Theo ECC (Công ty chứng khoán Eurocapital) trong quá trình phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, mức cung tiền của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua là do các nguyên nhân sau: 

Thứ nhất, do vốn đầu tư nước ngoài tăng đột biến. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến 6 tháng đầu năm 2008, con số này đã lên đến 31,6 tỷ USD, gấp rưỡi tổng vốn của cả năm 2007. Đầu tư nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2008 cũng đạt gần 5 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Với lượng ngoại tệ lớn chảy vào nước ta như vậy thì ngân hàng nhà nước đã thực hiện đơn thuần việc mua vào lượng USD này và tung VND ra để ổn định tỷ giá còn các biện pháp thu hồi VND về như phát hành tín phiếu ngân hàng nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ lại không đáng kể. Điều đó đã làm cho lượng tiền cung ứng tăng mạnh.

Thứ hai, do điều hành chính sách tiền. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP tăng từ 7,5-8%/năm), Chính phủ đã thực thực hiện chính sách tài khoá theo hướng mở rộng. Chi tiêu hàng năm của Nhà nước tăng mạnh trong giai đoạn từ 2004 - 2006 là 20,3%/năm, thâm hụt ngân sách năm 2006 là 5% GDP và xấp xỉ ở mức này trong năm 2007. Tuy nhiên, lượng thu nội địa tương ứng chỉ tăng khoảng hơn 10%, đồng thời lượng vốn đầu tư công không đạt hiệu quả cao (ICOR là hơn 4 lần). Do đó lượng tiền cung ứng và cả lạm phát đều tăng cao. 

Thứ ba, do sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Chính điều này đã góp phần lớn trong việc mở rộng lượng tiền cơ sở và gia tăng tổng phương tiện thanh toán. 

Đầu năm 2008, lạm phát đã thực sự trở thành một vấn đề đối với cả nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một loạt biện pháp mạnh nhằm rút tiền từ lưu thông về: thay đổi cơ chế điều hành lãi suất trên cơ sở lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu (tăng dự trữ bắt buộc thêm 1%, nâng lãi suất cơ bản lên 14%, …); phát hành tín phiếu bắt buộc, rút tiền gửi của kho bạc từ ngân hàng thương mại.

Trong quý I, các công cụ nhằm hạn chế lượng tiền cung ứng đã bước đầu phát huy hiệu quả: tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 4,8%, lượng tiền huy động của hệ thống NHTM tiếp tục tăng lên (tiền gửi có kì hạn đã tăng 13%, dự trữ tăng 18%), lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng chỉ tăng 7% so với cuối năm 2007 (còn khoảng 255 ngàn tỷ đồng)… . Từ đó, lạm phát trong quý II đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng công cụ điều hành tiền tệ có thể làm tăng rủi ro thanh khoản, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. 

ECC kiến nghị: nhằm hạn chế lạm phát và phát huy tác dụng của chính sách tiền tệ, Việt Nam cần sớm khắc phục hiện tượng tích trữ tài sản bằng ngoại tệ, vàng, hàng hóa và đầu cơ bao gồm: nâng cao niềm tin của dân cư vào VND và sử dụng VND làm phương tiện tích trữ chủ yếu, hạn chế đầu cơ trong tất cả các khâu của sản xuất, lưu thông. Ngoài ra, các công cụ của mà ngân hàng nhà nước thực hiện cũng cần có sự linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng để kiểm soát lượng tiền trong lưu thông mà vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư sản xuất của nền kinh tế. 

Từ những phân tích đó, ECC đã đưa ra những dự báo trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và các công cụ điều tiết như dự trữ bắt buộc, lãi suất, hạn mức tín dụng,... 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp