Công nghệ thay đổi hằng ngày, những gì mới, nhanh và mạnh của hôm nay có thể sẽ trở nên lạc hậu vào ngày mai. Chúng ta hãy thử xem một số tiêu điểm trong năm mới 2010 của ngành công nghiệp vi điện tử.

Chip vi xử lý (CPU)

Intel mở đầu năm 2010 với việc trình làng phiên bản mới của kiến trúc Nehalem được sản xuất trên công nghệ 32nm. Mở hàng là các bộ vi xử lý 32nm Intel Core i3 và Core i5 (tên mã Clarkdale) với 2 nhân/4 luồng nhắm đến thị trường phổ thông. Điều đặc biệt mang tính cách mạng là lần đầu tiên CPU được tích hợp cả chip đồ họa GPU.

Đối với phân khúc thị trường cao cấp, Intel cũng sẵn sàng tung ra CPU 6 nhân (tên mã Gulftown) dưới thương hiệu Core i9 ngay trước mùa hè năm nay. Việc tăng thêm 2 lõi nữa cho Core i9 sẽ giúp nó xử lý các video 3D hay nén dữ liệu nhanh hơn. Kết quả thử nghiệm cho thấy Core i9 nhanh hơn gấp đôi dòng i7 với cùng tốc độ xung nhịp.

Sau Nehalem, Intel thậm chí còn vạch sẵn kế hoạch cho cuối năm 2010 với việc phát triển CPU với tên mã Sandy Bridge. Hiện tại, chưa có nhiều thông tin về Sandy Bridge ngoài việc Intel cho biết nó sẽ dựa trên công nghệ 32nm và được thêm tập lệnh mới AVX 256-bit vào cấu trúc SSE 128-bit, hứa hẹn sẽ tạo nên những kỷ lục mới về tốc độ.

Còn đối thủ chính và duy nhất của Intel trên thị trường CPU là AMD thì sao? Nói về phương diện kiến trúc, năm 2010 vẫn là năm tại vị những gì mà AMD đang có, và bộ vi xử lý có tên mã Bulldozer được kỳ vọng nhất sẽ không xuất hiện trong năm nay (tương tự như Larrabee của Intel). Còn CPU tích hợp chip đồ họa của AMD được biết đến với cái tên APU cũng sẽ không có mặt trước năm 2011.

Trước mắt, trong đầu năm 2010, AMD sẽ phát triển dòng CPU mới mang tên Thuban mà thực ra đây là một phiên bản cải tiến nhỏ của Phenom II nhưng có đến 6 nhân (AMD Phenom II X6) và vẫn thừa hưởng các đặc tính cũ như Socket AM3 và nền tảng công nghệ 45nm.

Kế hoạch phát triển dòng vi xử lý 32nm của AMD sẽ được dời đến cuối năm 2010, và người ta mong nó sẽ có cải thiện hơn về các mặt tốc độ, tiết kiệm điện năng và quan trọng là giá thành thấp.

Chip đồ họa (GPU)

Sau khi Intel thông báo trì hoãn chip đồ họa (GPU) Larrabee đến năm 2011, chiến trường đồ họa 2010 vẫn tiếp tục là giữa hai đại đối thủ truyền thống: NVIDIA và ATI/AMD.

NVIDIA sau một năm 2009 vất vả với sự vươn lên mạnh mẽ của ATI sẽ cho ra đời dòng GPU thuộc loại khủng nhất mang tên Fermi (GT300) vào đầu năm 2010. Được biết đây là GPU có cấu trúc phức tạp nhất từ trước đến nay, với những thông số "khủng" bao gồm 3 tỉ transistor, giao diện bus 384-bit cùng bộ nhớ lên đến 6GB DDR5. Với sức mạnh khủng khiếp như vậy, GT300 được ví von như một vụ nổ hạt nhân và được quảng cáo trong một vài phép thử là có năng lực xử lý mạnh gấp 10 lần so với bất kỳ GPU nào hiện nay của NVIDIA. Fermi hứa hẹn sẽ soán ngôi vua card đồ họa đơn nhân của ATI Radeon HD 5870.

Tuy nhiên, một khi NVIDIA chưa ấn định chính thức ngày ra mắt Fermi, Radeon HD 5800 Series vẫn là dòng card đồ họa duy nhất hỗ trợ DirectX 11 tính đến thời điểm hiện tại, và vẫn giúp cho AMD nắm thế chủ động với hiệu năng/giá thành tốt nhất hiện nay.

Với sự xuất hiện của tập lệnh Compute Shader trong DirectX 11, số lượng chip đồ họa hỗ trợ DirectX 11 được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2010, mang lại hy vọng về sức mạnh xử lý song song của GPGPU sẽ trở thành hiện thực.

