng 5.2009. Hiện nay, giá thức ăn cho lợn khoảng 7.000 – 7.200đ/kg, gà trên 8.000đ.
Nguyên nhân chưa thể giảm giá thức ăn vì nguyên liệu nhập vào trước đó có giá khá cao. Thực tế, đến đầu tháng 4, giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới đều tăng khá mạnh. Nếu như trong quý 1/2009, giá khô dầu đậu nành 270 – 370 USD/tấn, thì đầu tháng 4, đột ngột lên trên 400 USD.
Đến cuối tháng 6, giá khô đậu tương Ấn Độ tăng 48,8% so đầu năm, lên gần 500 USD/tấn và cao hơn 0,7% so với mức giá cùng kỳ năm trước. Tương tự, so với đầu năm nay, giá bột thịt, bột xương Argentina tăng 15%, giá bột cá Peru tăng khoảng 3%... Nếu như doanh nghiệp nào nhập nguyên liệu trong tháng 5 và 6, thì dù hiện nay không bán được họ cũng khó mà giảm giá.
Một yếu tố khác, thời gian qua, do ngoại tệ khan hiếm, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phải chịu thêm chi phí mới có đôla thanh toán. Có thời điểm, tại thị trường tự do, giá USD tăng cao 2 – 3,5% so với tỷ giá niêm yết của ngân hàng và doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mua.
 

Nguồn: Vinanet