Chip xử lý nền tảng di động

Nền tảng máy tính di động 2010 cũng sôi động ngay từ đầu năm với sự xuất hiện của nền tảng vi xử lý siêu di động Intel Atom thế hệ thứ hai (tên mã Pine Trail) với bộ vi xử lý Atom mới (tên mã Pineview) đi kèm với bộ chipset mới NM10 (tên mã Tiger Point). Tuy vẫn được sản xuất trên công nghệ 45nm, nhưng đặc trưng của Atom mới là chip đồ họa và bộ điều khiển bộ nhớ được tích hợp ngay bên trong bộ vi xử lý. Ngoài sức mạnh xử lý mới, lợi ích của việc tích hợp này là sự nhỏ gọn và tiết kiệm điện năng cho các thiết bị di động.

Pine Trail sẽ đem lại cho thị trường máy tính xách tay những dòng Netbook rẻ hơn, có thời lượng pin lâu hơn, và cả những thiết bị Internet di động (MID) hay máy tính để bàn Nettop có kích thước nhỏ hơn.

Kế hoạch năm 2010 của Intel bao gồm cả việc đưa kiến trúc Westmere 32nm vào máy tính xách tay. Được biết đến với tên mã Arrandale, dòng CPU hai nhân này được tích hợp luôn chip xử lý đồ họa (giống như Clarkdale ở dòng Desktop) và sẽ được đưa vào nền tảng di động Calpella sắp tới. Việc phát triển hệ thống mới này một lần nữa sẽ tạo ra những chiếc máy tính xách tay với hiệu năng cao, giá thành thấp và thời lượng pin được tăng lên.

Đối với AMD, hãng này dường như vẫn im hơi lặng tiếng trong năm 2010 để đầu tư vào một thế hệ vi xử lý mang tên mã Bobcat sẽ xuất hiện vào năm 2011. Bobcat với công nghệ 40nm và đặc biệt kết hợp chip đồ họa RV8x0 sử dụng thư viện đồ họa DirectX 11 hứa hẹn mang lại sức mạnh và mức tiêu thụ điện thấp. Còn trong năm 2010, với kế hoạch đưa công nghệ 45nm vào trong các dòng notebook mỏng và nhẹ, AMD cam kết hiệu năng của hệ thống sẽ tăng lên trong khi thời lượng pin có thể đạt đến 7 giờ.

Chip nhớ trong công nghệ lưu trữ

Năm 2009 đã cho thấy tiềm năng ứng dụng của ổ cứng thể rắn SSD vốn khẳng định được tính vượt trội về tốc độ, độ bền và tiết kiệm năng lượng so với ổ đĩa cứng HDD truyền thống. Điều hạn chế của SSD hiện nay là dung lượng chưa lớn và giá quá cao. Trong năm 2010, người ta cho rằng SSD sẽ là một mỏ vàng để các công ty khai thác và cho ra những sản phẩm có ưu điểm tốc độ cao, dung lượng lớn và giá dễ chịu hơn.

Sản phẩm đoạt danh hiệu ổ SSD nhanh nhất thế giới đáng nhắc đến đầu tiên là RealSSD C300 đến từ Micron, công ty có thương hiệu bộ nhớ nổi tiếng là Crucial. Với tốc độ đọc 355MB/s và ghi 215MB/s, C300 quả là một địch thủ khó vượt qua. Đến cuối năm 2010, tốc độ của ổ SSD có thể sẽ lên đến 500MB/s.

Ngoài những bước tiến dài về tốc độ ghi-đọc, các công ty cũng đang cố gắng nâng dung lượng ổ cứng SSD lên càng cao càng tốt, bằng cách tăng thêm số cấp (level) và mật độ của bộ nhớ cho chip MLC (Multi-level Cells - tế bào đa cấp). Bước tiến đầy ý nghĩa này có thể giúp cho tỉ lệ giá thành sản phẩm tính trên số GB sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa hay thậm chí một phần tư (1/4). Ngoài ra, năm 2010 được kỳ vọng sẽ có những cải thiện đáng kể cho SSD về mặt hiệu năng và hoạt động ổn định, đặc biệt là việc áp dụng rộng rãi công nghệ TRIM cho phép cải thiện tốc độ của các tác vụ ghi dữ liệu trên ổ SSD.

Trước mắt, các ổ SSD có dung lượng từ 128GB đến 256GB sẽ có giá dễ chịu hơn nhiều so với năm ngoái. Nhưng xét tổng thể về mặt lưu trữ, ổ đĩa cứng HDD vẫn tiếp tục là sự lựa chọn của đại đa số người dùng trong năm 2010.

(Mediazone)

 

Nguồn: Internet